Trong năm 2013 và cả đầu năm 2014, nhắc tới hai từ “đòi nợ” là khiến cả con nợ và chủ nợ đều “sốt sột sột”. Bởi lẽ, người đòi tiền vẫn không nhìn thấy mặt tiền, còn kẻ bị đòi nợ thì hoảng hồn với những chiêu siết nợ.

Tụng kinh gõ mõ

Ngày đầu năm 2014, câu chuyện một người phụ nữ đòi nợ kiểu lạ lùng đã gây sự chú ý trong xã hội. Bà Nguyễn Thị Liễu, ngụ ấp Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã tới trước cổng căn biệt thự bà Lê Thị Hạnh (Chủ Công ty TNHH TM Đức Hạnh, đóng tại xã Lai Yên, huyện Bến Cát, Bình Dương) để đòi nợ 5,5 tỷ đồng, bằng cách lập bàn thờ, tụng kinh, gõ mõ với mong muốn bà Hạnh nghe kinh phật mà mở lòng từ bi, hướng thiện rồi trả nợ.

Theo bà Liễu, bà cũng là con nợ của người khác. Các con nợ bao vây, nằm kêu la, lăn lóc khắp nhà bà Liễu suốt 2 năm, thậm chí bà còn bị “xã hội đen” dọa giết.

{keywords}

Để đòi được khoản nợ 5,5 tỷ đồng, bà Liễu đã vạ vật 10 ngày trước cổng nhà bà Hạnh, tới khi không còn hơi sức kêu la đòi tiền thì mở loa tụng kinh.

Trấn ngữ mặt bằng kinh doanh

Công ty CP thương mại Điện máy Việt Long (gọi tắt là công ty Điện máy Việt Long) mới đây cũng bị một ngân hàng siết nợ kho hàng.Trong năm 2013, công ty Điện máy Việt Long gặp nhiều khó khăn do tiêu thụ hàng chậm.Nhiều nhà cung cấp không bán hàng trả chậm nữa mà yêu cầu phải thanh toán ngay. Giữa năm 2013, Việt Long đã phải đóng cửa siêu thị điện máy lớn tại Hà Đông.

{keywords}

Việt Long cũng nợ tiền ngân hàng nhưng không thanh toán được. Trong năm 2013, siêu thị điện máy Việt Long tại Hà Đông từng bị đào đường trước mặt để buộc phải chuyển đi, trả lại mặt bằng bên cho thuê.

Giới kinh doanh điện máy cũng cho biết, một doanh nghiệp điện máy có 3 siêu thị lớn tại Hà Nội, thời gian qua phá giá liên tục và thua lỗ nặng nề, không thể trả nợ vay, cũng bị một ngân hàng siết nợ. Sau khi siết nợ song, ngân hàng này thế chỗ, kinh doanh bán lẻ điện máy luôn.

Dựng lều, cắm chốt canh chừng

Để canh trừng con nợ, nhiều chủ nợ đã cho nhân viên xuống tận nơi dựng lều, mắc võng, quyết đòi khoản tiền nợ. Chiêu đòi nợ này xảy ra tại khu công nghiệp Quất Động, thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km.

{keywords}

Dừng lều canh trừng con nợ

Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và sản xuất thương mại Âu Mỹ trước kia có hợp tác, vay vốn của nhiều ngân hàng khác nhau. Khi công ty không còn khả năng chi trả, một số ngân hàng đã kéo đến nhà máy canh giữ số hàng hóa còn lại nằm trong kho của công ty.

Những ngân hàng nào đang là chủ nợ đều cắt cử nhân viên dựng lều, mắc võng, cắt cử trực 24/24 để giám sát con nợ và để canh chừng lẫn nhau.

Đòi nợ kiểu... ăn trộm

Nếu nói đến chuyện đi siết nợ phải canh chừng cả các chủ nợ, thì năm 2013 có nhiều cảnh cười ra nước mắt.

Ngày 9/5, lực lượng gồm 4 xe tải có cầu và 15 người tự xưng đại diện cho các Ngân hàng MB và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã vào kho hàng của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Inox Thành Trung (tại tổ 16, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội) lấy đi 40 cuộn inox, vốn là hàng hóa bảo đảm thế chấp vay vốn của Công ty Thành Trung tại Ngân hàng SeABank.

{keywords}
Lập bàn thờ để đòi nợ

Không chỉ có vậy, bảo vệ của Ngân hàng VIB còn dán đè niêm phong của đơn vị này lên tem niêm phong của 16 cuộn inox còn lại trong kho, vốn đã được công ty bảo vệ mà SeABank thuê trông giữ từ rất lâu.

Cũng trong năm qua, dư âm vụ 7 ngân hàng lớn siết nợ một doanh nghiệp tại Bình Dương đến nay vẫn còn. Sự việc xảy ra trưa 6/6/2013, tại Công ty TNHH Trường Ngân (thị xã Dĩ An, Bình Dương), chuyên xuất khẩu cà phê nguyên liệu. Công ty này vay vốn của 7 ngân hàng lớn (gồm Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank) thế chấp bằng tài sản và cà phê tại kho của công ty.

Trưa 6/6, hàng chục người của ngân hàng MB tới Công ty TNHH Trường Ngân (thị xã Dĩ An, Bình Dương) để xiết 615 tấn cà phê mà công ty này dùng làm tài sản đảm bảo để vay vốn. Khi ngân hàng MB cho người chuyển cà phê đi thì các ngân hàng còn lại (trừ Agribank) đã đến ngăn chặn, vì cho rằng đây là tài sản mà Công ty Trường Ngân đã thế chấp vay vốn của họ. Vụ việc tranh giành tài sản đảm bảo của các ngân hàng đã phải để cho tòa án xử.

Rình bắt ô tô

Trong khi tài sản đảm bảo là bất động sản đang bị nhiều ngân hàng “chê”, thì loại tài sản là ô tô lại có giá. Lý do là vì ô tô có tính thanh khoản cao hơn, trong khi bất động sản đang bán chẳng ai mua, hoặc có mua thì giá lại phải cực rẻ.

Chính vì thế, ngân hàng “thích” tăng siết nợ bằng xe ô tô. Đơn cử một vụ siết nợ cỡ nhỏ, nhưng đã khiến khổ chủ bị bất ngờ và ngỡ bị mất cắp.

Sự việc xảy ra ngày 24/4/2013 khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại phường Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.

Không kể đến những kiểu đòi nợ kiểu xã hội đen, những cách đòi nợ trên cũng đủ khiến các con nợ hoảng hồn, nhưng cũng khiến chủ nợ mệt mỏi. Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hoạt động vẫn xảy ra, thì cảnh siết nợ vẫn còn tái diễn.

Theo một số luật sư, siết nợ là cần thiết, nhưng chủ nợ cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, nhất là trong cách thức đòi nợ. Nếu “siết” quá đà thì không chừng lại phạm luật, “tiền mất, tật mang”. Trong một số trường hợp, việc siết nợ quá đà còn ảnh hưởng tới hệ thống tài chính quốc gia, trật tự xã hội...

(Theo VnMedia)