Giá từ 4,5 đến 14 triệu đồng mỗi sản phẩm song hàng nghìn chú ngựa dát vàng 24K đã được đặt chế tạc để làm tặng phẩm dịp Tết Giáp Ngọ.

Trước Tết Nguyên Đán gần 2 tháng, anh Nguyễn Quang Tú, chủ một cơ sở chuyên chế tác đồ mạ vàng, đã nhận được 12 đơn hàng. “Đơn đặt ít nhất là 550 sản phẩm, tính ra đã phải sản xuất hơn 7.000 chú ngựa dát vàng rồi. Xưởng hoạt động hết công suất, giờ đơn hàng lẻ số lượng ít tạm thời chúng tôi không nhận nữa”, anh Tú cho biết. 

Chủ kinh doanh này tiết lộ, khách đặt sớm chủ yếu là các doanh nghiệp nên thường yêu cầu số lượng lớn để tặng đối tác. Xưởng chế tác của anh chỉ bán lẻ các sản phẩm dát vàng vào dịp cận Tết Nguyên Đán sau khi đã hoàn thành những đơn hàng của doanh nghiệp. 

Ngựa dát vàng được xem là tặng phẩm ấn tượng về cả ý nghĩa và giá trị vật chất, thể hiện sự sang trọng khi biếu trong dịp Tết Giáp Ngọ. Bởi theo phong thủy, “uyển mã tri âm”, ngựa không những là con vật trung thành mà còn là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ, mang lại may mắn, tài lộc. Điều đó cùng với sự “lên ngôi” của tặng phẩm dát vàng khiến món quà này “hút” khách như vậy, dù mức giá không hề rẻ. 

{keywords}
Ngựa dát vàng lên ngôi dịp Tết năm nay (ảnh minh họa)

Từ những chú ngựa bằng tượng, người nghệ nhân sẽ chế tác, dát lá vàng mỏng 24K lên toàn bộ thân ngựa. Tùy kích thước, khối lượng vàng (độ mỏng, dày) và có đính thêm ngọc hay không mà mỗi sản phẩm có giá 4,5 triệu đồng; 8,5 triệu đồng hoặc 14 triệu đồng. “Đồ dát vàng hiện rất đa dạng song vì năm tới là Giáp Ngọ nên ngựa dát vàng được ưa chuộng hơn cả. Từng chú ngựa đều được chế tác tỉ mỉ đến từng milimet để toát lên được vẻ gân guốc, khỏe mạnh, thế rồng bay phải vừa chắc, vừa thanh”, anh Tú nói. 

Ngoài ngựa dát vàng, thị trường tặng phẩm xa xỉ năm nay còn có tranh ngựa, tranh cá chép dát vàng, bộ linh vật 12 con giáp, tượng Phật dát vàng giá từ vài triệu đồng đến 60 triệu đồng. Điện thoại iPhone 5S, Samsung Galaxy… dát vàng phiên bản “mã đáo thành công” có giá lên đến hàng chục triệu đồng, tùy lượng vàng và độ cầu kỳ khi khắc. 

Mặc dù đã có hàng nghìn chú ngựa dát vàng được đặt trước Tết cả tháng song cơn “sốt” này chỉ xuất hiện ở các xưởng chế tác. Còn hầu hết đơn vị nhập hàng phân phối vẫn chưa dám mạnh tay với dòng tặng phẩm xa xỉ này. Kinh doanh vật phẩm phong thủy trên phố Kim Mã, Hà Nội, anh Nguyễn Chiến Thắng mới chỉ dám đặt 10 chú ngựa dát vàng về bán. 

“Các công ty đặt nhiều không có nghĩa mặt hàng đó cũng ‘sốt’ trên thị trường. Nhập về mà qua Tết Âm lịch không bán được hết thì lỗ nặng, quà tặng theo năm nên thời gian tiêu thụ ngắn, nhiều rủi ro, tôi chỉ dám nhập cầm chừng”, anh Thắng nói. Theo anh, các doanh nghiệp cần số lượng lớn để tặng đối tác, nhiều khi chỉ cần sang trọng, ý nghĩa. Điều đó lại không thể hiện xu hướng của thị trường nói chung. Trong khi, việc buôn bán nhỏ, lẻ của anh lại dựa trên thị hiếu của người tiêu dùng. 

Một năm trước, thị trường Tết Quý Tỵ cũng xôn xao với dòng sản phẩm chuột dát vàng giá 4,5 triệu đồng. Theo đó, ngựa dát vàng không còn là sản phẩm quá mới lạ và bất ngờ, song vẫn được nhiều đơn vị lựa chọn làm quà tặng đối tác vì ý nghĩa phong thủy và sự sang trọng. 

“Không phải là hình thức mới song linh vật dát vàng vẫn là tặng phẩm giá trị, ý nghĩa, nhất là khi giờ nó được chế tác trong nước với độ tỉ mỉ cao chứ không phải nhập từ Trung Quốc như nhiều năm trước. Còn hiện nay, xưởng chúng tôi cũng đã đầu tư để tới đây cho ra mắt một sản phẩm dát vàng quy mô, độc nhất vô nhị từ trước đến nay”, anh Tú tiết lộ.

(Theo Tri thức)