Để chiếm đoạt số tiền gần 4.000 tỷ đồng, Huyền Như đã thuê khắc giả 8 con dấu làm công cụ thực hiện hàng loạt “phi vụ” phạm pháp. Với những gì đã làm, Huyền Như không chỉ là “siêu lừa” mà còn được mệnh danh “nữ hoàng” giả chữ ký, giả hồ sơ.
Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra, xuyên suốt quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Vietinbank, chi nhánh TPHCM) đã dùng “chiêu” khá đơn giản nhưng vô cùng táo bạo, hiệu quả: giả con dấu, giả giấy tờ, làm khống hồ sơ…
Theo đó, để có tiền trả nợ, trả lãi suất cao, huy động nguồn tiền làm ăn, Huyền Như đã trực tiếp khảo sát tất cả các cơ sở làm, khắc con dấu trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, chưa có một cơ sở nào khiến cho cán bộ ngân hàng này ưng ý, tin tưởng. Bởi những cơ sở này hoạt động khá “lộ thiên” ở các tuyến đường trung tâm Sài thành. Huyền Như liền cất công đi tìm người khắc con dấu dạo ở những nơi kín đáo hơn. Trong những ngày dài rong ruổi tìm “nghệ nhân”, Huyền Như đã gặp một gã đàn ông lang thang tại đường Phạm Hồng Thái, gần công viên 23/9, quận 1, TPHCM. Tin tưởng vào tay nghề và sự “biến ảo” khôn lường của con người không rõ nguồn gốc này, Huyền Như liền lần lượt đem mẫu con dấu của các cơ quan, ngân hàng, công ty sở hữu “mỏ vàng” mà mình đang có ý định “khai thác” cho “nghệ nhân” làm giả.
Kết quả, sau một tuần miệt mài “sáng tạo”, gã đàn ông không rõ lai lịch này đã hoàn tất cho Huyền Như 8 con dấu giả. Có được “ấn chỉ” vô cùng lợi hại này, từ đây, Huyền Như bắt đầu lao vào con đường lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thuê người làm con dấu giả là việc làm bình thường, chỉ đến khi tập hợp, soạn thảo các hồ sơ để làm giả và đặt bút giả chữ ký của người khác lên con dấu giả, ký giả rồi đóng dấu thật… mới chứng tỏ được “tài nghệ” của Huyền Như. Có thế, người ta mới thấy được cái “đẳng cấp” của cán bộ ngân hàng này và “suy tôn” là: siêu lừa.
Huyền Như lừa đảo cả công ty mà mình một thời là thành viên HĐQT |
Trong phi vụ làm ăn với Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Huyền Như đã soạn thảo hợp đồng, ký giả chữ ký của chị Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc công ty này rồi đóng dấu thật của Vietinbank Chi nhánh TPHCM. Thế là Như có trong tay một hợp đồng huy động số tiền gửi 118 tỷ đồng, lãi suất 10,49%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 1%/năm. Sau khi có hợp đồng giả mạo do Như tự ký kết, Công ty Thái Bình Dương đã chuyển số tiền 118 tỷ đồng đang gửi trong ngân hàng vào tài khoản của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hoàng Khải do Như thành lập. Có tiền trong tay, Như dùng trả cho các cá nhân mà mình đã vay lãi cao.
Dù bị lừa đảo nhưng Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình Dương không hề hay biết mà còn chủ động gọi điện đề nghị Như tiếp tục huy động tiền. Sợ bị phát hiện, Như đề nghị Tuấn không gửi vào Vietinbank TPHCM mà gửi vào chi nhánh Nhà Bè, vì ở đó, Như có sự hậu thuẫn của Võ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Vietinbank Nhà Bè đồng thời là người cùng Như lập ra công ty Hoàng Khải.
Từ ngày 4/3/2010 đến 21/6/2011, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương. Như còn dùng thủ thuật là ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn và dùng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn ở các hợp đồng Tuấn đã ký với Vietinbank Nhà Bè nhưng chưa được sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Thái Bình Dương nhằm huy động của công ty này tổng số tiền 1.493 tỷ đồng. Trong quá trình huy động tiền, để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền cho Công ty Thái Bình Dương, Như đã soạn thảo sẵn các giấy xác nhận với nội dung: “Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của công ty Thái Bình Dương” rồi nhờ Võ Anh Tuấn ký và đóng con dấu thật của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Cứ thế, những món tiền béo bở của Thái Bình Dương lần lượt ngoan ngoãn chui vào túi của Như mà họ không hề hay biết là mình đang bị lừa đảo.
Nạn nhân vụ Huyền Như chỉ biết trách ông khắc con dấu giả để nguôi lòng |
Trong phi vụ làm ăn với 3 công ty ở Hà Nội là Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, càng cho thấy độ tinh ranh của Huyền Như.
Biết các công ty này có nguồn tiền muốn gửi vào ngân hàng, Như liền rủ Võ Anh Tuấn tức tốc bay ra Hà Nội để trực tiếp gặp các sếp của 3 công ty này. Như đóng vai là nhân viên của Võ Anh Tuấn nhưng thực sự “giật dây” toàn bộ quá trình đàm phán của Anh Tuấn. Sau khi đạt được một số thỏa thuận, Như chủ động yêu cầu 3 công ty này cung cấp hồ sơ để Như làm thủ tục mở tài khoản tại Vietinbank chi nhánh TPHCM. Khi đã có 3 bộ hồ sơ mở tài khoản, Như lấy mẫu dấu của 3 công ty này rồi ra công viên 23/9 gặp “nghệ nhân” thuê khắc 3 con dấu giả. Sau đó, Như làm giả hồ sơ mở tài khoản, ký giả chữ ký của giám đốc 3 công ty này với mục đích để khi Như ký giả lệnh chi, lệnh chuyển tiền của các công ty này thì không bị Vietinbank phát hiện. Riêng công ty Hưng Yên, Như không thay hồ sơ mở tài khoản vì chữ ký của giám đốc đối tác này quá đơn giản, dễ ký giả.
Đáng nói hơn, Như còn lừa cả “sếp” Võ Anh Tuấn khi tự sửa hợp đồng tiền gửi cho phù hợp, thuận lợi việc chiếm đoạt tiền rồi ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi gửi ra Hà Nội. 3 công ty Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên như con nai tơ ngoan ngoãn chuyển tiền vào túi Như mà không hề hay biết mình đang mắc bẫy lừa.
Trong các phi vụ làm ăn với Công ty CP CK Saigonbank – Berjaya (SBBS), công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty TNHH Zenplaza, Chứng khoán Phương Đông, ngân hàng VIB, Navibank, ACB, bên cạnh việc giả chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Nhà Bè, giám đốc các công ty có nguồn tiền béo bỡ, Huyền Như còn kéo theo hàng loạt bạn bè, người thân làm hợp đồng tiền gửi giả rồi thế chấp, cầm cố vay để trục lợi cho riêng mình.
Cây kim trong bọc có ngày lòi ra. Dù hành vi của Huyền Như tinh xảo đến mức nào cũng không thể xóa tan sự hoài nghi của những đối tác, người thân. Đến khi phát hiện mình dính “quả lừa”, các đơn vị, cá nhân và ngay cả Ngân hàng TMCP Vietinbank đều đồng loạt gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Huỳnh Thị Huyền Như đến cơ quan cảnh sát điều tra.
Chỉ đến khi, Bộ công an ra kết luận điều tra, xác định các con dấu, chữ ký, hồ sơ mà Như dùng làm công cụ để lừa đảo là hoàn toàn giả mạo, nhiều người mới “té ngửa”. Huyền Như giờ bị bắt giam và chờ ngày đền tội nhưng số tiền hàng tỷ đồng của các nạn nhân như đổ sông, đổ bể.
Họ chỉ biết thở dài, đổ lỗi “chỉ tại ông khắc con dấu giả”… để nguôi ngoai lòng.
Theo Dân trí