- Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng sau một năm tằn tiện nhưng lại chi tiêu vung tay cho vài ngày Tết, nhiều doanh nghiệp tung chiêu khuyến mãi hấp dẫn. Song, thực tế nhiều trò không khác gì cái bẫy trực chờ “con mồi” bất cẩn cuối năm.
Lập lờ giả vờ giảm giá
Cuối năm - mùa làm ăn đã đến - nên nhiều doanh nghiệp tăng tốc bán hàng thu hồi vốn. Vài ngày qua, một siêu thị chuyên về hàng may mặc trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) bắt đầu áp dụng đợt khuyến mãi lớn cho mùa mua sắm cuối năm. Do có thế mạnh về dệt may nên siêu thị này khuyến mãi đến 40-50% cho các sản phẩm quần áo thời trang. Mặt hàng nào cũng được treo biển khuyến mãi. Nếu không để ý kỹ, khách hàng sẽ khó phân biệt giá khuyến mãi đang áp dụng cho loại sản phẩm nào.
Chị Yến, nhà ở Dương Quảng Hàm, Gò Vấp đang lựa chọn quần áo trẻ em, cho biết: “Thấy để giá khuyến mãi thì mua chứ cũng chẳng biết giá giảm nhiều hay ít vì không có điều kiện so sánh”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều khách hàng khi bước vào siêu thị tràn ngập khuyến mãi.
Một siêu thị lớn trên đường Hoàng Văn Thụ (Tân Bình) cũng đầu tư không kém cho việc quảng bá các mặt hàng khuyến mãi. Vừa bước chân vào cổng siêu thị, khách hàng đã hoa mắt với các gian hàng khuyến mãi, nhất là nhóm hàng quần áo thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, bánh kẹo...
Cuối năm siêu thị nào cũng tung chiêu khuyến mãi hút khách. |
Chị Tuyết nhà ở đường Lê Văn Sĩ (quận 3) nói rằng thấy có chữ khuyến mãi nhưng không biết giá giảm như thế nào, giá cũ là bao nhiêu? Tại siêu thị này có rất nhiều mặt hàng không ghi giá giảm theo kiểu thông thường là giá cũ bị gạch bỏ và viết giá mới bên cạnh mà chỉ có tấm biển “khuyến mãi” nhỏ đặt bên cạnh hàng hóa.
Theo quản lý một siêu thị hàng tiêu dùng thiết yếu, quần áo, hàng thực phẩm tươi sống dù lợi nhuận không cao nhưng lại được ưu tiên giảm giá nhiều nhất vì đây là những mặt hàng tiêu dùng hằng ngày, khách hàng thường nhớ rõ giá cả và thích mua hàng giảm giá, khuyến mãi. Từ việc giảm giá mạnh nhóm hàng này kèm theo giảm giá chung một số mặt hàng khác, siêu thị sẽ dễ tạo niềm tin cho khách hàng rằng đây là siêu thị bán hàng giá “phải chăng”...
Với các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP.HCM, từ nay đến Tết Nguyên đán là thời điểm giảm giá hàng điện tử lớn nhất trong năm. Hầu hết các trung tâm điện máy đều quảng cáo giảm giá đến 49-50% các sản phẩm tivi, máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh, máy tính xách tay, điện thoại di động, đồ gia dụng. Nhiều nơi cho mở loa giới thiệu chương trình khuyến mãi liên tục và cho nhân viên xuống đường phát tờ rơi quảng cáo...
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt hàng giảm giá thật, ghi nhận thực tế cho thấy không ít sản phẩm đã giảm giá tại siêu thị này nhưng không rẻ hơn giá bán (chưa giảm) ở siêu thị khác. Ngoài ra, tại một số nơi, sản phẩm được quảng cáo giảm giá “sốc” nhưng vẫn rất đắt so với mặt bằng chung.
Cựu nhân viên kinh doanh của siêu thị điện máy chia sẻ: một chiếc tivi LED được niêm yết giá 10 triệu, sau đó giảm 2,5 triệu còn 7,5 triệu. Thực ra giá của chiếc TV ấy chỉ là 7,5 triệu mà thôi, siêu thị điện máy cố tình nâng giá lên, rồi giảm giá xuống, sau đó lại nói là giảm giá hay tài trợ cho người tiêu dùng. Đôi khi người mua được tặng thêm quà thì quà đó vẫn là của nhà phân phối hay của công ty sản xuất, chứ không phải của siêu thị điện máy.
Đại diện một siêu thị điện máy tại TP.HCM cho biết hầu hết các hãng lớn buộc nhà phân phối bán đúng giá nên thường các siêu thị chỉ có thể bán hàng kèm quà tặng. Tuy nhiên, trong những đợt giảm giá mạnh, siêu thị hợp tác với nhà cung cấp để độc quyền bán theo giá của siêu thị. Riêng những cửa hàng, điểm bán nhỏ thường lấy hàng không chính hãng nên có thể rao bán giá theo mức giá mà họ có lãi... Vị này cũng thừa nhận nhiều trường hợp, nơi bán nâng giá lên cao rồi quảng cáo là giảm giá sốc để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Anh Lại Hồng Phong, ngụ ở đường Bạch Đằng (Bình Thạnh) kể rằng: “Tôi tham khảo thấy máy tính bảng Acer Model A1-811 tại một shop kinh doanh có giá là gần 5 triệu đồng và tặng sim 3G trị giá 1,2 triệu đồng. Khi đến siêu thị N... ở Thủ Đức được nhân viên hướng dẫn xem máy tính bảng Acer A1 810 giá khuyến mãi chỉ 3,6 triệu đồng. Thấy rẻ hơn gần 1/3 tôi nghi ngờ nên kiểm tra lại giá trên Internet thì thấy khác model chỉ 810 và 811. Lợi dụng điều này, các nhân viên cửa hàng lập lờ đánh vào sự ham rẻ của khách hàng. Nhiều người mua về mới biết đắt hơn ở ngoài từ 100.000-200.000 đồng.
Ngoài ra, siêu thị trưng ra những mặt hàng giá cực kỳ hấp dẫn nhưng khi khách hàng hỏi mua thì được báo là hết hàng, và siêu thị lại tìm cách bán với giá không như cam kết. Thậm chí, có rất nhiều chương trình hấp dẫn được tung ra nhưng thường kèm theo điều kiện: phải mua hàng với hóa đơn từ 1-2 triệu đồng trở lên thì mới được mua những sản phẩm đó.
Cần hết sức tỉnh táo
Theo luật sư Phan Thị Việt Thu thuộc Văn phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, khi quyết định mua một món hàng khuyến mại, người mua nên so sánh với những sản phẩm khác xem có thỏa mãn những tiêu chí: Các chức năng như thế nào? Dịch vụ hậu mãi có tốt không? Thiết kế đẹp hơn không và quan trọng với mức giá tương ứng với các điều kiện đó, sản phẩm này có thực sự rẻ không. Cũng đừng quên đọc kỹ các điều lệ, điều kiện tham gia chương trình, thời gian cũng như thành phần, ngày sản xuất, giá niêm yết cụ thể...
“Ngoài ra, cần lưu ý là các nhà cung cấp sẽ không bao giờ tung ra cùng một lúc tất cả các sản phẩm giảm giá, vì vậy khách hàng cần bình tĩnh và chờ đợi để vừa mua được một sản phẩm chất lượng lại vừa được hưởng giá ưu đãi hơn”, bà Thu nói thêm.
Theo quy định, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại. Tuy nhiên, thực tế nhiều điểm bán hàng, siêu thị khuyến mại tới 70%. Sự chênh lệch lớn như thế này chủ yếu do các yếu tố về mặt bằng, hệ thống phân phối, bảo hành, các chương trình hậu mãi... chi phối.
Đối với những trường hợp này, các chuyên gia kinh tế khuyên, người tiêu dùng nên cân nhắc kỹ khi chọn sản phẩm định mua và tìm hiểu kỹ thông tin, nguồn gốc, hình thức và thời gian bảo hành... trước khi quyết định mua. Hiện qui định về khuyến mại và bán hàng giảm giá tại Việt Nam chưa cụ thể, rõ ràng, phù hợp, vì thế điều quan tâm lớn nhất của người tiêu dùng là chất lượng, giá cả, lượng hàng, cách thức khuyến mại, sự minh bạch thông tin cũng như sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng.
Nam Phong