Những cổ phiếu khủng, những cuộc IPO lớn được chờ đợi, các DNNN đang trưng ra nhiều hàng nóng cho năm 2014. Câu chuyện găm sẵn ngàn tỷ để đón đầu một đợt sóng bán vốn lớn lại được nhắc tới.
Ông lớn “bung hàng”
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) quyết định đưa toàn bộ hơn 2,8 tỷ cổ phiếu lên sàn ngay trước Tết Nguyên đán.
Sau nhiều lần trì hoãn, BIDV chốt lên sàn vào ngày 24/1 với mã BID và giá chào sàn 18.700 đồng/cp, cao hơn mức giá dự kiến trước đó 200 đồng/cp.
Giải thích về quyết định này, ông Trần Phương, Phó Tổng giám đốc BIDV, nói rằng đó là do TTCK đang hồi phục tích cực, chỉ số VN-Index đang ở mức cao nhất trong vòng 4 năm qua. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của BIDV trong năm 2013 cũng rất ấn tượng: lợi nhuận tăng, vốn, tài sản và dư nợ đều tăng trong khi nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 2,3%.
BIDV nhanh chóng chốt các thủ tục lên sàn cũng là để nắm bắt cơ hội thuận lợi để tìm đối tác chiến lược trong bối cảnh khối các NĐT nước ngoài đang rất quan tâm tới TTCK Việt Nam khi mà các quy định được nới lỏng ra, NĐT chiến lược ngoại được sở hữu tối đa lên tới 20% vốn một NH (thay vì 15% trước đó).
Sự hấp dẫn của chứng khoán Việt gần đây đã khiến khối ngoại mua ròng liên tục và nhiều lúc ở mức đột biến, như con số hơn 840 tỷ đồng mua ròng thông qua khớp lệnh trong tuần vừa qua.
Việc lên sàn lần này dù tỷ lệ cổ phiếu bên ngoài Nhà nước chưa đến 5% nhưng vì là DN lớn, quy mô vốn lên đến vài tỷ USD và tài sản lớn thứ hai trong khối ngân hàng nên sự quan tâm của các quỹ đầu tư lớn, các công ty quản lý chuyên nghiệp trong và ngoài nước đối với BIDV được đánh giá là rất lớn.
Sự mở rộng về quy mô của TTCK, với trọng tâm là các DN lớn, có chất lượng, các ngân hàng... theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ cũng là một điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức đầu tư nước ngoài. Và có lẽ đây cũng là yếu tố góp phần khiến TTCK sôi sục, tăng điểm dữ dội trong thời gian vừa qua, và lần đầu tiên sau hơn 4 năm vượt ngưỡng 550 điểm trong phiên 20/1.
Bộ GTVT mới đây cũng cho biết sẽ hoàn tất việc cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) ngay trong năm 2014.
Kế hoạch IPO Vietnam Airlines nhiều khả năng sẽ được thực hiện đúng tiến độ bởi cơ quan chủ quản đã coi đây là “công việc quan trọng”, không thể tiếp tục chậm trễ. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa cảnh báo nếu sếp DNNN không chịu cổ phần hóa thì sẽ cách chức.
Ngoài ra, Bộ này cũng dự kiến hoàn tất thủ tục chuyển 10 công ty mẹ của các tổng công ty thuộc bộ sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sẽ IPO chậm nhất trong quý I/2014 và bắt đầu từ quý II/2014 sẽ hoạt động theo mô hình cổ phần. DN sau cổ phần sẽ có vốn điều lệ đạt 5.000 tỷ đồng. Dự kiến Vinatex sẽ bán 49% cổ phần ra bên ngoài. Ðến sau năm 2017, DN sẽ tiếp tục bán tiếp phần vốn Nhà nước.
Nội ngoại găm tiền săn hàng
Chưa nói tới sàn chứng khoán TP.HCM, Sở GDCK Hà Nội (HNX) cuối năm qua cũng cho biết sẽ đón nhiều hàng hóa mới trong năm 2014. HNX sẽ coi việc đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm; tiến hành rà soát danh sách các công ty đã phát hành ra công chúng sau 1 năm để đưa vào giao dịch tập trung nhằm tăng hàng hóa cho thị trường và tích cực tham gia tái cơ cấu TTCK.
Hàng loạt các DN lớn khác cũng có kế hoạch niêm yết sớm như: Thế giới Di động, Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Phân lân Ninh Bình...
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong tháng 12/2013 cũng đã có quyết định tái cơ cấu. Theo đó, từ nay đến 2015, SCIC sẽ thoái vốn tại 376 DN, trong đó có vài chục DN đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hà Nội (HNX) và UPCOM. Những tên tuổi lớn như: Vinaconex VCG (255,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.700 tỷ đồng), Nhựa Bình Minh BMP (gần 1.000 tỷ đồng), Nhựa Thiếu niên Tiền Phong NTP (gần 1.000 tỷ đồng), Tập đoàn Bảo Việt BVH (hơn 900 tỷ đồng), Tập đoàn FPT (hơn 800 tỷ đồng) đều có tên trong danh sách.
Một số cái tên trên sàn cũng khá nổi tiếng thuộc diện thoái vốn khác như: Traphaco - TRA (gần 800 tỷ đồng), Vĩnh Sơn Sông Hinh - VSH (hơn 700 tỷ đồng), Nhựa Rạng Đông - RDP, Nhiệt điện Phả Lại (PPC)...
Rất nhiều trong đó là các DN lớn, cổ phiếu hấp dẫn được các NĐT trong và ngoài nước vốn mong chờ. Có lẽ một cơ hội đầu tư lớn đang đến và nhiều đại gia có thể sẽ không thể bỏ qua.
Trên thực tế, hoạt động hiệu quả của hàng loạt DN cổ phần hóa và cổ phiếu được giá như Cơ điện lạnh (REE), Vinamilk (VNM), FPT... những năm qua cho thấy sự hấp dẫn của không ít DN mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần lớn.
Ngay cả những DN gặp nhiều khó khăn như Vinaconex cũng rất được quan tâm bởi đây đều là những DN hàng đầu trong các lĩnh vực họ hoạt động. Phần vốn hơn 255 triệu cổ phần mà SCIC đang nắm giữ tại DN này (tương đương gần 58%) từng được Tập đoàn Viettel đề cập mua lại từ năm 2009 nhưng SCIC chưa phản hồi.
Trong trường hợp Vinatex, quá trình IPO của tập đoàn này cũng rất được quan tâm. Tập đoàn này cho biết đang lựa chọn NĐT chiến lược một cách thận trọng, kỹ càng.
Với BIDV, tỷ lệ cổ phiếu ngoài Nhà nước là rất thấp. Tuy nhiên, sự quan tâm của khối ngoại với một ngân hàng hàng đầu Việt Nam này là rất lớn. Hơn thế, theo ông Trần Phương, BIDV sẽ trình lên Thủ tướng nếu có NĐT muốn mua hơn 20% cổ phần BIDV.
Nhiều DN trên sàn hoạt động hiệu quả trong nhiều năm qua đã được khối ngoại mua kín tỷ lệ cho phép. Không ít các tổ chức đầu tư nước ngoài bày tỏ mong muốn nới room để có thể tham gia sâu hơn vào DN.
Có thể thấy, nhiều khả năng năm 2014 sẽ chứng kiến một cơn bão cổ phiếu sẽ đến với các NĐT trong và ngoài nước. Không ít các NĐT đang đón đợi bởi ẩn trong đó là những cơ hội.
Mạnh Hà