- Nhiều doanh nhân Việt đang trở thành ông chủ lớn ở xứ ngoại khi khai phá tiềm năng kinh tế ở nhiều vùng đất hứa, từ châu Phi đến châu Mỹ, hay cận kề nhất là Lào, Campuchia.

Nhìn xa trông rộng

Khai xuân Giáp Ngọ, ông Nguyễn Văn Thiện - một đại gia lớn trong lĩnh vực xây dựng bận tối mắt tối mũi với kế hoạch đầu tư “khủng” ở tận... Cameroon. Chính quyền đất nước được coi là châu Phi thu nhỏ này vừa chấp thuận cho ông triển khai 2 dự án lớn, một là nhà máy thủy điện công suất 2.000 MW và hai là nhà máy xi măng công suất 5 triệu tấn.

Ông chủ tịch HĐTV công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đánh giá, Cameroon là nước được xếp hạng thứ hai về tiềm năng phát triển thủy điện ở châu Phi, chỉ sau Congo DRC. Thế nhưng, hệ thống điện lực quốc gia của Cameroon mới chỉ đáp ứng được khoảng 16% tổng nhu cầu điện. Ngay trong quý I, ông sẽ đưa chuyên gia, cán bộ công nhân sang thực hiện dự án.

{keywords}

Dự án mía đường của bầu Đức tại Lào

Một nhân vật khác vốn đã nổi như cồn trên truyền thông là ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng đang tất tưởi với việc xin tăng vốn đầu tư cho đại dự án tổ hợp trung tâm thương mại ở Myanmar, từ mức 300 triệu USD lên mức 440 triệu USD. Ở đất nước đang chuyển mình này, trung tâm thương mại của bầu Đức được kỳ vọng sẽ tạo dấu ấn cũng mạnh mẽ giống như hàng chục năm trước đây, các nhà đầu tư của Pháp, Mỹ đến xây dựng khách sạn 5 sao tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực mía đường tại Lào, khi bầu Đức còn khốn khó thì công ty đường Bình Định lại hoan hỉ với thương vụ xuất khẩu thẳng 60-70 ngàn tấn đường sang châu Âu thành công. Nhờ đó mà đại gia này khỏi lo đụng chạm với đường nội địa ở Việt Nam như bầu Đức.

Cách đây 4 tháng, Vinamilk nhập khẩu lô sản phẩm sữa tươi đầu tiên của mình nhưng sản xuất ở New Zealand. Doanh nghiệp do bà Mai Kiều Liên - một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á theo Forbes bình chọn - đứng đầu này cũng đã bước chân sang Campuchia, sang cả Mỹ và hiện, đều có lãi. Một vị chuyên gia đầu tư nhận định, Campuchia là thị trường cần sữa, Hoa Kỳ cần đa dạng sản phẩm, còn New Zealand lại nơi cung ứng nguyên liệu chế biến sữa lớn nhất thế giới cho nên những quyết định đầu tư của bà Liên đều rất hứa hẹn.

Trước nữa, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra, SSI đã mua hẳn 3 tầng ở một tòa cao ốc ở Mỹ với giá 17 triệu USD, sau đó, cho chính cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam thuê. Một đại gia khác giấu tên đã bỏ 70 triệu USD mua một tổ hợp trung tâm thương mại ngay tại thung lũng Silicon, rộng 27 mẫu với các siêu thị, nhà hàng, rạp chiếu phim. Khi nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn thì đương nhiên, những đại gia Việt đón đầu này sẽ “phát lộc” lớn.

Thành công nhiều, thất bại cũng không ít

Phải nói rằng, thị trường trong nước 90 triệu dân là quá bé. Thị trường 6 tỷ dân ở bên ngoài mới là điểm đến hấp dẫn, đầy tiềm năng, thỏa mãn khát vọng sáng tạo và kinh doanh của giới doanh nhân Việt Nam. Tầm vóc và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng vươn xa.

Hơn 20 năm trước, dấu ấn của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài chỉ mới là vài hoạt động mang tính giao lưu thương mại với với Nhật Bản.

{keywords}

Thương hiệu viễn thông của Viettel tại Lào

Nhưng khi hệ thống pháp lý được ban hành, hoàn thiện dần như Nghị định 22, Luật Đầu tư 2005 và đặc biệt là Nghị định 78 hướng dẫn dầu tư ra nước ngoài ra đời thì lĩnh vực này có sự đột phá đặc biệt.

Nếu như giai đoạn 1999-2005, chỉ có hơn 100 dự án với tổng vốn khoảng 600 triệu USD của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thì 5 năm trở lại đây, con số trên đã các nâng lên là 850 dự án với tổng vốn lên tới 18,1 tỷ USD; riêng năm 2013 đạt mức kỷ lục với số vốn là 4,4 tỷ USD.

Các đại gia Việt đặt chân không phải chỉ ở những nước đang phát triển, nước nghèo như Lào, Campuchia, một số quốc gia châu Phi mà còn đầu tư ở nhiều nước mạnh khác như Mỹ, Đức, Nga... Đến nay, nếu tính theo số lượng dự án thì cường quốc Hoa Kỳ đã trở thành địa điểm đầu tư lớn thứ ba của doanh nghiệp Việt, với 110 dự án. Nếu tính theo vốn, Liên bang Nga đứng thứ 3 với hơn 2,4 tỷ USD, sau Lào và Campuchia.

Thành công thì chưa thể đo đếm ngay được, nhưng rõ ràng, về dài hạn, các dự án đầu tư ra nước ngoài cũng đang làm lợi cho Việt Nam khá nhiều. Chẳng hạn như gần chục dự án thủy điện của Việt Nam, các dự án của Sông Đà ở nước ngoài thì tới 90% sử dụng vật liệu xây dựng từ Việt Nam, như xi măng, sắt thép. Hay như ở các dự án Viettel, dự án 300 triệu USD đầu tư sang các nước thì có tới 100 triệu USD đã là giá trị hàng hóa máy móc thiết bị Việt Nam xuất khẩu sang.

Tuy nhiên, một vị chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực đầu tư nói, thất bại của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài không ít. Nhiều dự án mới chỉ là ý tưởng. Ví dụ như ở Mozambique, sau nhiều năm nghiên cứu việc đầu tư cao su, tuy tiềm năng nhưng khó thực hiện vì không thuê được lao động ổn định, đảm bảo tác phong công nghiệp. Một số lĩnh vực mà các nước châu Phi cần như sản phẩm công nghiệp, sản phẩm xây dựng nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khó về vốn, công nghệ. Dự án thành hay bại còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng của nước sở tại.

Cho nên, các đại gia khi muốn vươn ra ngoài, phải biết chọn quốc gia, chọn lĩnh vực đầu tư đúng với thế mạnh, đặc thù của mình. Thêm vào đó, cần phải nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách pháp lý nước sở tại, đặc biệt là các cam kết đa phương, song phương trong hội nhập của nước ngày, hoặc các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký với nước đó, vị chuyên gia này khuyến cáo.

Các doanh nghiệp Việt đang ngày càng trưởng thành hơn khi vươn ra thị trường quốc tế. Với đà này, tại sao không khi chúng ta có thể tin rằng, doanh nghiệp Việt đang dần có thương hiệu và tầm ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.

Phạm Huyền