Có hai anh Tây thích thử thách đã tự hào khoe khắp thế giới: “Chúng tôi làm chocolate Việt Nam”.

1. Biết tôi thích bánh kẹo trời Âu, cô bạn thân dặn dò khi tôi sang Pháp dịp hè năm ngoái: “Lần này đến Paris bạn nhất định phải kiếm chocolate Việt Nam ăn thử nghen!”. Nghe đã thấy tò mò. Thấy tôi mắt tròn mắt dẹt, bạn nói tiếp: “Phải ăn chocolate Việt ngay tại xứ sở chocolate mới thấy đã”. 

Cầm địa chỉ bạn cho, tôi tìm đến cửa hàng Causses ở quận 9 của Paris. Đây là cửa hàng thực phẩm cao cấp, có nhiều loại đặc sản ít thấy trong siêu thị. Mới dạo vài quầy trong Causses, tôi đã chú ý ngay đến những phong chocolate có bao bì màu xanh, đỏ, vàng rất nhã với tên của từng loại rõ mồn một: Bà Rịa, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng. Thấy tên các địa phương của Việt Nam nằm “hiên ngang” giữa chocolate Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, dù chưa nếm miếng nào nhưng tôi vẫn thấy “đã” vô cùng.

{keywords}
Cacao Việt Nam được thế giới đánh giá cao.

Bà Rịa, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng thì quen mà sao hiệu của chocolate lại lạ hoắc: Marou. Đã vậy cả 5 loại đều là chocolate đen (không pha sữa và có tỷ lệ ca cao thường từ 70%  trở lên), tuy rất được “tín đồ chocolate” ưa chuộng nhưng không phải ai cũng thích, đặc biệt là khách hàng nhỏ tuổi. Sau khi mua vài phong để thỏa mãn vị giác, tôi bắt đầu tìm kiếm thông tin về Marou và tiếp tục những bất ngờ thứ vị. “Bà Rịa, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng” đã góp mặt ở hầu hết những hội chợ đình đám nhất về chocolate trên thế giới: từ Paris (Pháp), Lon don (Anh), Stockholm (Thụy Điển) đến Tokio (Nhật), San Fancisco (Mỹ)… Dù ở đâu thì quầy trưng bày sản phẩm này cũng được trang trí bằng cá (bao vải bố đựng hạt ca cao, bên ngoài ghi sang trọng: Sản xuất tại Việt Nam.

2. Samuel Maruta và Vincent Morou hẹn tôi tại cơ sở sản xuất chocolate Marou ở Thủ Đức (TP.HCM) ngay sau khi dự hội chợ chocolate lớn nhất thế giới ở Paris (Salon du Chocolat 2013, từ ngày 30/10 - 3/11/2013). Hai anh Tây tuổi xấp xỉ tứ tuần này vào đầu năm 2011 đã chấm dứt công việc ổn định ở những tập đoàn Pháp danh tiếng  để tìm thử thách mới cho sự nghiệp. Một người là chuyên gia về quảng cáo, người kia sở trường ở ngành tài chính. Trong một lần gặp gỡ, họ tình cờ phát hiện cả hai đều rất mê chocolate. Từ điểm chung “ngọt ngào” đó, Samuel và Vincent ghép họ Marata – Mourou lại và Marou ra đời. 

{keywords}
Hai anh chàng bén duyên với cacao Việt

Trong suốt 6-7 tháng sau, bộ đôi mày mò thử nghiệm làm chocolate ngay tại nhà bếp của  Samuel. Làm tới đâu, học tới đó, họ được thọ giáo một chuyên gia về cây ca cao, trước đây từng làm việc lâu năm ở Việt Nam. Khi đã hiểu cách chọn trái ngon, cách kiểm tra các công đoạn tách vỏ, rang hạt, lên men của nông dân, Samuel và Vincent bắt đầu chiến dịch “săn lùng ca cao”. Khởi đầu ở Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), rồi tìm đến các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai. Các mẻ chocalate tại gia cứ thế liên tục ra lò, đến tháng 8/2011, họ được sự hỗ của anh Arnaud Normand – một thợ làm chocolate trẻ tuổi từ Paris – để hương vị thêm tinh tế. Sau nhiều lần thử nghiệm, Samuel và Vincent khám phá ra ca cao ở mỗi  tỉnh sẽ cho ra đời chocolate có vị khác nhau dù tỉ lệ giống nhau. Điều này tương tự rượu vang thường được phân biệt theo vùng trồng nho: Bordeaux, Bourgogne… Người Pháp vốn rất đề cao tính địa phương của sản phẩm nên Samuel và Vincent quyết định đặt tên cho mỗi loại chocolate theo địa phương trồng cây ca cao.

3. Cứ nghe ở đâu có nhà vườn trồng ca cao ngon là bộ đôi Marou lập tức có mặt. Chọn được sản phẩm có chất lượng, họ mừng như bắt được vàng. Có lẽ vì vậy, loại chocolate mới nhất của Marou có tên Treasure Island (Đảo Châu Báu). Nghe “huyền bí” như thế nhưng thật ra đây là đảo Tân Phú Đông ở tỉnh Tiền Giang. 

Anh Samuel kể chuyện “săn” ‘chocolate: “Tụi này rất khó tính nên lựa chọn kỹ lắm. Ngoài trái ngon, nhà vườn phải đảm bảo làm kỹ các công đoạn sơ chế hạt chocolate vì làm ẩu sẽ làm hư hoặc mất hương vị ngay. Một khi đã chọn được hàng thật sự chất lượng, chúng tôi sẵn sang trả giá cao hơn thị trường”. Nhờ đó, những sản phẩm Bà Rịa, Tiền Giang,  Bến Tre, Đồng Nai, Lâm Đồng bắt đầu thu hút được khách hàng ở các hội chợ chocolate quốc tế. Tại hội chợ hồi tháng 11/2013 ở Paris, 400kg chocolate được bán hết sạch chỉ sau 4 ngày.

{keywords}
Một thương hiệu sô cô la nổi tiếng có nguồn gốc từ cây ca cao Việt

Sau giải triển vọng tại Paris năm 2012, năm vừa qua, Marou vinh dự đoạt cùng lúc 3 giải vàng, bạc, đồng của Viện Chocolate London. Chuyến “thám hiểm chocolate” Việt Nam của Vincent và Samuel được nhiều báo đài châu Âu nhắc đến: Le Figaron Magazine, L’express Styles, Ouest France, Le Parisien, Grazia… Hồi tháng 3.2013, tờ The Guardian xếp chocolate Marou vào danh sách 50 món ngon của tháng. Tờ báo này còn thêm một câu “tự than”: Ai mà biết Việt Nam có thể sản xuất ra loại ca cao tuyệt hảo như vậy?

Hiện Marou chỉ bán cho một số khách sạn và cộng đồng người nước ngoài tại Việt Nam còn thị trường chính là châu Âu, đặc biệt là 3 nước Pháp, Thụy Điển, Anh. Ngoài ra, sản phẩm của Samuel và Vincent còn có mặt ở Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Thái Lan, Nhật Bản… Khách hàng nhiều nước, nhất là Pháp thường tỏ ra thích thú khi biết Marou được sản xuất và có nguyên liệu 100% Việt Nam. Ngoài ra, các nhà sản xuất Nhật Bản rất quan tâm đến việc có thể mua ca cao nơi ở cách Tokyo chỉ vài giờ bay. Theo Samuel, nếu được thu hoạch đúng thời điểm và đảm bảo quy trình sơ chế, ca cao Việt Nam có chất lượng không thua kém những loại ca cao ngon nhất đến từ Nam Mỹ hay Madagascar.

(Theo Thanh Niên số Tết)