- Gắn bó bao năm với ngựa bạch, chưa bao giờ dân làng Phẩm (xã Dương Thành, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nghĩ cuộc sống có thể khá lên. Tuy nhiên, gần đây, nhu cầu dùng cao ngựa bạch tăng, người nuôi bắt đầu phất lên nhờ ngựa. 

Gần trăm triệu một con ngựa bạch

Về làng Phẩm vào một chiều đông, khi mặt trời dần khuất núi cũng là lúc đàn ngựa bạch no đẫy cỏ sau một ngày vục mõm ở các bãi chăn thả, chậm rãi tràn xuống núi. Chúng nối đuôi nhau đi chật khắp các nẻo đường trong xã. Cứ thế, lũ ngựa nhớ đường, nhớ ngõ tự động trở về chuồng. 

Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh làng, ông Dương Văn Dùng, trưởng thôn làng Phẩm cho hay, làng bây giờ khác xa so với chục năm về trước, một phần nhờ sự nỗ lực của bà con, một phần là nhờ vào nghề nuôi ngựa bạch. Nếu như trước đây, làng Phẩm chỉ toàn là những mái nhà tranh lụp xụp, thì nay là những căn nhà cao tầng khang trang với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Thu nhập nhập bình quân của người dân năm 2013 đạt hơn 30 triệu đồng/người/năm. Số hộ nghèo của làng theo đó cũng đã giảm từ 35% (năm 2003), xuống còn 5% (năm 2012). 

{keywords}

Ngựa bạch góp phần làm đổi thay cuộc sống người dân làng Phẩm

Đã một thời, không ai nghĩ rằng nghề nuôi ngựa bạch có thể giúp dân làng Phẩm thoát nghèo. Cũng bởi thế, dù nuôi ngựa thì cũng chỉ để lấy sức kéo hoặc giết thịt. Tuy nhiên, cao ngựa bạch ngày càng có giá nên khắp nơi đổ về đây săn. Giá ngựa cũng bạch rất cao. Một con trưởng thành giá lên tới 60-70 triệu đồng. Nhờ thế người dân làng Phẩm đổi đời từ nghề nuôi ngựa bạch và nấu cao ngựa.

Anh Dương Văn Cường, một trong những hộ nuôi ngựa bạch ở làng Phẩm cho biết, trước đây, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, lo cơm gạo từng bữa bởi thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào duy nhất 3 sào đất lúa. Tuy nhiên, vài năm gần đây, thấy ngựa bạch ngày càng có giá, anh mạnh dạn thế chấp nhà đất, vay được gần 50 triệu mua đôi ngựa bạch sinh sản. Thời gian sau, ngựa mẹ đẻ ngựa con, được bao nhiêu anh quyết định để nuôi tất. 

“Hiện thu nhập của gia đình tôi đạt trên 100 triệu đồng/năm. Tiền vay mượn cũng đã trả hết. Tôi còn cất được căn nhà ngói khang trang, ba đứa con đều được học hành đến nơi, đến chốn. Tất cả là nhờ nuôi ngựa bạch”, anh Cường khoe.

Không chỉ anh Cường, hàng chục hộ gia đình khác ở làng Phẩm đã thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu nhờ ngựa bạch. Nhờ đó, cuộc sống đã khấm khá hơn.

Theo các hộ chăn nuôi ngựa bạch trong làng, một con ngựa bạch giống (khoảng 6-7 tháng tuổi) có giá từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. Ngựa một năm rưỡi tuổi trở lên là có thể xuất chuồng với giá 50 đến 70 triệu đồng/con. Nếu chỉ nuôi ngựa cái lấy giống thì mỗi năm lãi trên 20 triệu, còn nuôi ngựa thịt thì mỗi tháng cũng được đôi ba triệu đồng/con. Không chỉ nuôi ngựa sinh sản, người dân làng Phẩm còn nhập ngựa từ các nơi khác về nuôi và vỗ béo. Sau 1 năm, mỗi con lãi được 20-30 triệu đồng. 

Hiện nhu cầu về ngựa bạch để nấu cao, làm cảnh... đang tăng cao. Theo ông Đào Quang Hợp, kỹ thuật viên chuyên phụ trách về phát triển giống ngựa tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (thuộc Bộ NN-PTNT), một số đại gia ở Hà Nội đã lên đây chọn mua một lúc 4-5 con ngựa về chơi, mỗi con đều có giá mấy chục triệu đồng.

“Tháng vừa rồi, tổng giám đốc một công ty có dinh thự ở trên Ba Vì (Hà Nội) còn lên đây mua ba con ngựa đã được thuần chủng về nuôi chơi”, ông Hợp nói.

Cũng theo lời ông Hợp, năm 2014 nhu cầu chơi ngựa cảnh tăng khá mạnh bởi hiện tại đơn đặt hàng lấy ngựa từ giờ tới cuối năm 2014 đã tăng khoảng 20%. Đó là chưa kể những người lên đây chọn mua trực tiếp không thông qua đặt hàng.

Còn nhập nhèm lừa khách

Sau nhiều năm chăn nuôi ngựa bạch, hiện tại một số hộ dân nơi đây đã thành công trong việc nhân giống ngựa bạch. Năm 2008, các hộ chăn nuôi ngựa bạch được Bộ NN&PTNT hỗ trợ thành lập Hội chăn nuôi ngựa bạch với 37 hội viên. Ngoài được hỗ trợ vay vốn, hội viên còn được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. 

Tuy nhiên, ông Dương Quang Bách, Phó chủ nhiệm HTX nuôi ngựa bạch làng Phẩm, cho biết, do lợi nhuận từ nghề nuôi ngựa bạch cao nên nhiều gia đình đầu tư nuôi. Thế nhưng, quy mô nhỏ bé, số lượng còn rất ít. Mỗi hội chỉ có 3-4 con, nhà nào nhiều thì được 7-8 con, cả làng cũng chỉ có khoảng 150 con. 

Phần lớn số hộ nuôi ngựa thịt, còn ngựa đẻ rất ít, và có đẻ cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Vì vậy, nhiều gia đình đã lên Cao Bằng, Lạng sơn mua về nuôi, nên nguồn gốc không đảm bảo, chưa kể khả năng nhiễm dịch bệnh có thể xảy ra.

{keywords}

Ngựa bạch một năm rưỡi tuổi trở lên là có thể xuất chuồng với giá 50 đến 70 triệu đồng/con

Hiện giá chênh lệch giữa ngựa bạch và ngựa màu, ngựa bạch kim khá cao, thường gấp 2-3 lần, nên không tránh khỏi trường hợp người dùng ngựa bạch kim hoặc nhuộm trắng và nói dối là ngựa bạch lừa khách hàng. 

Thực tế, không ít người đã bị lừa khi đi mua ngựa bạch. Để đảm bảo uy tín, người dân làng Phẩm phải học cách phân biệt đâu là ngựa bạch. Nhưng không phải ai cũng có thể phân biệt được. 

“Mắt có màu trắng mây, chung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa, khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, thậm chí trong đêm, mắt bắt ánh sáng đèn đỏ như đốm lửa. Các lỗ tự nhiên (lỗ ở bộ phận sinh dục, mũi, mõm) có màu hồng đỏ, 4 chân có móng sừng, màu cước ánh bạc. Đó đích thị là ngựa bạch, còn không là ngựa kim”, ông Bách miêu tả. 

Cũng theo ông Bách, đầu ra cho sản phẩm hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa có định hướng rõ ràng. Sản phẩm cao ngựa bạch Dương Thành chưa được bảo hộ, các hộ chăn nuôi chưa được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu làng nghề. Đây là những khó khăn người nuôi ngựa bạch ở làng Phẩm đang phải đối mặt.

Thùy Dương