- Nhìn vườn cây ca cao đang vào thì cho quả, chị Hbim Bkrông (một hộ dân tại Buôn Phốt, xã Yan Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) không giấu nổi niềm vui. Sau này khi thu hoạch, ca cao sẽ được xuất khẩu sang tận trời Âu.
Lãi cả trăm triệu một vụ
Tháng 12 trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, những quả ca cao nặng trĩu cành là thành quả lao động vất vả của những người nông dân sau một thời gian dài chăm bón. Nhiều vùng đất bạc màu, chuyển đổi nay đã dần thay thế bằng loại cây đầy tiềm năng này.
Nhìn vườn cây ca cao đang vào thì cho quả, chị Hbim Bkrông (một hộ dân tại Buôn Phốt, xã Yan Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) không giấu nổi niềm vui. Từ hơn 100 cây ca cao ban đầu của dự án, chị là một trong những người mạnh dạn trồng thử. Đối với những người dân tộc như chị, việc trồng một loại giống cây trồng mới trên mảnh đất pha cát bạc màu ở huyện Lắk là khá táo bạo và nhiều rủi ro.
Nhiều người nông dân làm giàu từ cây ca cao. (Ảnh:D.A) |
Nhưng với lòng quyết tâm, sự kiên trì, sau thời gian dài chăm sóc, cây ca cao đã mỉm cười với chị. Vụ ca cao đầu tiên năm 2009, chị thu hoạch được hơn 400 kg hạt khô, sau khi bán đi thu về hơn 20 triệu đồng. Chị tiếp tục đầu tư mua thêm giống cây, máy bơm nước và ống dẫn. Từ con số hơn 100 cây, tới nay chị đã làm chủ của một vườn ca cao rộng gần 1ha, với khoảng 1.000 cây.
Khi được hỏi về chi phí đầu tư cũng như hiệu quả kinh tế, chị cho hay, vụ vừa rồi, từ tiền phân bón, điện nước, chị thu về trên 50 triệu đồng. Sắp tới, vườn ca cao vào tuổi trưởng thành sẽ cho thu hoạch hạt khô khoảng hơn 2 tấn/năm. Với mức giá ổn định trên 50.000 đồng/kg, mỗi năm, nhà chị có ít nhất 80 triệu đồng tiền lãi.
Cũng giống như chị Hbim đi lên từ cây ca cao, ông Hồ Sĩ Tịnh (HTX ca cao huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, từ vườn điều già cỗi, đất bạc màu, năm 2009, ông bắt đầu trồng xen ca cao. Đến nay, vườn ca cao đã cho thu hoạch quả, tạo thêm nguồn thu nhập lớn cho gia đình. “Cái lợi lớn khi trồng xen điều với ca cao là thu nhập tăng lên gấp đôi, từ vườn điều chỉ khoảng 30 triệu đồng/ha, nay mỗi năm đã có 70 triệu đồng/ha”, ông Tịnh nói.
Mô hình trồng xen cây ca cao trong vườn điều hay những mảnh đất chuyển đổi từ cà phê như gia đình ông Tịnh đang được nhân rộng tại nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk. Hợp tác xã ca cao ông Tịnh tham gia đã có tới trên 400 thành viên, trong đó không ít người thuộc diện nghèo đã có cuộc sống ổn định hơn từ trồng cây ca cao.
Phát triển bền vững
Theo các chuyên gia nông nghiệp cũng như người trồng, ca cao là giống cây đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn so với cà phê hay điều nên nó chưa thực sự hấp dẫn. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), từ cuối 2012 đến giữa 2013, tổng diện tích ca cao bị chặt bỏ khoảng 3.000 ha. Việc chặt bỏ xảy ra chủ yếu ở những vùng diện tích trồng nơi khô hạn, cây kém phát triển, nhiễm sâu bệnh nặng hoặc ít đầu tư chăm sóc.
Bên cạnh đó, nhiều vườn ca cao vẫn đang trong thời gian kiến thiết (sau 3 năm trồng mới cho quả bói), sản lượng trái thấp nên bà con rất dễ dao động khi vườn cây gặp sâu bệnh, hoặc giá cả lên xuống. Điển hình như năm 2013, việc đốn bỏ ca cao tập trung nhiều dịp tháng 5-8 do lúc đó giá thu mua ca cao xuống thấp, chỉ còn 35.000-38.000 đồng/kg hạt khô lên men, trong khi một số cây trồng khác như bưởi, cà phê lại được giá.
Cây ca cao đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cũng như chế biến cao. (Ảnh:D.A) |
Hiện nay, trước giá ca cao trên thị trường đang tăng lên ở mức 50.000-55.000 đồng/kg hạt khô lên men (khoảng 4.300-4.500 đồng/kg trái tươi), tình trạng đốn bỏ ca cao đã giảm nhiều.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mặc dù ca cao đã được tỉnh này đưa vào quy hoạch là một trong 7 loại cây trồng chính, với diện tích quy hoạch đến năm 2015 khoảng 6.000 ha, tuy nhiên đến nay diện tích ca cao toàn tỉnh mới chỉ đạt 2.000 ha. Tương tự như vậy, tỉnh Bến Tre, diện tích ca cao còn lại của toàn tỉnh là hơn 7.342 héc ta, giảm gần 2.000 héc ta so với tổng diện tích ca cao đã trồng được.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho biết, cây ca cao đối với nông dân thì còn khá mới. Khó khăn lớn nhất là thiếu quỹ đất, phải trồng xen với cây khác. Tại Đắk Lắk đã có nhiều mô hình sản xuất ca cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân nhưng nhiều người dân chưa thật sự nhìn ra lợi ích từ cây ca cao, nôn nóng chặt bỏ khi giá ca cao xuống thấp.
“Mỗi cây ca cao trồng xen điều đầu tư tốt có thể cho năng suất 4kg hạt khô/cây/năm. Tuy nhiên do đa số người trồng ca cao hầu hết là dân nghèo, thiếu đầu tư khiến năng suất chưa đạt như mong đợi, khiến tiếng tăm về hiệu quả cây trồng này chưa cao, diện tích mở rộng chậm”, ông Thích lý giải.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, do là cây trồng chủ yếu là xen vườn dừa, ca cao “chịu nhiều thiệt thòi”, phải cạnh tranh với nhiều giống cây ăn quả khác như bưởi da xanh. Bên cạnh đó, diện tích vườn thu hẹp nên khó có thể phát triển cây ca cao ở diện rộng.
Hạt ca cao của Việt Nam được đánh giá cao. (Ảnh:D.A) |
Đánh giá của các chuyên gia cho thấy, cây ca cao có nhiều tiềm năng phát triển. Ông Đinh Hải Lâm, Giám đốc chương trình Phát triển ca cao Việt Nam cho rằng, sản xuất ca cao của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Sản lượng ca cao thế giới gần như không tăng trong 4-5 năm qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng từ 2-3%/năm nên ngành chế biến ca cao thường xuyên bị thiếu hụt nguyên liệu. Dự báo sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn vào năm 2020, do đó tiềm năng phát triển ca cao của VN rất dồi dào.
Số liệu của Công ty TNHH Cargill Việt Nam cho thấy, ca cao Việt Nam được xếp vào loại có chất lượng cao nhất thế giới. Mỗi năm, châu Á đang phải nhập khẩu trên 500.000 tấn ca cao hạt khô từ Nam Mỹ, nhiều đối tác sản xuất sản phẩm từ ca cao trên thế giới xác định Việt Nam là một trong những thị trường cung cấp cao cho lên men, chất lượng cao của khu vực.
Để phát triển cây ca cao bền vững cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực từ nhiều phía. Trong đó, Chính phủ Hà Lan đã tham gia tài trợ cho Dự án Hợp tác công - tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN (PPP). Ngân hàng Robobank (Hà Lan) đang nghiên cứu gói hỗ trợ tín dụng cho nông dân trồng ca cao ở Việt Nam.
Vấn đề kiểm soát chất lượng ca cao đã được chú trọng ngay từ đầu. Để có được những hạt ca cao nguyên liệu tốt nhất, các doanh nghiệp đều sẵn sang đứng ra hỗ trợ nông dân từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến sơ chế hạt ca cao.
Duy Anh