Cuối ngày, mấy sàng rau của chị Giỏi đã gần như hết sạch, chỉ còn lại vài cây rau sống với mấy mớ rau. Như thế là một ngày đắt hàng, nhưng vẻ mặt chị Giỏi cứ ngẩn ra như người mất hồn. Hỏi chuyện, chị nói gần như khóc vì mới bị khách mua rau lừa mất cả triệu bạc.
Mất cảnh giác vì “nhà ngay đây thôi”
Chị Giỏi kể, lúc buổi có khách mua rau, mua cũng nhiều, hết gần trăm nghìn rồi bảo chị Giỏi đưa cho mượn một triệu ra kia mua mấy đồ nhưng quên không mang tiền theo. Hắn chỉ vào ngôi nhà gần đó nói nhà là nhà mình, số nhà bao nhiêu, lát chị cứ ra đấy bấm chuông gọi cửa, mang rau tới rồi hắn trả cả tiền rau lẫn tiền vay luôn.
Thấy nhà gần, cũng hay có người ra vào, vẻ mặt người khách mua có vẻ đáng tin, chị Giỏi đã không ngần ngại đưa cho vị khách “sộp” này mượn một triệu đồng. Thế rồi vị khách ấy đi mãi chẳng thấy quay lại. Tới ngôi nhà kia gọi cửa thì người trong nhà nói không có ai như thế, chị Giỏi ngẩn ra biết mình bị lừa.
Số tiền một triệu không phải quá lớn, nhưng với một người lao động từ tỉnh lẻ lên thành phố kiếm lời từng đồng từ mấy cái rau thì đấy cũng là một khoản tiền không nhỏ. Mất một triệu, chị Giỏi sẽ phải chi tiêu dè xẻn thêm chút nữa, bớt đi tấm bánh đồng quà cho mấy đứa con ở quê.
Kiếm từng đồng lãi lời từ mấy mớ rau rất vất vả nhưng lại rất dễ bị lừa mất cả triệu bạc nếu không cảnh giác. |
Những người bán hàng cùng ngoài chợ vừa cảm thông nhưng cũng vừa trách chị Giỏi, sao giờ vẫn còn bị lừa bởi cái “bài” cũ rích như thế. Nhưng với người chưa từng nghe, chưa từng gặp tình huống ấy như chị Giỏi thì cũng khó tránh khỏi mất cảnh giác.
Chị Lỉnh, 55 tuổi, quê ở Song Mai, Kim Động, Hưng Yên kể, trước chị cũng từng bị khách mua rau lừa mất mấy trăm nghìn. Họ mua của chị cả trăm nghìn tiền rau rồi nói chị đưa cho mượn mấy trăm ra mua thịt cá gì đó vì quên không mang theo tiền.
Nhà ở ngay đây thôi, chị đi bộ theo sau xe một đoạn tới đó họ trả cả tiền rau lẫn tiền mượn. Chị Lỉnh đưa tiền cho mượn rồi đi bộ theo sau xe tới nhà lấy tiền. Gần tới ngôi nhà được chỉ thì cái xe máy phóng vọt đi, bỏ lại chị Lỉnh ở lại với mấy câu ới a chửi rủa kẻ lừa đảo với bài học kinh nghiệm đắt giá mất cả rau lẫn tiền.
Cẩn thận với khách “sộp”
Không ít những câu chuyện bị khách “sộp” mua hàng ngoài chợ lừa với những “chiêu” nhà ngay đây. Chúng cứ mua hẳn một vài trăm nghìn tiền rau củ rồi chỉ đại một ngôi nhà gần đó để lấy niềm tin “mượn” thêm tiền. Những người bán hầu như từ quê lên, thật thà, không nghi ngờ, rút số tiền bán hàng cả ngày trời ra cho mượn. Có tâm lý sợ không cho mượn, khách không mua nữa lại mất đi khách “sộp” nên nhiều người bán hàng bị lừa bởi những trò đơn giản ấy.
Không chỉ thế, còn có cả “bài” mua rau đổi tiền giả. Có khách mua vài chục nghìn tiền rau nhưng đưa trả tờ hai trăm, năm trăm. Nhiều người bán hàng không để ý rút tiền trả lại. Tới lúc bỏ tiền ra kiểm lại mới biết tiền giả ngậm ngùi coi như phí một ngày công. Nhưng cũng có những người lại vì tiếc tiền, tiếc công nên lại tìm cách đẩy tờ tiền giả ấy đi chỗ khác.
Chị Vũ Thị Hà, 42 tuổi, bán rau ở chợ Nguyễn Phúc Lai cho biết, nếu không phải khách quen, cứ ai đưa tờ năm trăm nghìn chị giả vờ không có tiền lẻ để cầm tiền đi đổi, nhưng là sang cửa hàng bên cạnh có máy soi tiền, tiền thật chị mới trả lại tiền thừa.
Hay như chị Hạnh, 47 tuổi, nhà ở Yên Bình, Yên Bái nói cứ thấy khách mua nhiều mà mua dễ không mặc cả là đã phải đề phòng rồi. Hôm trước có khách mua rồi mượn tiền nhưng chị cảnh giác không đưa rau, đưa tiền. Khách đó không mua nữa rồi xuống lùi phía dưới mua của chị Giỏi rồi lừa mất của chị Giỏi cả triệu bạc khiến chị Hạnh cũng cảm thấy hơi áy náy.
Thường trong vai khách “sộp”, những kẻ lừa đảo không mấy khó khăn để lừa mất vài trăm hay cả triệu của những người bán hàng nhỏ ngoài chợ. Những “chiêu” lừa tuy không mới nhưng những người lao động từ quê lên thành phố kiếm sống cũng luôn phải cẩn thận, đề phòng, đừng ham lợi nhỏ mà bị lừa mất số tiền lớn.
(Theo Lao Động)