Ngày 26/12, hàng trăm người dân ở huyện Phước Sơn, Quảng Nam đã kéo lên trước cổng nhà máy của Công ty TNHH Vàng Phước Sơn đòi nợ khiến cho tình hình an ninh trật tự phức tạp.

Sợ người dân tràn vào nhà máy nên công ty đã khóa cửa chặt. Tuy nhiên, một số người dân dùng hung khí đập phá cửa xông vào bên trong để tìm gặp lãnh đạo đòi nợ cho bằng được.

Người dân đã căng băng rôn với khẩu hiệu yêu cầu Công ty TNHH vàng Phước Sơn phải trả nợ trước Tết Nguyên đán, vì cuộc sống hàng trăm người dân lâm vào cảnh vô cùng bi đát do công ty này nợ nần hàng chục tỷ đồng không chịu trả.

Đây là cuộc đòi nợ kéo dài nên người dân đã chuẩn bị sẵn thức ăn như mì tôm, nước uống và còn dựng lều để ngủ trước cổng nhà máy.

{keywords}

{keywords}
Hàng trăm người dân vây Công ty TNHH vàng Phước Sơn đòi nợ.

Bà Lê Thị Bạch Tuyết (43 tuổi) bán bún, mì sợi tại chợ Khâm Đức của huyện Phước Sơn cho biết, Công ty TNHH vàng Phước Sơn mua bún, mì của bà về nấu cho cán bộ, công nhân ăn lâu nay nhưng nợ cù nhầy số tiền 53 triệu đồng.

“Tôi đích thân vào đòi nhưng phía công ty bảo là làm ăn lỗ, số tiền này sẽ chuyển từ từ. Công ty cứ bảo vậy, còn tôi lại bị người khác đòi vì mua gạo, nguyên liệu để sản xuất bún. Tiền công ty không chịu trả, tôi cũng không trả cho người khác nên không có vốn để quay vòng”, bà Tuyết bức xúc.

Tương tự, bà Dương Thị Hoa (62 tuổi) buôn bán rau, củ quả ở chợ Khâm Đức bị Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ cù nhầy lên đến 220 triệu đồng.

Không những nợ các tiểu thương, Công ty TNHH vàng Phước Sơn còn nợ doanh nghiệp hàng tỷ đồng nữa. Đơn cử như Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Phước Sơn bị Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ 4 tỷ đồng, hiện công ty này buộc phải đóng cửa cây xăng.

{keywords}
Công nhân của Công ty TNHH vàng Phước Sơn đang đào quặng trong hầm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nghỉ, vận tải cũng bị Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ hơn 4,5 tỷ đồng. Trường hợp đặc biệt hơn là Công ty Khai thác vật liệu và xây dựng công trình Quảng An bị Công ty TNHH vàng Phước Sơn nợ hơn 24 tỷ đồng. Đơn vị này tham gia một số hạng mục tại nhà máy vàng Đăksa của Công ty TNHH vàng Phước Sơn.

Được biết, Công ty TNHH vàng Phước Sơn còn nợ tiền thuế Nhà nước hơn 140 tỷ đồng, trong đó thuế tài nguyên là 132 tỷ đồng, các khoản thuế khác gần 10 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2012, công ty còn nợ huyện Phước Sơn 4 tỷ đồng kinh phí theo cam kết đóng góp cho địa bàn.

Trước sự việc hàng trăm người dân vay Công ty TNHH vàng Phước Sơn đòi nợ, chính quyền huyện Phước Sơn đã chỉ đạo lực lượng chức năng xuống bảo vệ đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Chủ tịch thị trấn từ chức để cùng người dân đi đòi nợ

Những người đòi nợ gồm các tiểu thương và công nhân Công ty khai thác vật liệu và xây dựng công trình Quảng An (có trụ sở tại thị trấn Khâm Đức, nhà thầu chính của Công ty vàng Phước Sơn) đã quyết liệt chặn không cho các phương tiện ra vào nhà máy. Các nhân viên bảo vệ tại đây đã khóa cổng lại, nhiều người đã dùng búa để cố phá khóa. Tiếp đó, nhiều người dân còn mang lều, trại đến dựng trước cổng nhà máy để bao vây. Thậm chí, người dân còn tổ chức nấu ăn ngay tại chỗ, quyết đòi nợ cho bằng được. Công an H.Phước Sơn đã huy động lực lượng đến hiện trường để giữ an ninh trật tự.

Chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức Đỗ Ngọc Thắng cho biết trước sự việc này, ông đã viết đơn xin thôi việc vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền địa phương. “Tôi làm chủ tịch đã nhiều năm, có làm thêm (tức mở Công ty Quảng An do vợ đứng tên - NV) để có thêm thu nhập nhưng luôn chấp hành đúng các quy định của tổ chức. Tuy nhiên, phía Công ty vàng Phước Sơn đẩy công ty gia đình chúng tôi vào bước đường cùng…”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, Công ty vàng Phước Sơn đang nợ Công ty Quảng An số tiền hơn 20 tỉ đồng (Thanh Niên đã thông tin). Ngày 20.12, Công ty Quảng An đã dừng dịch vụ chở quặng cho Công ty vàng Phước Sơn và đề nghị giải quyết nợ để có tiền trả cho công nhân và tiền nhiên liệu. Thế nhưng, phía Công ty vàng Phước Sơn chỉ hứa giải quyết trả nợ 1 tỉ đồng/tháng.

Phía UBND H.Phước Sơn hiện vẫn chưa có phản hồi về việc ông Thắng xin thôi việc. PV Thanh Niên đã liên hệ Chủ tịch UBND H.Phước Sơn Phạm Thế Quyền và đại diện Công ty vàng Phước Sơn để tìm hiểu sự việc, nhưng các bên đều không phản hồi. Đến chiều cùng ngày, người dân vẫn tiếp tục tụ tập trước nhà máy.

Theo Đất Việt - Thanh Niên