Theo cách hiểu phổ biến, đạm trong nước mắm truyền thống nghiễm nhiên là đạm từ cá. Lợi dụng cách hiểu này, nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng nhiều loại đạm không phải từ cá mà không thông tin đầy đủ, chưa kể các loại phụ gia khác.

Mập mờ

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu nước mắm công nghiệp như: Nam Ngư, Chin-Su, Kabin, Hương Việt…những có nước mắm thì ghi tên đạm bổ sung, có nước mắm thì không ghi tên đạm bổ sung.

Qua quan sát nhãn hiệu trên chai nước mắm Nam Ngư đệ nhất, chúng tôi chỉ thấy nhà sản xuất  ghi thành phần: muối, đường, tinh cốt cá cơm, chất điều vị, hương cá hồi, hương cá ngừ, màu tự nhiên, chất bảo quản, chất ngọt tổng hợp…dưới dạng tên khoa học rất khó để người tiêu dùng biết được chất gì, có nguy hại hay không. Điều quan trọng là loại đạm bổ sung này là loại đạm gì. Trong khi nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng đạm có nghĩa là từ thịt cá.

{keywords}
Nước mắm công nghiệp đang lấn át nước mắm truyền thống.

Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường đại học công nghiệp TP.HCM, cho biết, đối với nước mắm truyền thống thì 100% là đạm từ cá, không chất tạo màu, tạo hương, chất bảo quản… như trong nước mắm công nghiệp.

Cũng theo bà Bình, chính việc không ghi độ đạm của một số nhãn hiệu nước mắn công nghiệp khiến người tiêu dùng không biết rõ nguồn đạm được bổ sung trong đó là loại đạm gì, có đạm cá hay chỉ hoàn toàn là đạm bổ sung từ bên ngoài và đạm bổ sung từ bên ngoài là đạm gì.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên Khoa thủy sản, Trường đại học công nghiệp thực phẩm TP.HCM, có nhiều cách chế biến nước mắm công nghiệp nhưng phần lớn các nhà sản xuất nước mắm công nghiệp sử dụng  nước mắm sản xuất truyền thống ở hạng thấp, sau  đó pha chế với nước và muối. Chính việc pha chế  này khiến  màu sắc, mùi vị thay đổi buộc nhà sản xuất phải bổ sung các chất tạo màu, tạo mùi, đạm, chất điều vị (chất tạo ngọt, chất bảo quản), chất chống thối natripenzoat…vào trong sản phẩm nước mắm.

Nguy cơ các chất độc

Bà Bình cho biết, trong nước nắm công nghiệp ngoài đạm cá còn bổ sung đạm từ bên ngoài, nhưng có một số nhãn không ghi đạm bổ sung là đạm gì sẽ rất nguy hiểm.

Ngoài nguồn đạm có thể có từ cá do thu mua từ các lò nước mắm, trong một chai nước mắm công nghiệp còn có đạm từ đậu nành hoặc nitơ tổng hợp.

Đối với sử dụng đạm tổng hợp, tức là bổ sung nguồn nitơ từ urê, điều này sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu việc bổ sung axit amin bằng cách lên men đậu nành sống cũng chứa nguy hiểm, vì trong thành phần đậu nành sống có một số chất độc tố gây nguy hại cho sức khỏe như: gây bướu cổ, tổn thương gan, kìm hảm sự phát triển.

“Trong hạt đậu nành sống có một enzym chống lại sự hoạt động của men trypsin (tiêu hóa chất đạm) và có soyin - một albumin có tính độc, kìm hãm sức phát triển của cơ thể. Và theo nghiên cứu đã được thử nghiệm, các độc tố trên không thể khử trong nhiệt độ đun nấu bình thường (tức dưới 100oc)”, bà Bình giải thích. 

Còn bổ bổ sung axit amin bằng cách lên men từ đậu nành chín cũng khiến người tiêu dùng tăng nguy cơ khả năng mắc một số bệnh về tuyến tiền liệt.

Đó là chưa kể trong chất tạo màu, có chất tạo màu dùng cho thực phẩm, chất tạo màu dùng cho công nghiệp, trong khi đó chất tạo màu dùng trong thực phẩm đắt hơn so với chất tạo màu dùng trong công nghiệp từ 10 đến 100 lần.

Nếu vì lợi nhuận, nhà sản xuất dùng chất tạo màu trong công nghiệp cho nước mắm thì sẽ rất nguy hiểm, bởi chất tạo màu trong công nghiệp có hàm lượng kim loại nặng, nếu sử dụng lâu ngày sẽ phát sinh nhiều bệnh mạn tính.

Vì vậy, chừng nào nhà sản xuất nước mắm công nghiệp chưa thông tin rộng rãi cách thức và loại đạm bổ sung thì người tiêu dùng còn bị thiệt hại.

Cần sòng phẳng hơn

Theo ông Hiếu, sở dĩ hiện nay nhiều người tiêu dùng thích sản phẩm nước mắm công nghiệp là do màu sắc đẹp, vị không quá mặn, mùi không quá nặng.

“Mùi nước mắm công nghiệp rất quan trọng, tuy rằng mùi nước mắm công nghiệp có nhẹ hơn so với mùi nước mắm truyền thống, nhưng vẫn chưa nhẹ bằng mùi nước mắm ở một số nước khác. Chẳng hạn ở Thái Lan, mùi nước mắm ở đây rất nhẹ nên nước mắm của họ thâm nhập vào thị trường thế giới sớm hơn Việt Nam và các nước cũng thích nước mắm của Thái Lan hơn chúng ta”, ông Hiếu cho biết.

Nhận định về nước mắm công nghiệp, bà Bình cho rằng, nếu các cơ sở sản xuất nước mắm công nghiệp đầu tư những dây chuyền, trang thiết bị hiện đại và có thể kiểm soát các yếu tố nguy hại thì rõ ràng nước mắm công nghiệp trở thành một sức hấp dẫn với người tiêu dùng.

“Đầu ra của nước mắm công nghiệp luôn ổn định, chẳng hạn 15 độ đạm là đúng 15 độ đạm, hàm lượng muối bao nhiêu là chính xác bao nhiêu. Do nhà sản xuất pha chế nên tất cả các sản phẩm nước mắm đều như nhau, không có hiện tượng xuống màu, hoặc lắng cặn, màu sắc luôn giữ đẹp. Điều này là do công nghệ có một sự tác động đáng kể đến đến sản phẩm cuối cùng”, bà Bình cho biết.

Ưu thế của nước mắm công nghiệp là chất lượng ổn định do kiểm soát được quá trình sản xuất, nên có tiềm năng lớn. Tuy nhiên, nhà sản xuất cung cấp thiếu thông tin, không cam kết loại bỏ các chất gây hại là còn thiếu trách nhiệm, thiếu sòng phỏng với người dùng.

(Theo MTG)