Không khí Tết đã cận kề nhưng năm nay khách đặt bánh chưng muộn. Có những hộ năm trước được đặt hàng 5000-6000 bánh, nhưng năm nay đến giờ này vẫn thấp thỏm vì chưa thấy gì.

Chỉ còn hai tuần nữa là đến tết Giáp Ngọ, tại làng bánh chưng lớn nhất Hà Nội những ô tô tải chở đầy lá dong đã dồn về đến khắp đường làng, ngõ xóm.

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, Thanh Trì, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh chưng. Theo bà Thiệp, trưởng thôn Tranh Khúc: “Thôn có hơn 100 hộ trong tổng số 250 hộ theo nghề làm bánh chưng. Vào vụ Tết, mỗi gia đình thường cho ra 6000 nghìn chiếc bánh. Làng nghề đã được công nhận nên bánh chưng Tranh Khúc không chỉ có mặt trên khắp cả nước mà còn xuất ra nước ngoài”.

{keywords}

Mỗi nhà có 4-5 người rửa lá dong.

Từ lâu, bánh chưng Tranh Khúc đã nổi tiếng bởi vị đặc trưng. Trò chuyện với PV, cụ Tị năm nay đã 93 tuổi ở xã Duyên Hà cho biết, để cho ra một chiếc bánh ngon, quan trọng nhất là nguyên liệu làm bánh. Đó là những sản vật ngon từ các vùng miền. Gạo phải là gạo nếp cái hoa vàng Hải Hậu (Nam Định), Hải Dương; lá dong nếp từ Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An… Đặc biệt, thịt lợn phải là thịt tươi, ngon đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.

Tất cả các nguyên liệu phải đảm bảo sạch sẽ nếu không bánh sẽ chóng hỏng. Bên cạnh đó, làm nên nét đặc trưng cho làng nghề đó là người làng Tranh Khúc ai cũng gói bánh rất nhanh và đẹp. Những chiếc bánh được gói bằng tay nhưng rất vuông vức, đều tăm tắp. Sau khi gói xong, bánh luộc từ 9- 10 tiếng để bảo đảm bánh đủ dẻo, rền. Một số bánh chưng lớn, bánh nhân đường thời gian luộc sẽ kéo dài hơn.

{keywords}

Lá dong về làng sớm chuẩn bị mùa gói bánh.

Tuy nhiên theo bà Thiệp, trưởng thôn Tranh Khúc, năm nay hộ làm bánh chưng nào cũng kêu ế, đến thời điểm này mà chả hiểu sao vẫn chưa có khách đặt, nhiều nhà trong làng còn chưa gói bánh. Số khác thì chỉ gói để đi bán chợ, bán lẻ. “Chắc kinh tế khó khăn nên người dân mua muộn, mua ít hơn so với mọi năm”, bà Thiệp cho hay.

Mặc dù chưa có khách đặt hàng tết nhưng hầu hết các hộ trong làng đã nhập sẵn các nguyên liệu và rửa lá dong chuẩn bị trước. Theo các hộ làm bánh, thường từ 23 tết trở đi, khi các gia đình sắm sửa tết thì người làm bánh bước vào cao điểm gói, nấu bánh đại trà để kịp giao hàng đi khắp nơi. Giá bánh tùy vào yêu cầu của khách, dao động từ 40.000- 100.000 đồng/chiếc.

{keywords}

Cô Lý Thị Lịch cho biết, năm nay nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nên giá bánh sẽ tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn mới, xã Duyên Hà cho biết hầu hết đến 20/12 các hộ sẽ chốt đơn đặt hàng và tập trung làm bánh chưng để giao hàng nhưng tình hình năm nay rất ế khách, đến giờ gia đình anh vẫn chưa có khách nào đặt bánh tết. Song anh vẫn phải đánh liều mua trước hơn một vạn lá dong cùng các loại nguyên liệu khác như gạo, đậu xanh…để gói bánh.

Anh Dũng chia sẻ: Hôm nay chả có khách đặt bánh nên hai vợ chồng chỉ ngồi cắt cuống lá. Nhà neo người nên mai mốt phải thuê người đến rửa lá chứ hai vợ chồng làm không xuể. Giờ cũng sốt ruột lắm, lá mua rồi mà không có khách đặt, héo thì chỉ có cách vứt bỏ nhưng phải chấp nhận liều thôi.

{keywords}

Năm nay khách đặt bánh chưng muộn khiến nhiều hộ thấp thỏm một mùa bánh chưng ế.

Theo các hộ làm bánh, mặc dù năm nay giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh nhưng giá bánh hầu như tăng không đáng kể, nhiều hộ cam kết không tăng giá. Một chiếc bánh chưng trung bình 1,2kg có giá khoảng 40.000- 50.000 đồng/chiếc. Bánh chưng gấc giá 70.000-80.000 đồng/chiếc. Những chiếc bánh lớn hơn, tùy theo yêu cầu của người đặt, có loại lên đến 100.000 đồng/chiếc.

Gia đình bà Lý Thị Lịch (60 tuổi) có truyền thống 3 đời làm bánh chưng cho biết, khách đặt hàng của gia đình đa phần là khách quen, họ tin tưởng mua bao nhiêu năm nay. Như năm ngoái, chỉ trong mấy ngày tết gia đình bà cho ra 6.000 chiếc bánh nhưng năm nay khách đặt bánh khá muộn, đến giờ vẫn chưa thấy gì.

{keywords}

Bánh chưng tết dao động từ 40.000- 50.000 đồng/chiếc.

“Những năm trước, đến thời điểm này khách đã đặt hàng tấp nập, nay một số nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ song chưa có khách đặt hàng nên lo lắm”, bà Lịch cho biết.

Bà Lịch còn cho biết thêm: “Nếu như năm ngoái gạo chỉ 20.000đồng/kg, đậu chỉ 35.000 đồng thì hiện giá gạo đã tăng lên 26.000 đồng/kg, đậu xanh 42.000 đồng/kg. So với năm ngoái, gạo, đậu tăng 5.000- 10.000 đồng/kg, thịt lợn cũng tăng. Các nguyên liệu tăng mạnh nên buộc lòng chúng tôi phải tăng giá bánh thêm 5.000 đồng/chiếc”.

Nói về nguyên nhân khách đặt bánh chưng muộn so với mọi năm, anh Dũng cho rằng, có thể năm nay kinh tế khó khăn nên nhà hàng cũng chưa quyết số lượng bánh để đặt. Hơn nữa, bánh chưng giờ cũng bị bão hòa. Mọi người không phải cứ đợi đến tết mới được ăn bánh chưng nữa nên số lượng mua cũng giảm đi. Chẳng hạn trước đây vào ngày tết, người ta mua 10 cái bánh thì giờ giảm xuống chỉ 6 - 7 cái mà thôi.

Theo Infonet