Dù kinh tế suy thoái, GDP giảm sút, ngành bia vẫn tăng trưởng đều đặn với mức 10%/năm và người Việt càng ngày uống bia càng nhiều.

Quy hoạch phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát của Bộ Công Thương đang được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan lập quy hoạch, tốc độ phát triển ngành như hiện nay là hợp lý và nhiều khả năng sẽ không thay đổi mức dự báo sản lượng năm 2015 như đã đề ra.

Tăng mạnh từng năm

Theo số liệu của Bộ Công Thương, sản lượng bia các loại trong tháng 11-2013 ước đạt 273,9 triệu lít, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt trên 2,67 tỉ lít, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, bia thương hiệu Hà Nội ước đạt 490,9 triệu lít, tăng 9,4%; bia thương hiệu Sài Gòn ước đạt trên 1,19 tỉ lít, tăng 5,7%. Bộ Công Thương cũng cho biết theo thực tế báo cáo của các doanh nghiệp lớn, sản lượng bia sẽ cán mốc 2,9-3 tỉ lít đến hết năm nay, tốc độ tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia toàn quốc năm nay sẽ vào khoảng 10%.

Ông Lê Bá Cơ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), dự báo nếu giữ tốc độ tăng trưởng ổn định như hiện nay thì đến năm 2014, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia trong nước sẽ đạt 3,3 tỉ lít; năm 2015 khoảng 3,6 tỉ lít. Mức tăng trưởng dự báo này thực tế chưa đạt mốc dự báo của Bộ Công Thương trong quy hoạch phát triển ngành rượu - bia - nước giải khát đến năm 2010, tầm nhìn năm 2015. Theo dự báo của quy hoạch này, đến năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,2-4,4 tỉ lít bia, bình quân 45-47 lít/người/năm. Mười năm sau đó, mức bình quân mỗi người Việt tiêu thụ bia sẽ đạt 60-70 lít/năm.

{keywords}
Bia là mặt hàng được tiêu thụ mạnh tại Việt Nam những năm qua 

Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết hiện bộ này đang trình dự thảo sửa đổi quy hoạch phát triển ngành công nghiệp rượu - bia - nước giải khát. Tuy nhiên, tổng sản lượng đề ra đến năm 2015 không thay đổi nhiều so với dự thảo cũ, vẫn nằm ở mức ít nhất là 4 tỉ lít. Bộ đánh giá tốc độ tăng trưởng của ngành bia như hiện nay là khá hợp lý vì nó hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Nên định hướng xuất khẩu

Ông Lê Bá Cơ nêu quan điểm ngành sản xuất bia nên được nhìn nhận một cách tích cực vì trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành này không rơi vào phá sản như các ngành khác mà vẫn phát triển, có lãi và đóng thuế lớn cho ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng dự báo sản lượng bia đạt 4,2-4,4 tỉ lít vào năm 2015 là hợp lý vì thời điểm xây dựng quy hoạch ngành, tăng trưởng GDP của Việt Nam khá cao và rất lạc quan. Hiện tại, khi GDP không thể vượt quá 5%-6% và dự báo chưa có khả năng tăng mạnh trong 1-2 năm tới thì mức tăng trưởng sản xuất bia như hiện nay dù không đạt quy hoạch đề ra nhưng vẫn chưa cân đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất bia sẽ đem lại cả mặt lợi cũng như hại cho nền kinh tế và đời sống xã hội. Cái hại là nếu sa đà vào “nhậu nhẹt”, người Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc phát sinh nhiều bệnh tật, giảm tuổi thọ, đáng lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, mất an toàn giao thông và các vấn đề trật tự xã hội, hạnh phúc gia đình…

TS Nguyễn Minh Phong đề xuất nếu tận dụng kinh nghiệm và năng lực sản xuất bia sẵn có, Việt Nam hoàn toàn có thể định hướng ngành công nghiệp bia trong nước thành ngành cung cấp sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động... Hiện Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đứng đầu thị phần bia nội địa với khoảng 1,3 tỉ lít/năm, chiếm 40% tổng sản lượng toàn quốc; Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) với sản lượng khoảng 700 triệu lít/năm, chiếm 20%; còn thương hiệu nước ngoài Heineken với 5 nhà máy sản xuất tại Việt Nam chiếm 20% thị phần. “Hiện Việt Nam chưa xuất khẩu được nhiều bia, sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước là chủ yếu, thậm chí bỏ ngỏ thị phần không nhỏ cho doanh nghiệp (DN) ngoại khai thác, trong khi DN trong nước hoàn toàn có thể đầu tư để đẩy mạnh ngành này hơn nữa và hướng ra xuất khẩu. Đây là định hướng cần được kích thích để không lãng phí thế mạnh sẵn có” - ông Phong đề xuất.

Năm 2012, thu thuế từ bia 15.000 tỉ đồng

Hiện nay, DN sản xuất, nhập khẩu bia thực hiện nghĩa vụ tài chính thông qua 3 loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế GTGT và thuế thu nhập DN.

Trước năm 2009, mặt hàng bia được áp dụng 2 mức thuế suất thuế TTĐB từ 40%-75%, chia thành bia lon và bia các loại. Riêng bia hơi được áp mức thuế suất thấp nhất vì chủ yếu phục vụ cho người lao động. Luật Thuế TTĐB có hiệu lực từ ngày 1-4-2009 thống nhất đánh chung một mức thuế suất không phân biệt các loại bia nhằm điều chỉnh những bất hợp lý và thực hiện cam kết gia nhập WTO. Theo đó, lộ trình điều chỉnh thuế suất bia chia thành 2 giai đoạn: từ ngày 1-1-2010 đến hết ngày 31-12-2012 chịu thuế 45% và nâng lên 50% từ đầu năm nay. Giá tính thuế chưa có thuế GTGT và không loại trừ giá vỏ bao bì. Theo Bộ Tài chính, năm 2012 thu thuế từ bia đạt khoảng 15.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là thuế TTĐB.

Đà Nẵng: Tiền thuế từ bia tăng gấp ba

Ông Trần Văn Miên, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Đà Nẵng, cho biết tổng thu ngân sách TP Đà Nẵng năm 2013 ước đạt 8.170 tỉ đồng, bằng 100% dự toán, trong đó thu từ thuế, phí, lệ phí là 6.247 tỉ đồng, đạt 100% dự toán. Một số lĩnh vực thu đạt dự toán như thu DN FDI (137,6%), tiền thuê đất (115%), thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (106,7%), thu DN nhà nước trung ương (100%)... Đặc biệt là tiền thu thuế TTĐB đối với bia năm 2013 đạt 810 tỉ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2012 (265 tỉ đồng).

Theo NLĐ