Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc lại tranh thủ săn mua lá khoai lang cũng như cây huyết đằng tại các tỉnh.

Săn mua cây huyết đằng

Người dân các xã thuộc huyện Đăk Glei (Kon Tum) rầm rộ vào rừng lùng tìm cây huyết đằng đem bán cho thương lái Trung Quốc khiến cho cây thuốc này đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt.

Theo chân anh Trần Văn Việt, một người dân địa phương thị sát một số điểm thu mua huyết đằng ở thị trấn Đăk Glei, đâu đâu chúng tôi cũng thấy hàng đống huyết đằng chất ngất đã được chặt ngắn, phơi khô, chờ để xuất bán cho thương lái Trung Quốc…

{keywords}
Cây huyết đằng được cắt lát phơi khô chờ bán cho thương lái.

Cây huyết đằng theo cách gọi của người dân địa phương là cây máu chó, hoặc có tên khác là hồng đằng, dây máu. Huyết đằng có tên khoa học là Sargentodoxa cuneata, thuộc họ Sargentodoxaceae. Theo y học cổ truyền, huyết đằng thường được dùng trị đau ruột, đau bụng, phong thấp đau nhức…

Anh Việt cho biết trước đây thương lái thu mua với giá 1.600 đồng/kg nhưng mấy ngày trở lại đây giá chỉ còn 1.000-1.200 đồng/kg do có quá nhiều người chặt về bán. Một ngày đi rừng, mỗi người có thể được tìm được 150-200kg dây huyết đằng tươi, thu nhập khoảng 200-300 nghìn đồng…

Loan Hồng là điểm thu mua lớn nhất tại địa bàn huyện Đăk Glei. Bà Loan-chủ cơ sở thu mua cho biết: Bà đã ký hợp đồng bán cho Công ty Đông Phong của Trung Quốc 500 tấn thân cây huyết đằng cắt lát phơi khô nhưng hiện tại mới chỉ giao được 60 tấn. “Tôi đã trực tiếp sang xưởng chế biến bên Trung Quốc để nhập hàng, cũng có tò mò xem họ chế biến như thế nào nhưng chỉ thấy họ đổ hết trong hồ chứa để ngâm.

Hỏi thêm các công đoạn sau thì họ bảo “đừng có hỏi nhiều”. Bà Loan cũng có biết thêm ngoài cây huyết đằng, cơ sở còn thu mua cả cây vàng đắng với giá 2.000 đồng/kg. Cây vàng đắng còn có tên hoàng đắng, tên khoa học Coscinium fenestratum. Đây là loại cây dây leo to, gỗ có màu vàng. Theo y học đây là nguồn nguyên liệu chiết xuất berberin. Thường dùng chữa ỉa chảy, lỵ trực khuẩn, viêm ruột, vàng da, sốt, sốt rét, kém tiêu hóa… Loại cây này trước đây cũng từng bị săn lùng ráo riết tại huyện K’bang (Gia Lai).

Ngày 20.2, phóng viên NTNN đã gặp ông Nguyễn Văn Hải- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei để tìm hiểu công tác quản lý việc khai thác loại cây này. Ông Hải cho biết: Cây huyết đằng là những loại lâm sản phụ được phép khai thác tận thu. Tuy nhiên các hộ dân muốn được khai thác phải xin ý kiến của chính quyền địa phương.

Hạt Kiểm lâm chỉ nghiêm cấm người dân không được chặt hạ cây gỗ để lấy các loại cây trên; đồng thời vận động họ khi tiến hành khai thác không làm ảnh hưởng đến gỗ rừng và các loại cây khác…

Lại mua lá khoai lang

Ngày 20/2, ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thanh Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân) cho biết: Liên tục mấy ngày qua, nhiều thương lái Trung Quốc đã đến HTX đặt điều kiện hợp đồng thu mua lá khoai lang với số lượng không giới hạn.

Theo đó, họ đặt vấn đề mua lá khoai lang phải non với giá 10.000 đồng/kg và đưa tiền cọc trước 20 triệu đồng. Mỗi ngày HTX sẽ cung cấp 20 tấn trở lên…Tuy nhiên, sau khi xem xét, hỏi địa chỉ của những người Trung Quốc này nói ở TP Hồ Chí Minh nhưng không có địa chỉ cụ thể và bà con nông dân mới xuống giống khoai nên HTX từ chối.

{keywords}
Nông dân Vĩnh Long chăm sóc khoai lang

Theo ông Trung, nếu bán lá khoai lang với giá gần tương đương củ thấy lợi trước mắt nhưng sẽ thiệt hại rất lớn vì cắt lá khoai sẽ không có củ.

Trước đó, gần Tết Nguyên Đán, có nhiều đoàn người Trung Quốc đến HTX này thu mua đậu bắp xanh với giá cao 13.000 đồng/kg (giá thường 8-9.000 đồng/kg) nhưng tất cả đều không có hợp đồng, chỉ là hợp đồng miệng nên lãnh đạo HTX cũng đã từ chối.

Ông Trung đã khuyến cáo bà con nông dân không vì lợi ích trước mắt mà bán lá khoai lang cho Trung Quốc sẽ bị thiệt hại về lâu dài.

Trước đây thương lái Trung Quốc đã từng đổ xô mua lá điều, lá lục bình, ốc bươu vàng… sau đó lại ngưng mua khiến nông dân khốn đốn.

(Theo Dân việt/Dân trí)