Trên thị trường quốc tế, Việt Nam đang xuất khẩu mạnh các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, giày dép, quần áo, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản… và chất lượng của các mặt hàng này ngày cũng càng tăng. Xuất khẩu chính là điểm sáng trong bức tranh kinh tế rất khó khăn của vài năm gần đây với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 hơn 133 tỷ USD và kế hoạch cho năm 2014 là 145 tỷ USD.

Sự phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp rất lớn từ các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam. Quy mô hoạt động của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ bó hẹp trong nội địa mà đã thể hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Câu chuyện về vị doanh nhân Việt - Phạm Đình Nguyên dám bỏ ra hàng trăm ngàn USD để mua thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - Buford năm 2012 đã trở thành tâm điểm của giới kinh doanh Việt thời gian qua. Chỉ chưa đầy 16 tháng sau khi mua được thị trấn này, thị trưởng Nguyên đã quyết định đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli (Phindeli có nghĩa là “cà phê phin ngon”) với khát vọng đưa thương hiệu cà phê phin của Việt Nam ra thị trường Mỹ bằng cách “rẻ nhất, hiệu quả nhất”. 

Trong một bài phỏng vấn nhân dịp lễ ra mắt thương hiệu cà phê PhinDeli, khi được hỏi ông có ý định bán lại thị trấn để kiếm lời hay không, ông Nguyên chia sẻ, “Thị trấn Buford đã làm tài sản chung của doanh nhân Việt Nam, có giá trị tinh thần rất lớn nên dù có lời cũng không bán. Trên thực tế có người hỏi mua lại nhưng tôi không bán. Tôi muốn biến nơi đây thành showroom hàng Việt, làm bàn đạp tinh thần cho hàng Việt tấn công thị trường Mỹ”. Sự táo bạo trong tư duy và hành động “dám nghĩ dám làm” của vị đại gia Việt này cho thấy khát vọng vươn xa hơn, rộng hơn luôn là mục tiêu của các doanh nghiệp Việt. Với hướng đầu tư đúng đắn, thương hiệu Việt hoàn toàn có cơ hội vươn tới thị trường quốc tế.

{keywords}

Tại Việt Nam hiện nay có khá nhiều doanh nhân, doanh nghiệp không chỉ được biết đến trong nước mà còn trên trường quốc tế, trường hợp ông Đoàn Nguyên Đức và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là một ví dụ điển hình. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, gặp nhiều trắc trở, sóng gió, người chủ của một xưởng đồ gỗ nhỏ cách đây gần 30 năm đã trở thành người đứng đầu một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam hiện nay. Không chỉ phát triển mạnh trong nước mà Hoàng Anh Gia Lai cũng đã triển khai đầu tư mạnh sang các nước khác trong khu vực như Lào và Campuchia.

Tuy nhiên, tới 90% hàng Việt Nam phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian dưới dạng thô, hoặc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Do đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn còn chưa có khái niệm về hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam. Đây là một sự yếu kém thua thiệt lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Việc các thương hiệu Việt vẫn còn “ẩn danh” trên thị trường quốc tế do nhiều lý do khách quan và cả chủ quan. Yếu tố chủ quan nằm ở chỗ Việt Nam chưa có một định hướng phát triển chất lượng đúng đắn và có tầm nhìn mang tính chiến lược cho thương hiệu “Made in Vietnam”. Chất lượng của sản phẩm Việt còn nặng tính hình thức và hô hào hơn là thực sự đem lại giá trị lợi nhuận cụ thể cho doanh nghiệp và khách hàng. Chính vì điều này mà khách hàng quốc tế không (hoặc chưa) tin tưởng vào thương hiệu chất lượng Việt Nam, khác hẳn khi nhắc đến “Made in Japan” hay “Made in Germany”…

Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh thương hiệu xuất xứ, thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm được coi là tài sản quan trọng nhất, thể hiện uy tín, hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai. Cốt lõi của thương hiệu chính là nhãn hiệu của doanh nghiệp được quy định bảo hộ trong luật, bao gồm cả pháp luật của Việt Nam và quốc tế.

Nhãn hiệu là một trong những thành tố quan trọng trong bất kỳ chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp thành công vì chúng cho phép nhận diện, xúc tiến và chứng nhận các hàng hoá và dịch vụ của họ trên thị trường và phân biệt rõ so với sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tạo ra và phát triển những nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi trong nước, thậm chí ở nhiều thị trường nước ngoài. Các nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý này đã được bảo hộ ở Việt Nam, nhưng chủ nhân các nhãn hiệu này có thể còn chưa kịp thời bảo hộ các nhãn hiệu đó ở nước ngoài, nhất là các nước trong khu vực hoặc các nước hàng hóa xuất khẩu đến. Hậu quả là các nhãn hiệu gần đó đã bị đối thủ cạnh tranh hoặc chính những người bản xứ chiếm đoạt quyền đối với nhãn hiệu đó tại nước ngoài. Thực tiễn trên ngày càng khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cả ở trong nước và quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế hiện nay.

Theo kết quả nghiên cứu của UNDP, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam được hỏi đều cho rằng tạo dựng thương hiệu ở nước ngoài là việc làm tốn kém và khó khăn. Đa số các doanh nghiệp thâm nhập thị trường quốc tế thông qua các tập đoàn phân phối toàn cầu dưới thương hiệu của họ. Những tập đoàn này không sẵn sàng chấp nhận việc các doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu Việt độc lập. Xây dựng thương hiệu Việt dường như vẫn còn là điều vượt quá năng lực và nguồn lực của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Bước đầu tiên của xây dựng thương hiệu Việt là đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Theo số liệu của Văn phòng sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO thì kể từ khi nhãn hiệu đầu tiên của Việt Nam được đăng ký quốc tế theo Thoả ước Madrid (năm 1986) đến nay, mới có vài trăm nhãn hiệu Việt được đăng ký và nộp đơn theo hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Madrid, trong khi đó, số lượng nhãn hiệu từ các nước chỉ định đăng ký tại Việt Nam là gần một trăm ngàn. Nhìn vào con số này có thể nhận thấy số lượng nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký quốc tế còn rất hạn chế so với số lượng nhãn hiệu từ các nước chỉ định vào Việt Nam.

Mặc dù có những khó khăn nhất định về tài chính và thủ tục khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài, nhiều doanh nghiệp Việt đã quan tâm đăng ký nhãn hiệu từ khá sớm và đã có những thành công đáng kể trên thị trường quốc tế. Trong số các doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo hệ thống Madrid, không chỉ các doanh nghiệp lớn với những nhãn hiệu đã được khẳng định vị trí trên thị trường trong nước như: Vinamilk cho sản phẩm sữa, Sài Gòn cho sản phẩm bia, Minh Long cho sản phẩm gốm sứ, Vinataba cho sản phẩm thuốc lá, Kymdan cho sản phẩm đệm mút, Biti's cho sản phẩm giày, dép, Miliket cho sản phẩm mì tôm, Thiên Long cho các sản phẩm bút, Hồng Hà cho các loại văn phòng phẩm, PetroVietnam cho dầu khí và các dịch vụ liên quan đến dầu khí, Vinacafe cho sản phẩm cà phê, Vinatea cho sản phẩm chè, Traphaco cho các sản phẩm dược... mà còn có những nhãn hiệu dường như chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến như: cà phê Mỹ Lệ của Cty TNHH Mỹ Lệ (Tỉnh Bình Phước), giày dép Tân Tuấn Kiệt của Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Tuấn Kiệt (Tp. Hồ Chí Minh), trà Trâm Anh của Doanh nghiệp Trâm Anh (Tỉnh Lâm Đồng)…

Để có thể bơi ra biển lớn của thị trường thế giới, các con thuyền nhỏ - doanh nghiệp Việt Nam cần phải có sự đoàn kết và ý thức khẳng định vị thế, thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế. Doanh nghiệp Việt cũng cần biết cách tự bảo vệ thương hiệu của mình mà trong đó việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài là một trong những biện pháp đầu tiên.

Sáng 17/01/2014, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Anthony Phạm