Những câu chuyện tưởng như kỳ quặc nhưng lại rất phổ biến tại Việt Nam: Gửi vàng hàng xóm rồi vàng bỗng dưng bốc hơi, nhịn ăn để tích vàng.
Câu chuyện của hai anh em hàng xóm nhà bà Nguyễn Minh Tâm (60 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội) suýt chút nữa giết nhau vì vàng. Đó là hồi năm 2011 khi giá vàng tăng dựng đứng 41 triệu đồng/lượng rồi 45 triệu đồng lượng chỉ trong một buổi sáng. Đến bây giờ kể lại bà vẫn thấy run người.
Bà Tâm kể: số là người em đi làm ăn xa, dành dụm tiền gửi về để anh chị mua vàng chuẩn bị cưới vợ. Khi gửi tiền, vàng chỉ có 39 triệu đồng/lượng. Nhưng nghĩ là chưa cần mua vội, vợ chồng người anh lấy tiền đi đầu tư vào việc khác.
Đến lúc người em cần vàng để cưới vợ thì giá vàng vọt lên quá cao, nếu mua đúng 1 cây vàng thì vợ chồng người anh phải bù vào 5-6 triệu bạc.
Anh không có tiền bù đòi trả tiền cũ, người em thì đòi vàng vì đã dặn anh chị mua giúp. Cứ như vậy hai bên đôi co, rồi vác dao đánh nhau, may mà chưa xảy ra án mạng.
Câu chuyện như một bài học khiến cái tuổi gần đất xa trời của bà phải lưu tâm, lo cho ngày mai nên có chút lương hưu ít ỏi nào dành dụm được bà lại mua vàng.
Bà chia sẻ: “Gom mãi cả đời giờ cũng được vài cây để lỡ may ốm đau còn có cái nhìn vào. Có lúc giá vàng trồi, sụt, con cháu cứ khuyên hay bán đi khi giá giảm lại mua vào. Nhưng nghe nói giá vàng trong nước còn chênh so với thế giới những mấy triệu một lượng, chẳng biết chính sách nhà nước thế nào nên thôi cứ giữ cho chắc”.
Nhiều người có tiền nhưng không dám làm gì mà chỉ biết mua vàng cất kỹ cho chắc ăn |
Tin hàng xóm mất 10 cây vàng
Cũng vì sợ tiền mất giá, bà Nguyễn Thị Đức (57 tuổi), người Thái Bình dành dụm được đồng tiền nào cũng bỏ ra mua vàng.
Bà Đức tâm sự: sở dĩ bà tích trữ vàng là vì năm 2009 con bà ở Hà Nội bán cái nhà chung cư được gần 1,3 tỉ đồng. Khi đó giá vàng 27 triệu đồng/lượng tính ra mua được gần 50 cây vàng. Sau nó mua đất, xây cái nhà trên mảnh đất gần 50m2, đầu tư thiết bị đủ thứ rồi một hơn năm sau lại bán nhà đi. Tính ra nhà bán được hơn 2 tỉ đồng nghe thì có vẻ nhiều, nhưng vàng thời điểm năm 2011 giá 46 triệu đồng/lượng.
"Tính ra số tiền đó cũng chỉ mua được 50 cây vàng mà vất vả quá chừng. Vậy là bao nhiêu công sức và tiền làm ra mấy năm đắp vào cái nhà thứ hai quy ra cũng chỉ từng đó vàng”, bà Đức tiếc của.
Lấy chính bài học từ con, bà Đức thấy rõ vàng thì vẫn là vàng nhưng giá trị tiền của nó không thay đổi. Nghĩ vậy mặc kệ cho giá cả biến động bà cứ mua vàng. Góp nhặt cuối cùng bà cũng mua được 10 cây vàng để tích trữ.
Khổ nỗi do nhà không có két sắt, bà đành gửi nhờ số vàng sang nhà người hàng xóm có két chắc chắn. Cứ nghĩ thế là yên tâm, ai dè thấy bà không làm gì đến vàng, người hàng xóm lại lấy vàng đó cho con gái trên Hà Nội mượn.
Bà Đức kể, đến khi nhà có việc cần lấy ít vàng bán để xây nhà cho con trai mới biết, vàng của mình đã bị bà hàng xóm cho con gái mượn đầu tư mua đất trên Hà Nội.
"Tôi đòi nhưng bà ấy bảo đợi khi nào đất được giá, cháu nó bán thì sẽ mua vàng gửi lại. Dù bực lắm nhưng mà không sao, vàng của tôi vẫn là vàng thôi. Nhưng mà nghe nói giá nhà đất sụt lắm, biết đến bao giờ mới xem là được giá?", bà Đức than thở.
Và những câu chuyện tương tự như bà Đức, bà Tâm không phải là hiếm gặp.
Sinh viên ăn mỳ tôm tiết kiệm mua vàng
N.T.K (SN 1991) vừa ra trường vào tháng 6/2013 và hiện đang làm cho một công ty nước ngoài. Được hỏi về câu chuyện tích tiền mua vàng từ thời sinh viên, N.T.K vui vẻ chia sẻ: “Không nhiều người biết việc mình tích tiền để mua vàng. Một số bạn bè biết chuyện, chúng nó bảo mình bị hâm, bị dở hơi, không mua iPad, iPhone, xe máy mà mua vàng, trong khi vẫn dùng điện thoại xấu, máy tính để bàn. Tuy nhiên mỗi người đều có suy nghĩ riêng của mình”.
“Từ đâu mình có tiền để mua vàng? Nó bắt đầu từ năm thứ hai khi lúc đó mình có đi làm thêm cho một công ty liên quan đến giáo dục chủ yếu là dạy và luyện thi tiếng Anh các bằng IELTS, TOEFL… Lúc đó mình kiếm được khoảng 1,5 triệu/tháng. Tuy nhiên gia đình vẫn gửi tiền sinh hoạt hàng tháng, do đó mình để ra được khoản tiền làm thêm này.
Rồi khi Tết Nguyên Đán năm 2012, dù đi học đại học nhưng mình vẫn được mừng tuổi khá nhiều, tổng số tiền này lại mình có 12 triệu. Thời điểm đó vàng chỉ có 3 triệu/chỉ, mình đã quyết định mua 4 chỉ vàng, đó là số vàng đầu tiên mình mua được” – N.T.K cho biết.
Còn nguyên nhân để N.T.K quyết định mua vàng thay vì mua những thứ đồ thời thượng mà giới trẻ ai cũng thích, N.T.K bày tỏ: “Thực ra mình không thích iPhone, iPad vì theo mình nghĩ, nó không phục vụ được công việc gì của mình . Dù nhiều người trẻ mê những món này, nhưng mình thấy đó chỉ là một sự chạy theo, đua đòi không cần thiết.
Mỗi ngày mình ăn một bữa sáng, bữa trưa và tối đều tự nấu cơm ăn tại nhà nên rất tiết kiệm, nhiều hôm lười thì chỉ làm bát mì là xong. Và mình cũng không tiêu gì đến tiền, người yêu thì không có. Do đó mình bắt đầu tiết kiệm. Tuy nhiên khi tiết kiệm rồi thì mình sợ rằng tiền sẽ bị trượt giá rất nhanh, vì thế, suy đi tính lại, mình quyết định mua vàng. Mình cho rằng vàng là một thứ đầu tư ít rủi ro, và mình đã lựa chọn đúng đắn”.
“Khi vàng lên tới đỉnh điểm gần 5 triệu đồng/chỉ, lúc đó mình đã tiết kiệm được 5 chỉ vàng, và quyết định bán đi, và mình đã có 25 triệu trong tay. Đến lúc giá hạ, lại mua vàng trữ” – N.T.K cho biết.
Khi được hỏi về thị trường vàng, giá vàng lên xuống thất thường, lúc cao lúc thấp, N.T.K bày tỏ: “Mỗi khi thấy giá vàng lên cao rồi lại sụt xuống, mình rất hồi hộp, có nhiều hôm tiếc hùi hụi vì giá như bán sớm mấy ngày. Dù chỉ có vài chỉ vàng nhưng đó là công sức tiết kiệm và chi tiêu hợp lý suốt nhiều năm đại học của mình”.
Còn hiện tại, khi đã có thu nhập khá cao và cũng đã có bạn gái, N.T.K chia sẻ vẫn quyết định mua vàng, tích trữ vì vàng vẫn cho cảm giác ít rủi ro nhất và không sợ bị trượt giá.
“Mình chưa cần đến tiền thì cứ tích vào đó, giá vàng chắc chắn chỉ tăng chứ không thể nào giảm được”.
Theo Đất Việt