Chuyển nhượng tài sản, không đăng ký hết hôn, mang thai, làm thẻ xanh để đi Mỹ…dường như Huyền Như đã chuẩn bị nhiều phương án để “đối phó” nếu lỡ như vỡ nợ.

Sau hai ngày xét xử, trong phiên thẩm vấn chiều 7.1, vị chủ toạ bất ngờ hỏi bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (sinh năm 1978, ngụ quận Bình Thạnh, nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro, quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank) về ý định “bỏ nợ chạy lấy người”.

“Bị cáo chiếm đoạt tới 3.900 tỉ, nhưng giờ tài sản kê biên được chỉ khoảng 200 tỉ đồng mà trong đó chưa kể có nhiều bất động sản dù bị cáo đứng tên nhưng đã ký công chứng chuyển cho người khác, làm sao có tiền trả lại cho bị hại?”, vị chủ tọa chất vấn.

Huyền Như khẳng định số tài sản được chuyển nhượng là số tài sản của cô có được trước thời điểm phạm tội, không liên quan đến số tiền vay mượn. “Vậy bị cáo từng có ý định định cư tại Mỹ hay không?”, Vị chủ toạ tiếp tục truy vấn.

{keywords}

 Khá bất ngờ trước tình huống này nhưng Huyền Như vẫn bình tĩnh trả lời rằng bỏ số tiền 1,1 triệu USD (tương đương 18 tỷ đồng) chỉ để cho 2 gia đình đi du lịch chứ “chưa có” ý định định cư tại Mỹ.

HĐXX tiếp tục truy vấn: “Có phải bị cáo có làm thủ tục, làm thẻ xanh định cư ở Mỹ để bỏ trốn?”. Huyền Như trả lời: “Dạ bị cáo không có ý định bỏ trốn”. Tuy nhiên sau vài câu chất vấn, Huyền Như mới thành thật khai nhận “Bị cáo biết sai nghiêm trọng, nhưng bị cáo càng làm càng rối, càng làm càng sai, dạ bị cáo biết mình đã sai rồi…”.

Dù không nói từ nào liên quan đến ý định bỏ trốn sang Mỹ nhưng câu nói này của Huyền Như đã phủ nhận hoàn toàn ý “không có ý định bỏ trốn” của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, Huyền Như từng chuẩn bị các thủ tục cần thiết để ra nước ngoài trốn nợ. Cũng như việc cô tẩu tán tài sản để trách bị tịch thu, kê biên.

Không chỉ làm thẻ xanh, Huyền Như có chồng nhưng “chưa đăng ký kết hôn”. Việc lấy chồng không cần đăng ký kết hôn là một điều bình thường trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên với Huyền Như thì điều này trở nên đặc biệt. Theo thông tin ngoài lề thì vào thời điểm Huyền Như phạm tội thì chồng của bị cáo này là cán bộ của một ngân hàng.

Vậy người “chồng” không chính thức này có biết gì về hành vi phạm tội của vợ mình hay không? Tại sao đều là những cán bộ ngân hàng mà họ lại không đăng ký kết hôn bình thường như bao cặp vợ chồng khác? Phải chăng Huyền Như lo sợ nếu đăng ký kết hôn thì số tài sản mà vợ chồng cô “có được” trong thời gian Huyền Như phạm tội sẽ bị tịch thu?...

Ngoài ra, nếu bị truy tố ở tội danh”tham ô tài sản”, Huyền Như sẽ bị truy tố với mức án cao nhất của khung hình phạt là tử hình. Tuy nhiên pháp luật nước ta rất nhân đạo khi không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là tại thời điểm bị bắt (30.9.2011) “siêu lừa” đang mang thai ở tháng thứ 4 và Huyền Như cũng không biết rằng mình sẽ bị truy tố tội “tham ô tài sản” hay “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm tháng sau cô đã sinh con trong trại tạm giam. Hiện nay con gái Huyền Như đã được 21 tháng tuổi. Nhưng vì mẹ ở tù cũng chưa đăng ký kết hôn nên đến nay bé gái vẫn chưa có giấy khai sinh.

Theo Một thế giới