- Bộ Tài chính đã bác lại toàn bộ các lập luận của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam trong việc phản đối mức trần thù lao xăng dầu không quá 430 đồng/lít, được cho là quá thấp, gây lỗ cho doanh nghiệp.

Không can thiệp sâu việc kinh doanh xăng dầu

Trả lời Hiệp hội xăng dầu Việt Nam mới đây, Bộ Tài chính khẳng định, việc ban hành các thông báo báo số 135 và 308, đưa ra mức khống chế thù lao hoa hồng xăng dầu là đúng thẩm quyền, phù hợp các quy định hiện hành cũng như tình hình thực tế tại các doanh nghiệp.

Như VietNamNet đã đưa tin, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã phản đối kịch liệt mức trần mới về thù lao xăng dầu. Thiếu tính thực tiễn, làm giảm sút khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp là những hạn chế nổi bật mà cơ quan này chỉ ra. Đặc biệt, Hiệp hội còn nhấn mạnh, việc siết hoa hồng của Bộ Tài chính mâu thuẫn với quy chế kinh doanh xăng dầu mà Bộ Công Thương ban hành theo thông tư 36/2009. Theo đó, quy chế nêu rõ thù lao đại lý là khoản tiền do các bên thoả thuận và ghi trong hợp đồng đại lý, bảo đảm bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý và làm nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước.

Thế nhưng, các nghi ngại trên đều bị Bộ Tài chính phủ nhận hoàn toàn.

{keywords}
Thù lao cho đại lý xăng dầu không quá 430 đồng/lít (ảnh: Phạm Huyền)

Bộ khẳng định, mức trần thù lao xăng dầu đã được tính toán, dựa trên nhiều dữ liệu như “kết quả thực tế phát sinh hợp lý, hợp lệ của các doanh nghiệp, kết quả của Kiểm toán Nhà nước và kết quả tham khảo biến động chỉ số giá tiêu dùng từ các quy định về thù lao đại lý của Bộ Công Thương trước đây”. Không chỉ vậy, mức khống chế này cũng đã được Bộ “lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và không có ý kiến nào không đồng ý với vấn đề này”.

Cùng đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đây chỉ là mức tối đa, còn mức thù lao cụ thể hoàn toàn do ban lãnh đạo của doanh nghiệp xem xét quyết định trên cơ sở thỏa thuận với tổng đại lý, đại lý, Bộ không can thiệp trực tiếp. Điều này cũng có nghĩa, các thông báo của Bộ Tài chính không mâu thuẫn với quy chế kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương.

Hơn nữa, khoản thù lao cũng chính là một bộ phận cấu thành nên chi phí kinh doanh nên việc công bố khoản chi phí này cũng là công khai cơ cấu chi phí kinh doanh đó”, Bộ Tài chính cho biết thêm.

Vẫn chạy đua hoa hồng, doanh nghiệp bất bình

Giải thích trên của Bộ Tài chính khiến Hiệp hội xăng dầu Việt Nam lại thêm bất bình.

Tổ chức đại diện cho hơn 10.000 cây xăng bán lẻ và 19 đầu mối kinh doanh xăng dầu này bày tỏ: “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi trong công văn của mình, Bộ Tài chính lại cho rằng 'Mức khống chế này đã được lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và không có ý kiến nào không đồng ý với vấn đề này'. Vậy xin Quý Bộ cho biết các đơn vị có liên quan này là những đơn vị nào"?.

{keywords}

Hàng loạt doanh nghiệp gửi công văn phản đối mức khống chế thù lao xăng dầu (ảnh: Phạm Huyền)

Đưa ra một tập dày các công văn của hàng chục doanh nghiệp gửi đến, hiệp hội cho hay từ doanh nghiệp có thương hiệu cho đến các chủ cây xăng bán lẻ trong Nam ngoài Bắc đều dẫn ra các kịch bản lỗ mười mươi với quy định mới. Chẳng hạn, Công ty xăng dầu Quân đội ước tính cầm chắc lỗ 4 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp Duy Tuấn kêu sẽ lỗ 170 đồng/lít, doanh nghiệp Huyền Trang kêu lỗ 220 đồng/lít... Các chủ cây xăng đều tính toán, thấp nhất mức phí thù lao phải từ 600-650 đồng/lít, hiệp hội tính trung bình trên toàn quốc thì mức thù lao này phải là 550 đồng/lít.

Rõ ràng, “chúng tôi đã nhận được rất nhiều công văn của các doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn cả nước bất bình về nội dung thiếu thực tiễn được quy định trong hai thông báo này chứ không phải không có ý kiến nào không đồng ý với vấn đề này”, đại diện hiệp hội bức xúc.

Không tin vào những khẳng định của Bộ Tài chính, hiệp hội nhấn mạnh, quy định thù lao cho đại lý xăng dầu của Bộ quá khác biệt so với chi phí trung bình của một cửa hàng xăng dầu tính cho một lít xăng dầu hiện nay, trong khi, việc xác định chi phí này trên thực tế này hoàn toàn không khó, nếu như Cục quản lý giá thực sự quan tâm và có khảo sát đánh giá tại các cửa hàng.

Điều lo ngại hơn, theo hiệp hội, tới đây, nếu các cơ quan chức năng dựa trên các thông báo trên để thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu thì hẳn, sẽ xảy ra nhiều chuyện.

Doanh nghiệp lách luật, đua hoa hồng có thể vẫn tiếp diễn. Công ty xăng dầu Khu vực I, Petrolimex cũng tiết lộ trường hợp, Công ty Hải Linh (công ty đầu mối Thanh Lễ) đã chào bán cho các đại lý ở khu vực I như tổng đại lý Quyết Tiến ở Thái Nguyên, đại lý Công Minh ở Bắc Giang, đại lý Tự Lực ở Sơn Tây, Hà Nội với mức thù lao tới 900 đồng/lít, tức cao hơn mức khống chế tới 9%.  PVOil vẫn chào bán tại các kho Hải Phòng, Cái Lân, Lục Nam - Bắc Giang 850 đồng/lít thù lao.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng hứa sẽ nghiên cứu, khảo sát, đánh giá toàn diện thêm về vấn đề này khi sửa Thông tư 234 trong thời gian tới.

Được biết, Bộ Công Thương cũng từng bày tỏ quan điểm khi sửa thông tư này rằng, ngoài mức trần, cần quy định thêm mức sàn cho thù lao xăng dầu để tránh tình trạng doanh nghiệp đầu mối “ép” phí hoa hồng quá thấp khi giá thế giới căng thẳng. Điều này khiến cho các đại lý bán lẻ không muốn bán hàng, thị trường bị xáo trộn, khan hiếm xăng dầu “giả tạo”, người tiêu dùng chịu thiệt thòi.

Phạm Huyền