2013 có thể coi là một năm nhiều biến động đối với thị trường sữa Việt Nam. Liên tiếp những sự cố về thành phần dinh dưỡng, chất lượng sữa… xảy ra, cùng với việc giá sữa vẫn liên tục tăng giá cao hơn hẳn các quốc gia khác trong cùng khu vực đã khiến vấn đề “giá, chất lượng sữa” luôn nóng lên từng ngày.

Sữa bột đã và đang trở thành loại thực phẩm thiết yếu đối với nhiều gia đình Việt. Đặc biệt là những hộ gia đình đang có trẻ nhỏ. Thói quen sử dụng sữa hàng ngày của người Việt cũng đang tiếp tục tăng lên theo từng năm, kể cả ở thành thị và nông thôn. Một thị trường 90 triệu dân với mức tiêu thụ khá tiềm năng đã thu hút nhiều hãng sữa nội, ngoại với sự cạnh tranh vô cùng quyết liệt. Nhưng điểm chung của nhiều hãng sữa lớn tại Việt Nam trong năm nay vẫn là duy trì chuỗi tăng giá liên hoàn.

Tăng giá liên hoàn

Ngay từ đầu năm, liên tục các hãng sữa đã “liên hoàn” tăng giá sản phẩm. Có khi những đợt tăng giá chỉ cách nhau vỏn vẹn 1 tháng trời. Giá sữa tăng lên từ 7%- 15% tùy theo hãng với những lý do vô cùng quen thuộc: thay đổi nhãn mác, thêm thành phần hay giá sữa thế giới tăng…Dù người tiêu dùng vô cùng bức xúc, thậm chí đại lý bán hàng cũng “choáng váng” vì chả hiểu sao sữa tăng giá ầm ầm như thế nhưng các doanh nghiệp vẫn không bị cơ quan quản lý “sờ gáy” mà ngược lại, họ còn khá điềm nhiên vì sản phẩm bán ra chả phải là sữa mà là “thực phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm dinh dưỡng công thức”… vốn ngoài luồng với luật giá.

{keywords}
Sữa ngoại liên tiếp gặp sự cố.

Phải đến khi báo chí, người tiêu dùng kêu khản họng thì 2 bộ ngành liên quan mới bắt tay vào “ghìm cương” giá sữa với nhiều biện pháp. Đầu tiên là việc đưa các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ thuộc danh mục hàng bình ổn giá theo quy định của Luật Giá.  Tiếp đó là việc yêu cầu 6 doanh nghiệp kinh doanh sữa lớn phải kê khai giá sữa và tiến hành thanh tra giá sữa tại nhiều địa phương.

Tuy nhiên, những biện pháp này liệu có vẻ không mấy hiệu quả khi ngày 12/12 vừa qua, hãng MeadJonhson đã tiến hành tăng giá nhiều sản phẩm sữa Enfa với mức 7%. Theo dự báo, thì đây chỉ là “mở màn” vì vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm tới sẽ có thêm nhiều hãng sữa tăng giá với lý do “nguyên liệu, thị trường thế giới tăng”.

Không chỉ đau đầu vì khoản chi phí mua sữa hàng tháng không hề nhỏ, các bậc phụ huynh còn hoa mày chóng mặt với nhiều sự cố sữa không đảm bảo dinh dưỡng, sữa giả, sữa kém chất lượng, nhiễm khuẩn, nhiễm nhôm….

Sữa dê Danlait không đủ thành phần dinh dưỡng 

Vào tháng 2 năm nay vấn đề sản phẩm sữa dê Danlait của Pháp được nhập khẩu bởi công ty Mạnh Cầm không đủ thành phần dinh dưỡng như quy định đã nóng lên trên nhiều mặt báo và cả thị trường sữa. Thậm chí, người tiêu dùng còn choáng váng hơn khi kết quả kiểm nghiệm được viện Pasteur TP.HCM công bố thành phần sữa dê chỉ ngang… bột mỳ. Dù ngay sau đó, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP) - Bộ Y tế đã bác bỏ giá  trị của kết quả kiểm nghiệm này, và cho rằng phiếu kiểm nghiệm của Viện Pasteur ghi sai phương pháp. Còn công ty Mạnh Cầm cũng chỉ bị xử phạt 15 triệu đồng do hành vi "lưu thông sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ mà không thể hiện cụm từ bắt buộc theo quy định".

Tuy nhiên, qua sự cố này người tiêu dùng cũng lần đầu được “thức tỉnh” rằng những loại sữa ngoại nhập giá bán đắt như vậy thực ra có chất lượng và giá nhập khẩu cũng khá “bèo”. Bởi giá nhập khẩu 1 hộp sữa dê Danlait của công ty Mạnh Cầm chỉ vào khoảng 100.000 đồng/hộp nhưng giá bán ra trên thị trường vào thời điểm bấy giờ lên tới trên 400.000 đồng/hộp. Tiếp sau đó, giá nhập khẩu của nhiều loại sữa thuộc hàng đắt giá trên thị trường cũng bị tiết lộ cho thấy giá luôn chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/4 so với giá bán lẻ.

Sữa nhiễm khuẩn

Sữa GainPlus EyeQ số 3 của Abbott đã phải thu hồi với số lượng lớn. Dù sau đó kết quả không có sữa nhiễm khuẩn nhưng cũng khiến người tiêu dùng 1 phen “hú vía”.

Vụ sữa nhiễm khuẩn được đánh giá là sự cố chưa hề có tiền lệ tại thị trường Việt Nam. Sự việc bắt nguồn khi vào đầu tháng 8 năm nay nhà máy Fonterra, tại New Zealand, đã phát hiện ra 5 lô sữa bột Nutricia Karicare dành cho trẻ 6 tháng tuổi có chứa Clostridium botulinum - vốn là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đất, có thể gây tổn hại tới hệ thống thần kinh và hô hấp, thậm chí là tử vong. Đáng chú ý, 2 hãng sữa lớn tại Việt Nam là Abbott và Dumex đều nhập khẩu nguyên liệu từ Fonterra và có một số lô hàng nghi nhiễm khuẩn.

Ngay sau đó, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A- nhà phân phối chính thức sản phẩm sữa Abbott tại Việt Nam đã phải tiến hành thu hồi 11 lô sản phẩm (trên 12.000 thùng)  thuộc dòng sữa Similac GainPlus EyeQ số 3 loại 400g và 900g. Tiếp sau đó là 2 lô sản phẩm  cũng của sữa Similac GainPlus EyeQ số 3 loại 1,7 kg cũng tiếp tục bị thu hồi.

Tương tự, Công ty TNHH Danone Việt Nam, nhà phân phối chính thức của hãng sữa Dumex cũng đã phải tiến hành thu hồi 1 lô sản phẩm Dumex Gold bước 2 cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi loại 800g có nguy cơ nhiễm khuẩn Clostridium botulinum.

Đợt thu hồi sản phẩm quá lớn, thêm nữa Abbott và Dumex vốn là 2 hãng sữa bột đang chiếm thị phần lớn trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nên việc sữa của 2 hãng này có “vấn đề” đã khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng, đặc biệt là những gia đình đã cho con sử dụng sản phẩm sữa thuộc vào lô nghi nhiễm khuẩn.

Sữa nhiễm nhôm

Ngày 8/10/2013, tạp chí BMC Pediatrics đăng tải thông tin sữa Formula dành cho trẻ của nhiều hãng sữa như Aptamil, Cow And Gate và Hipp Organic… chứa hàm lượng nhôm cao 100-430µg/L gấp hàng trăm lần so với sữa mẹ.  Trong nhiều loại sữa được nêu tên thì có sữa Aptamil  là sản phẩm đang được nhập khẩu chính thức vào Việt Nam. Vào thời điểm đó, Aptamil  đang được nhiều gia đình tin dùng cho trẻ nhỏ.  Trên các trang bán hàng online, cửa hàng bán đồ xách tay… đều có bán loại sữa này với mức giá khá cao trên 500.000 đồng/hộp loại 900g.

Giả mạo giấy tờ nhập sữa Ensure

Sự cố mới đây nhất với thị trường sữa là việc hãng sữa Abbott (Mỹ) tố cáo công ty TNHH Đầu tư Phát triển Song Nam  (địa chỉ 32 Phan Đình Giót, quận Tân Bình, TP. HCM) làm giả giấy tờ để nhập khẩu các sản phẩm sữa Ensure của hãng này vào Việt Nam. Tuy vụ việc này vẫn chưa có kết luận chính thức từ Bộ Công thương, nhưng theo ông Đào Trần Nhân- tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ thì đã có khá nhiều bằng chứng cụ thể chứng minh công ty Song Nam giả mạo giấy tờ nhập khẩu. Đáng lo ngại hơn công ty Song Nam có thể còn đang bị nghi giả mạo cả sữa Ensure, nên thực chất những sản phẩm bán ra chỉ là hàng nhập kém chất lượng từ Trung Quốc kém chất lượng.

Trong lúc chờ có kết luận cụ thể thì vụ việc trên lại một lần nữa dấy lên lo ngại vấn đề chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ… của những sản phẩm sữa ngoại đang lưu hành phổ biến trên thị trường, đặc biệt là những sản phẩm bán theo dạng hàng xách tay.

Một năm qua đi với đủ các sự cố về sữa khiến người tiêu dùng vừa hốt hoảng vì giá sản phẩm lại giật mình về chất lượng sữa. Các bậc phụ huynh cứ đi từ cú sốc này đến cú sốc khác, thậm chí đã quá chán nản với những gì đen tối núp sau sản phẩm sữa trắng ngon bổ. Nhưng để cho sữa “sạch” từ nguồn gốc đến hình thức, có lẽ người tiêu dùng vẫn còn phải chờ rất lâu bởi năm con Rắn, sữa còn đang “uốn éo” với những sự cố thì sang năm con Ngựa, giá sữa có lẽ vẫn “phi mã” với chất lượng khó mà theo kịp với đà tăng giá.

(Theo Songmoi)