Thích "xài" thực phẩm ngoại, là tâm lý phổ biến một bộ phận người tiêu dùng, tự tạo cho mình lối sống và hưởng thụ "trội" hơn người khác. Thực chất, một bộ phận có điều kiện kinh tế thật, còn lại là thể hiện tâm lý "sính ngoại" theo trào lưu, theo kiểu thích thể hiện đẳng cấp "dị hợm", khác người.

Lúc nào họ cũng tìm mua hoặc nói chuyện đồ ăn nhập khẩu của Nhật, Đức, Nga, Mỹ, Pháp… Câu cửa miệng là "xài" hàng "bển" nào - tức dùng thực phẩm nhập khẩu của nước nào ở châu Âu. Vì sao người ta thích "xài" thực phẩm ngoại? Hãy chứng kiến cái "sở thích" khác người của họ để… thấy mà kinh!

"Đẳng cấp" sính ngoại

Chị Hương, một người đã trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp từ khi sinh ra đến năm 25 tuổi. Theo chị, cái thời thiếu thốn ấy cần được "trả thù" bằng việc, bây giờ "xài" toàn thực phẩm ngoại. Theo chân chị đi siêu thị mua đồ. Quả thật, tôi hoa mắt, chóng mặt. Đi thẳng vào gian hàng nhập ngoại, chị nhặt hàng rất nhanh. Đó là những loại thực phẩm quen thuộc như thịt gà, thịt bò, cá, tôm, đậu phụ, rau, củ cải; trái cây, đồ uống... Trong khoảng 15 phút, chị Hương đã nhặt đầy hai giỏ to những loại thực phẩm là đồ ăn trong 1 tuần của gia đình. "List" (danh mục trong hoá đơn) thanh toán tiền lên tới gần 9 triệu đồng. Tôi choáng vì cái tay nhặt đồ rất nhanh, rất nghề, như thể nhặt là được của chị Hương. Số tiền mua thực phẩm cho một tuần ăn của gia đình chỉ có 4 người + osin, mà lên tới 8 - 9 triệu đồng.

{keywords} 

Vừa xếp thực phẩm vào tủ bảo quản, chị Hương vừa giải thích: Cá hồi Việt Nam chỉ là giải pháp tình thế khi cá hồi Nhật hết. Ăn trứng cá hồi thì phải là của Nga mới là đẳng cấp. Rồi thì, đậu này nhập từ Nhật, ăn có vị lạ dù không ngon mà đắt hơn đậu phụ truyền thống của cha ông sản xuất thủ công. Đắt gấp bao nhiêu lần ? tôi hỏi. Đắt gấp 60 lần, tức 1kg đậu phụ Nhật "đánh chết" 60 kg đậu phụ của Việt Nam. Chị kể: Tất cả đồ ăn, thức uống dùng trong gia đình đều là hàng nhập ở "bển". Bia Chimay đỏ, bia Tiệp chai nhỏ... chị mua hàng két, để trong tủ bảo quản để chồng uống dần và tiếp khách. "Mỗi chai chỉ trên dưới 100.000 đồng thôi mà" - chị nói 100.000 đồng mà đơn giản như 1.000 đồng vậy.

Vào trang web sieuthi.com, muaban.com... chúng ta sẽ được hướng dẫn mua hàng xách tay với những lời giới thiệu "bán hàng như dọa" rằng: Váng sữa Yido 125g (Nga) là 105.000 đồng/hộp, sữa ong chúa (Nga) 900.000 đồng/hộp; thịt lợn, bò, gà, cừu... nhập khẩu từ Australia, New Zealand... hàng xách tay, số lượng giới hạn từ 3 - 4 gói hoặc kg. Đây nữa, củ cải, sợi củ từ nâu, đậu phụ Tofu đóng gói có nguồn gốc từ Nhật Bản; mì tươi udon của Hàn Quốc/hàng xách tay/số lượng ít, giá...

Chị Nhung là một công chức, theo đánh giá của nhiều đồng nghiệp, kinh tế gia đình chị thuộc dạng thường thường bậc trung. Thế nhưng, cứ hễ nói đến mua đồ ăn là chị hỏi ngay, đó là hàng nhập của nước nào? Chị nói về thực phẩm ngoại rành rọt và hiểu biết như nhân viên bán hàng nhập khẩu vậy. Chị Nhung giới thiệu cho mọi người rất nhiều địa chỉ mua thực phẩm xách tay. Theo chị Nhung, đó là những nơi lý tưởng để dùng hàng ngoại. Theo chân chị, chúng tôi rẽ vào chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), đi qua mấy cái ngõ, đến một nhà, bấm chuông. Người trong nhà đem một gói, đựng trong túi đen đưa cho chị, chị trả tiền rồi về. Mọi giao dịch đều qua điện thoại, đến chỉ là để lấy hàng và trả tiền. Tôi mở gói đồ của chị ra, đúng là "hàng xách tay", chẳng có nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, hạn sử dụng và các thông số về chất lượng thực phẩm. Tất cả chỉ là thực phẩm để trong một cái hộp nhựa, màu trắng... nhìn mắt thường thì có cảm giác, sạch sẽ... Vậy thôi.

Chị Nhung cho biết, đó là thịt lợn Úc, đắt hơn thịt lợn "made in Việt Nam" đến vài chục nghìn/kg. Tôi hỏi: Chế biến lên, ăn có ngon hơn thịt lợn Việt Nam không? Chị Nhung nói: Vị nó vẫn vậy. Sao lại không mua thịt lợn trong nước? Chị Nhung phân trần: Thịt Úc - tức thực phẩm nước ngoài, chắc chắn an toàn hơn trong nước. Đắt còn hơn không an toàn, vì niềm tin vào cái sự sính ngoại - chị Nhung thừa nhận.

Trái cây cũng có hàng xách tay...

{keywords}

Hàng trái cây cũng giống như thực phẩm, chủ hàng không quảng bá hình ảnh để bán hàng. Ai biết thì mua, giới thiệu cho bạn bè đến mua. Theo địa chỉ được hướng dẫn, chúng tôi tìm đến nơi: Đó là một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ ở trên đường Lò Đúc. Chị Hoa - chủ hàng khẳng định: Các loại quả do gia đình chị bán, toàn là hàng "xách tay" ở nước ngoài về, nên giá cũng rất mắc, còn chất lượng thì khỏi phải bàn. Cụ thể, Táo Fuji Úc 165.000 đồng/kg; quả cherry (anh đào) là 500.000 đồng/kg; nho đen không hạt (Úc) là 160.000 đồng/kg...

Bánh kẹo và socola có nhiều nguồn như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Pháp, Nga, Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Thế nhưng, thực chất đó có phải là hàng "xịn", hàng có nguồn gốc, hạn sử dụng hay không thì vẫn còn đặt dấu hỏi. Bởi, nhân danh "hàng xách tay" nên tất thảy đều ở dạng "trần truồng", được để trong những cái hộp hoặc cho vào túi bóng... không tem nhãn.

Sữa, váng sữa, bột ngũ cốc, cháo ăn liều, pho mat... là mặt hàng được quảng cáo hàng xách tay nhiều nhất. Người ta thành lập rất nhiều trang web khác nha...u, để giao bán sữa xách tay như thế này: "Sữa New Zealand Milk; Mỹ; Australia; PediaSure (của hãng Abbott); Meiji, Morinaga, Wakodo của Nhật; Hàn Quốc, Nga, Pháp, Đức, Italia... Chào cả nhà, em xin mở thêm 1 gian hàng bán sữa Úc giá hữu nghị phục vụ cho các Mẹ trong Xài Gòn có nhu cầu đây ạ. Em có những mặt hàng sau...Chao cac Me, shop Oh!Baby chuyên cung câp sưa SIMILAC (Abbott) cac loai như sau..."

Tất cả những hàng thực phẩm xách tay, sữa, các loại thức ăn cho trẻ em... đều không được kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm, dù rằng người mua phải mua với giá đắt hơn hàng nhập chính ngạch vì cái gọi là "xách tay" nên có ít. Thực tế, thực phẩm ngoại nhập chính ngạch cũng phát hiện rất nhiều lô hàng không đạt chất lượng, dù đã được kiểm tra. Vậy, hàng "xách tay" chưa qua kiểm tra thì thế nào? Chất lượng ra sao? Chắc chắn người dùng nó không tránh khỏi việc bỏ nhiều tiền mà lại mua hàng kém chất lượng.

Cơ quan chức năng "bó tay"?

Trong thời gian vừa qua, những thông tin như: Đoàn thanh tra liên ngành thực phẩm TP. Hà Nội phát hiện tại một số siêu thị có rất nhiều thực phẩm ngoại bày bán mà không có nguồn gốc, hạn sử dụng như: củ cải, sợi củ từ nâu, đậu phụ, mì tươi. Rồi thì chân gà, thịt bò - nhập từ Úc, từ châu Âu về hết date; chân giò lợn nhập khẩu bị bốc mùi… liên tiếp bị phát hiện ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với số lượng lớn. Người tiêu dùng có được biết, nhưng người tiêu dùng "nhà giàu" vẫn tìm thực phẩm ngoại, đồ ngoại để "xài" lại là chuyện khác. Hình như, đó là thú sinh hoạt của họ. Còn cơ quan chức năng thì "bó tay" ở nhiều khía cạnh, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Trên thực tế, việc kiểm soát nhập khẩu thực phẩm thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Thế nhưng, trên thực tế tại diễn đàn Quốc hội những kỳ trước đã từng nóng lên, khi các đại biểu đưa chuyện mâm cơm lên bàn nghị sự nhưng vẫn không thấy cơ quan chức năng nào dám chịu trách nhiệm chính về bữa ăn sạch của người dân. Và, câu nói "người tiêu dùng hãy trở thành người tiêu dùng thông thái" của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bỗng trở nên rất có tác dụng trong khi chưa có cơ quan quản lý và giám sát nào dám đứng mũi chịu sào.

Người tiêu dùng bình thường thì như vậy, còn người tiêu dùng "nhà giàu", họ tìm thực phẩm ngoại để "xài", bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng chuyên môn, phải chăng, họ sẽ tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình? Chuyện tiền mất, bệnh mang có lẽ là điều không tránh khỏi. Cái giá họ phải trả cho cái gọi là xài sang, sính thực phẩm ngoại đôi khi rất đắt. Song, chắc chắn, nhiều nhà giàu ngoài mang bệnh, còn phải ngậm đắng, nuốt cay, sợ thiên hạ cười vào mũi bởi thói "trưởng giả học làm sang" không phù hợp với thời cuộc.

Theo GiadinhNet