- Giá điện sẽ vẫn tiếp tục tăng, khi dù nguồn giá rẻ thủy điện dồi dào, tỷ lệ tổn thất giảm mạnh và EVN có lãi lớn. Nhất là khi, EVN vừa công bố giá thành vẫn không giảm, còn lỗ tới 19.000 tỷ đồng, còn chính sách đã mở đường cho lộ trình tăng giá những năm sau nữa.
Giá thành không chịu giảm
Tại cuộc họp báo về bố giá thành điện chiều 27/12, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2012, EVN gặp nhiều yếu tố thuận lợi để có lãi.
Giá điện còn tăng mạnh |
Ví dụ, giá thành các nhà máy thủy điện rất thấp, đặc biệt, các nhà máy thủy điện của EVN chỉ có giá thành 503 đồng/kWh, nghĩa là bằng một nửa so với giá bán điện bình quân được duyệt. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện năm 2012 đã giảm liên tiếp trong hai năm 2011 và 2012.
Tuy nhiên, ông Tri cho biết, những thuận lợi trên vẫn không đủ bù lại cho việc tăng giá nhiên liệu đầu vào, tăng giá mua điện bên ngoài. Năm 2012, giá than đã tăng từ 10-11% vào tháng 4, rồi tăng tiếp tới 20-40% vào tháng 8.
Bên cạnh đó, do như cầu tăng mạnh vào giờ cao điểm nên EVN vẫn thường phải huy động 100% công suất các nhà máy nhiệt điện thay vì chỉ 40% công suất như khi phụ tải giảm.
EVN cho rằng, đó là lý do mà giá thành điện không… thể giảm.
Số liệu cho thấy, giá thành điện năm 2012 đã tăng thêm 40 đồng/kWh cho với năm 2011 và tăng 142 đồng/kWh so với năm 2010.
Cụ thể, giá thành điện năm 2012 đã ở mức 1.322 đồng/kWh. Trong khi đó, năm 2011, giá thành là 1.282 đồng/kWh và năm 2010, giá thành mới chỉ ở mức 1.180 đ/kWh.
Tại hội thảo về vốn cho dự án điện mới đây, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã cho rằng: “Muốn lợi nhuận cao thì giá thành phải giảm. Còn nếu để giá thành vống lên, không chịu giảm thì không bao giờ có lãi”.
PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng cũng lưu ý, hệ thống quản lý của ngành điện còn cồng kềnh, trong khi, EVN thường chỉ nói về doanh thu tăng mà ít nói vế phải giảm chi phí để tăng lợi nhuận.
Lãi vẫn tăng giá
Sau 2 năm lỗ liên tiếp, năm 2012, EVN đã bắt đầu có lãi 4.404,63 tỷ đồng. Ngoài ra, EVN còn thu về khoản lãi hơn 2.000 tỷ đồng ở lĩnh vực kinh doanh tài chính khác. Năm 2013 cũng hứa hẹn có lãi tiếp.
Ông Tri cho biết, tăng trưởng điện đã thấp hơn nhiều so với dự báo của Tập đoàn này, chưa đến 10% so với kế hoạch là 13%. Nguyên nhân là do doanh nghiệp đã tiết kiệm điện, tăng trưởng kinh tế thấp nên nhu cầu tiêu dùng điện cũng giảm, nhiệt độ thời tiết thuận lợi.
“Trước EVN dự kiến sẽ phải chi 2 tỷ đồng chạy dầu phát điện thì thực tế, chỉ mất hơn 100 triệu đồng tiền chạy dầu. Điều hành thị trường điện theo từng giờ, từng ngày, nên chúng tôi tránh được việc phải chạy dầu, mua được điện giá tốt’, ông Tri tiết lộ.
Tính đến nay, EVN cũng đã bù lỗ hơn 12.000 tỷ đồng kinh doanh điện, khoản chênh lệch tỷ giá cơ bản giải quyết gần xong phần lớn, từ 38.000 tỷ đồng năm 2010 đến nay, chỉ còn hơn 15.000 tỷ đồng.
Ông Tri cho hay, phần còn lại này sẽ giải quyết trong năm 2014-2015. Theo quyết định của Thủ tướng, khoản lỗ tỷ giá này được phân bổ dần trong giá điện thời gian tới.
Thế nhưng,dù bức tranh tài chính có phần sáng sủa trên cũng sẽ không ngăn lại được đà tăng giá điện của EVN. Vì tính lũy kế, kết quả kinh doanh điện của EVN vẫn âm tới hơn 19.800 tỷ đồng.
Cùng đó, các quyết định “mở” cho việc tăng giá điện đã liên tiếp ban hành.
Ngày 11/11, đó là Quyết định 2165 của Thủ tướng phê duyệt khung giá bán lẻ điện năm 2013-2015, với giá từ 1.347 đồng/kWh đến 1.835 đồng/kWh. Điều này có nghĩa, tới năm 2015, giá điện có thể tăng tới 21,6%, trung bình mỗi năm sẽ tăng hơn 10% giá điện.
Kế đến, ngày 19/11, chỉ sau 1 tuần, Thủ tướng đã ban hành tiếp Quyết định 69 về nguyên tắc điều chỉnh giá điện bán lẻ điện bình quân. Theo đó, từ 10/1/2014, EVN sẽ được phép tự quyết tăng giá điện bán lẻ bình quân tới 7%, cao hơn so với biên độ 5% hiện nay.
Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cũng khẳng định, việc công bố giá thành điện năm là cơ sở để quản lý tập đoàn EVN, là cơ sở để điều chỉnh giá điện trong các năm tiếp theo. Việc điều chỉnh giá điện sẽ dựa trên kết quả giá thành điện năm 2012, năm 2013 và kế hoạch năm 2014.
Nói về điều này, TS Nguyễn Minh Duệ từng lo ngại: “Tăng giá điện thì tăng lợi nhuận của nhà đầu tư nhưng cũng là gánh nặng cho các doanh nghiệp sản xuất”.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện cho Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, ông Vũ Gia Phan cho biết, kết quả công bố giá thành điện tại cuộc họp báo đều dựa trên các báo cáo của EVN. Mặc dù, ông được mời tham dự các cuộc họp về giá thành điện, được cung cấp tài liệu song, khó có thể thẩm định chính xác các tính toán này.
Nợ EVN sắp vượt trần Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, công ty mẹ EVN vẫn đang ở ngưỡng an toàn nợ, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu chỉ trên 1,8 lần. Tại điểm này, EVN cơ bản đáp ứng yêu cầu về vay vốn, đầu tư các dự án mới. Hiện chỉ có 3 Tổng công ty phát điện là đang gặp khó khăn trong vay nợ, do tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, có đơn vị 5-6 lần. Dự kiến 2-3 năm tới, nợ của EVN sẽ vượt mức trần này, tới lúc đó, EVN sẽ khó vay vốn. Do đó, lãnh đạo EVN cho rằng, Chính phủ cần kêu gọi đầu tư điện theo hình thức BOT, các công ty khác cùng đầu tư điện, một mình EVN không thể thu xếp đủ vốn để làm điện. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước,, EVN là ‘chúa chổm’ lớn nhất NH với dư nợ 144.000 tỷ đồng. |
Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng, EVN tính cả việc xây nhà biệt thự, chung cư, sân tenins, bể bơi vào giá điện, ông Đinh Quang Tri thừa nhận, tại dự án nhiệt điện Cần Thơ có xây 1 bể bơi cho chuyên gia và 1 sân tennis. Tuy nhiên, khu này mới đưa vào vận hành tháng 5/2013, chưa có hạch toán vào giá thành. EVN đã chỉ đạo công ty nhiệt điện Cần Thơ phải hạch toán từ nguồn quỹ phúc lợi. Dự kiến, các bộ sẽ tính toán mức giới hạn chi phí xây nhà ở cho công nhân được hạch toán vào giá thành điện. |
Phạm Huyền