Số lợi nhuận, cổ tức của các DNNN nộp lại cho ngân sách năm 2013 đã tiếp tục tăng với con số mới nhất là hơn 27.000 tỷ đồng, trong đó, các Tập đoàn dầu khí, viễn thông đứng đầu bảng, còn Tập đoàn điện, xăng dầu được miễn nộp.
Năm 2013 là năm đầu tiên, bảng thu ngân sách Nhà nước có thêm mục “ thu lợi nhuận” và mục “thu cổ tức” của các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Theo cập nhật mới nhất của Kho bạc Nhà nước gửi Bộ Tài chính, lợi nhuận sau thuế của các DN 100% vốn Nhà nước nộp về cho ngân sách đã là 21.480 tỷ đồng. Tổng số tiền thu từ cổ tức được chia từ cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp là 5.930 tỷ đồng.
Như vậy, lần đầu tiên, khoản tiền mà các DNNN trả về cho ngân sách trên cơ sở lãi kinh doanh sau thuế đã lên tới hơn 27.410 tỷ đồng.
Trước đó, tại hội nghị toàn quốc ngành tài chính- ngân sách hôm 31/12/2013, bộ Tài chính mới công bố con số này ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng.
Số thu này đã lớn hơn cả con số hụt thu ngân sách từng được dự kiến 25.200 tỷ đồng khi Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội vừa qua. Nói cách khác, việc ngân sách năm 2013 vượt thu ở phút 89 vừa qua chính là có thêm nguồn lợi nhuận từ khu vực DNNN này.
Cổ tức DNNN chia lại cho ngân sách hãy còn khiêm tốn (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tài chính cho hay, tổng số thu trên chỉ mới tập trung ở khoảng 20 doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty.
Trong đó, đóng góp tới một nửa là Tập đoàn Dầu khí (PVN) với khoảng 13.700 tỷ đồng, kế đến là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) khoảng 4.000 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT0 nộp được hơn 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Than- Khoáng sản hơn 400 tỷ đồng…
Theo Nghị định 71 về đầu tư vốn Nhà nước và quản lý tài chính đối với DNNN ban hành ngày 11/7/2013, toàn bộ số lãi trên được chỉ được chia về cho ngân sách sau khi các Tập đoàn này đã trích nộp đủ cho 3 quỹ là Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ khen thưởng phúc lợi và Quỹ khen thưởng cho viên chức quản lý.
Các Tập đoàn lớn khác như Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Điện lực, mặc dù năm 2013 có lãi nhưng được miễn, chưa phải chia nộp lợi nhuận cho ngân sách. Nguyên nhân là do cả 2 Tập đoàn này còn lỗ lũy kế hàng ngàn tỷ từ giai đoạn trước. Do đó, lợi nhuận năm 2013 đều được ưu tiên bù lỗ trước.
Cũng theo chia sẻ của lãnh đạo Bộ Tài chính, các năm trước, Nhà nước đều chưa thu cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp mà hầu hết, để lại cho DN tái đầu tư, phục vụ sản xuất kinh doanh. Có năm, nguồn cổ tức, lợi nhuận của DNNN lên tới 100.000 tỷ đồng nhưng vẫn nằm ngoài ngân sách.
Ngay cả Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước quản lý hơn 900 doanh nghiệp nhưng trước năm 2013, SCIC làm ăn có lãi cũng đều được giữ lại cổ tức của Nhà nước.
Ngoài ra, theo công bố mới đây của Chính phủ, cả nước vẫn còn hơn 1.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang hoạt động hiện nay chưa cổ phần hóa. Ước có khoảng 80% DNNN làm ăn có lãi.
Như vậy, số 20 DNNN nộp trả lợi nhuận, cổ tức cho ngân sách so với con số trên còn quá khiêm tốn.
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu DNNN mới đây, Bộ Tài chính cho hay, theo báo cáo của 3.576 doanh nghiệp sau khi đã sắp xếp, cổ phần hóa gửi về Bộ Tài chính thì 85% các doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa, gần 90% doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước và 86% doanh nghiệp đóng góp vào NSNN của năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa.
Sang năm 2014, theo kế hoạch Quốc hội giao, dự toán nguồn thu cổ tức DNNN vào khoảng 31.000 tỷ đồng.
Phạm Huyền