Hôm 5/1, hàng ngàn người lại tiếp tục biểu tình tại khắp nẻo đường Bangkok yêu cầu nữ thủ tướng Yingluck Shinawatra từ chức. Ngành du lịch nước này đang thực sự run rẩy trước những dư chấn của tình trạng bất ổn chính trị gia tăng.
Du khách né tránh
Du lịch đóng góp hơn 7% thu nhập cho nền kinh tế Thái Lan. Ngành công nghiệp này đã tiếp tục thăng hoa bất chấp cuộc đảo chính lật đổ anh trai Thaksin Shinawatra của bà Yingluck năm 2006.
Ngay cả khi hơn 90 người bị thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại thủ đô năm 2010, ngành du lịch nước này vẫn vững vàng phát triển.
MasterCard hồi năm ngoái dự đoán, thủ đô Thái Lan sẽ trở thành thành phố hút khách du lịch nhất thế giới. Trung tâm mua sắm của Bangkok đánh bại các đối thủ nặng ký như tháp Eiffel, Quảng trường Thời đại và đền Taj Mahal để xuất hiện nhiều nhất trên website chia sẻ hình ảnh Instagram.
Tuy nhiên lần này, quy mô của các cuộc biểu tình có tổ chức sẽ khiến mọi thứ rối tung.
Giờ đây, dường như du khách đang có tâm lý muốn tránh xa Thái Lan. Singapore Airlines ngày hôm qua (5/1) cho hay, họ sẽ hủy 19 chuyến bay tới thủ đô Bangkok từ ngày 14/1 đến 25/2. Trong khi đó, Surapong Techaruvichit tại Hiệp hội khách sạn Thái dự đoán, tỷ lệ phòng trống tại khách sạn thủ đô sẽ tăng lên mức 25 đến 30%.
Ngành du lịch Thái lao đao vì đảo chính |
Số lượt khách tại các sân bay quốc tế Bangkok giảm 15% trong tuần đầu của tháng 12/2013 so với cùng kỳ năm trước mặc dù tổng số lượt khách du lịch đến đây tăng 20% từ tháng 1 đến tháng 11/2013 so với cùng kỳ năm 2012.
Thiệt hại khôn lường cho nền kinh tế
Giới kinh doanh tỏ ra vô cùng lo ngại trước những ảnh hưởng xấu có thể gây ra cho các khu vực kinh tế đặc biệt là trong trường hợp các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn hoặc người tham gia bủa vây sân bay tại thủ đô như họ đã từng làm năm 2008.
Bangkok là nơi tập trung rất nhiều các công ty đa quốc gia. Một cuộc phong tỏa kéo dài tại trung tâm thành phố có thể khiến việc vận chuyển các đơn hàng bị ngưng trệ và phức tạp hóa quy trình cấp phép xuất nhập khẩu.
Theo tính toán, các cuộc tấn công vào tuần tới sẽ khiến nền kinh tế mất mát 20 tỷ baht (606 triệu USD).
Thiệt hại cũng có thể khủng khiếp hơn nếu như các cuộc biểu tình biến thành bạo động, Kriengkrai Thiannukul, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thái Lan khẳng định.
Thị trường tài chính của nước này cũng đã lao đao trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng. Tiền Thái giảm xuống còn 33 baht mỗi USD vào hôm thứ 6 tuần trước, mức thấp kỷ lục trong 3 năm qua.
Còn phe ủng hộ chính phủ thì cho biết, họ cũng đã lên kế hoạch tiến hành biểu tình, khiến nguy cơ căng thẳng gia tăng sau khi 7 người tử vong trong cuộc biểu tình hồi tháng trước.
Các nhà lãnh đạo quân sự cũng thẳng thắn nói về nguy cơ một cuộc nội chiến có thể diễn ra tại đất nước này. Cho tới nay, vẫn chưa thấy dấu hiệu cơn thịnh nộ của các bên hạ nhiệt.
HungNinh (Theo wsj)