Năm nay, NHNN sẽ hạn chế in tiền mệnh giá nhỏ, chủ yếu in các loại tiền có mệnh giá từ 5000 đồng trở lên.

Theo Phó Thống Đốc NHNN Đào Minh Tú, hàng năm vào dịp trước tết Nguyên đán, NHNN thường đưa ra một lượng tiền mới mệnh giá nhỏ vào lưu thông. Tuy nhiên chỉ một phần của lượng tiền này được dùng làm phương tiện thanh toán, số còn lại được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng; sau tết số tiền này quay lại ngân hàng, rất khó đưa trở lại lưu thông.

Chính vì thế năm nay NHNN sẽ hạn chế in tiền mới mệnh giá 2.000 đồng trở xuống (gồm 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng, 200 đồng và 100 đồng), việc in mới sẽ chỉ để đáp ứng nhu cầu lưu thông cho số lượng tiền không đủ tiêu chuẩn. NHNN không đặt vấn đề in mới tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng để phục vụ nhu cầu lễ hội, đi chùa.

{keywords}
Không in tiền lẻ để phục vụ đi chùa, lễ hội.

Theo NHNN, để in ra một đồng tiền mệnh giá nhỏ thường cao so với mệnh giá của chính đồng tiền đó. Riêng chi phí in mới mỗi năm cho tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống cũng lên đến 300 tỷ đồng, đó là còn chưa kể các chi phí khác như vận chuyển, kiểm đếm, phân loại của các ngân hàng.

Như vậy, dịp tết Nguyên đán 2014 năm nay tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống sẽ không có tiền in mới mà chỉ có đã qua sử dụng. Tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên NHNN sẽ vẫn in mới và đưa ra thị trường bình thường như mọi năm.

Theo ông Tú, chỉ tính riêng chi phí in ấn và đưa vào lưu thông các loại tiền mệnh giá dưới 2.000 đồng mỗi dịp Tết đã tốn khoảng 300 tỷ đồng, chưa kể các chi phí xã hội khác. Chính vì vậy, đặt vấn đề in mới loại tiền này để phục vụ một số người dân đi lễ là hết sức lãng phí. Theo quan điểm của NHNN chỉ đưa loại tiền mệnh giá nhỏ đã có sẵn còn đủ điều kiện lưu thông ra thị trường.

Riêng với loại tiền xu, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Phát hành Kho quỹ, NHNN cho biết, tiền kim loại đã được đưa vào lưu thông từ 10 năm nay nhưng vì nhiều lý do… nên việc lưu thông gặp khó khăn. Trong 10 năm qua, NHNN đã phát hành 1 triệu miếng tiền kim loại và đến nay đã thu hồi được hơn 300.000 miếng.

Như vậy, số tiền kim loại còn lưu thông ngoài thị trường là gần 700.000 miếng. Số liệu cho thấy, hiện các ngân hàng vẫn còn tồn quỹ tiền kim loại và có trách nhiệm phải đổi cho người dân khi có yêu cầu.

ATM quá tải: Khó tránh khỏi

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, đến nay việc in ấn, lưu chuyển, cung ứng tiền mặt cho các địa phương để phục vụ Tết đã hoàn thành. “Hệ thống NH đã chuẩn bị đầy đủ lượng tiền cung ứng cho các địa phương, đảm bảo từ nay đến Tết âm lịch và dịp tết này đủ tiền phục vụ nhu cầu của DN và người dân có nhu cầu sử dụng tiền mặt. NHNN đã chỉ đạo các chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố chuẩn bị đầy đủ nhất lượng tiền mặt phục vụ nhu cầu ATM. Theo đó, NHNN đã cung ứng cả tiền mệnh giá lớn và nhỏ cho việc thanh toán, cung cấp cho các NHTM để phục vụ tại máy ATM.

“Tôi đã trực tiếp khảo sát rút ATM tại một số địa phương có nhu cầu, mức bội chi lớn như Hà Nội, Đồng Nai và đã chỉ đạo các địa phương này đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Thông thường, trong năm ATM đáp ứng cơ bản nhu cầu rút tiền của cán bộ, công nhân, Nhưng dịp Tết là cao điểm nên lượng máy hiện nay đáp ứng nhu cầu có tính thời điểm như vậy là một vấn đề” – ông Tú nói.

Theo đó, để tránh tình trạng nghẽn ATM dịp Tết, hệ thống NH đã bàn bạc với các KCN có thể giãn thời gian trả lương, thưởng Tết để tránh nghẽn. Bên cạnh đó, công nhân, người lao động có thể đến NH, bàn giao dịch để rút tiền, giúp giảm tải ATM.

“Các NHTM đang rất chú ý vấn đề này. Tuy nhiên, vấn đề có tính kỹ thuật, bất khả kháng, có khi cả năm máy ATM chạy tốt nhưng đến thời điểm đó lại hỏng” – ông Tú chia sẻ.

Theo Phó Tổng giám đốc Vietcombank Đào Minh Tuấn, năm nay, NH này đảm bảo cung ứng lượng tiền mặt cho hệ thống ATM và cho các nhu cầu khác của DN, người dân. Kế hoạch sử dụng tiền đã được NH này lập kế hoạch trước 1 tháng.

“Chúng tôi đảm bảo đủ phương tiện, nhân lực để tiếp quỹ. Tuy nhiên, tại Hà Nội, TP HCM vào thời diểm gần Tết việc đi lại khó khăn, giao thông tắc nghẽn nên chậm tiếp tiền là khó tránh khỏi” – ông Tuấn cho biết thêm.

PV