Một cuộc cách mạng về xe hơi mới đang diễn ra khi các nhà sản xuất tạo ra những chiếc xe có động cơ dung tích nhỏ nhưng công suất mạnh hơn. Tuy nhiên, giá có nó cũng đắt đỏ hơn.

Ở nhiều lĩnh vực, người tiêu dùng đã dần quen với khái niệm "nhỏ dần” mà vẫn “mạnh mẽ”. Điều đó cũng đúng với xe hơi hiện đại.

“Bây giờ nếu mua ô tô vẫn tin rằng xe động cơ dung tích xi lanh 3.0L sẽ mạnh hơn xe sử dụng động cơ 2.0L, thì đó sẽ là một sai lầm lớn”, Trevor Worthington, Phó chủ tịch, phụ trách phát triển sản phẩm tại châu Á Thái Bình Dương Ford Motor cho biết.

Ở Việt Nam, khách hàng vẫn còn lạ lẫm với những chiếc xe động cơ 3 xi lanh, có dung tích 1.0L. Tuy nhiên, đây không phải là bước “lùi” về công nghệ, ngược lại sẽ tạo ra cỗ máy uy lực, ít xi lanh, dung tích nhỏ nhưng công suất "khủng".

{keywords}
Xe động cơ nhỏ nhưng công suất lớn đang là xu hướng mới.

Trong nhiều năm qua, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hãng xe đã nâng sức mạnh cho những chiếc xe của mình bằng cách tăng dung tích động cơ và đồng thời cũng làm cho những sản phẩm của họ tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn.

Với chính sách tiết kiệm nhiên liệu nên nhiều quốc giá đã khuyến khích phát triển dung tích nhỏ, tiêu thụ nhiên liệu ít. Tuy vậy, điều này lại mâu thuẫn với yêu cầu của khách hàng về chiếc xe mạnh mẽ. Và điều này đã được các nhà sản xuất giải quyết bằng các công nghệ mới.

Mới đây Ford đã giới thiệu với khách hàng châu Á xe Fiesta mới, sử dụng động cơ EcoBoost dung tích 1.0L, 3 xi lanh với công suất cực đại 125 mã lực. Động cơ này mạnh tương đương với động cơ 1.6L của Ford trước đây, nhưng tiêu hao nhiên liệu giảm 12%, chỉ còn 5,3L/100km, rất êm ái. Khách hàng chạy thử xe 1.0L nếu không biết trước thì không thể phân biệt được với động cơ 1,6 L trước đây.

Không những thế, Ford còn "thu nhỏ" động cơ 1.6L, 4 xi lanh của Ford có công suất tới 200 mã lực và 2.0L, 4 xi lanh công suất lên tới 240 mã lực. Các động cơ này sẽ được lắp cho những mẫu xe mà trước đây toàn dùng động cơ cỡ lớn.

BMW cũng đã sử dụng động cơ Turbo N20 để trang bị cho các mẫu xe mới nhất của mình từ Series 5, Series 3 đến Z4, X1, X3... Turbo N20 là động 4 xi lanh, dung tích 2.0L nhưng có turbo tăng áp kép hiệu quả rất cao.

Ba hãng sản xuất xe nổi tiếng của Nhật Bản là Toyota, Honda và Subaru cũng có lộ kế hoạch tiến tới "thu nhỏ" động cơ, đồng thời trang bị thêm tuabin tăng áp để cho công suất đầu ra lớn hơn.

Toyota, hãng xe chưa từng trang bị tuabin tăng áp cho bất kì dòng xe chạy xăng nào, cũng đã công bố xu hướng động cơ mới của mình. Đó là "thu nhỏ" động cơ và gia tăng công suất. Subaru đã có một vài mẫu xe kiểu này, với động cơ 1.6L thay cho 2.0 L như trước đây, nhưng vẫn đảm bảo chiếc xe có hiệu suất cao hơn và công suất đầu ra như một động cơ 2.5L.

Honda cũng tuyên bố sẽ giảm kích cỡ động cơ, đồng thời bổ sung thêm tuabin để tăng công suất đầu ra tại Tokyo Motor Show 2013, điển hình là chiếc Civic Type-R hatchback có công suất 300 mã lực mặc dù đã được giảm dung tích xilanh.

Công nghệ ngày nay đã thực sự cho phép giảm dung tích và số lượng xy-lanh trong khi vẫn đảm bảo công suất và giảm tiêu thụ nhiên liệu. Việc thêm hệ thống tăng áp có thể làm đội giá của sản phẩm lên. Tuy nhiên khi giảm số xi lanh từ 8, 6 xuống còn 4, hay 4 xuống còn 3 thì nhà sản xuất lại tiết kiệm được nguyên vật liệu, còn khách hàng sẽ tiết kiệm chi phí trong mỗi lần bảo trì, bảo dưỡng và chi phí nhiên liệu hàng ngày.

Khách hàng rồi đây sẽ không còn quan tâm tới động cơ lớn hay nhỏ nữa, mà thay vào đó là hiệu suất và tính năng vận hành. Họ chẳng cần quan tâm tới số xi lanh, thay vào đó là mã lực và mức tiêu thụ nhiên liệu. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, các loại xe ứng dụng công nghệ này còn rất mới mẻ và giá cũng khá cao. .

Trần Thủy