Dịch vụ làm sạch, làm mới, sửa chữa cho các loại hàng hiệu đang phát triển rầm rộ. Tuy nhiên, đi kèm với nó là sự hoang mang của khách hàng khi đứng giữa ma trận về số lượng, chất lượng cũng như sự chênh lệch giá cả giữa các cửa hàng với nhau.
“Nguyên liệu làm sạch, xi màu chuyên dụng, xi dưỡng bóng... đều được nhập khẩu 100%. Công nghệ và kỹ thuật viên được chính tập đoàn của Italy hỗ trợ đào tạo”, “Đảm bảo các túi làm mới xong có thể mới lên đên 70% so với ban đầu (tùy vào từng chất liệu) mọi người sẽ rất ưng ý đáng đồng tiền bát gạo mình bỏ ra”,... đó là một vài lời giới thiệu rất bùi tai về gói dịch vụ làm mới, làm sạch đồ hiệu.
Có thể thấy, thời tiết Việt Nam nóng ẩm nên đồ hiệu bằng da dễ bị mốc, hỏng; túi xách hay bị bẩn ở thân, bị sẫm màu ở quai, tay cầm…, sau một thời gian sử dụng, đồ hiệu bị bám bụi, cũ, hỏng hóc là điều khó tránh khỏi. Tất cả những “căn bệnh” này đều có cách để “cứu vãn”, “chữa trị”. Cách đó là tìm đến các dịch vụ nhận làm sạch, làm mới đồ hiệu để nhờ can thiệp giúp món đồ hiệu nhàu cũ trở nên bóng bẩy, đẹp đẽ hơn.
Có thể thấy, đây là một dịch vụ “ăn theo” sự phát triển của đồ hiệu cũng như mức độ thịnh hành ngày càng cao của đồ hiệu tại nước ta. Do bắt kịp xu hướng, đánh đúng tâm lý và nhu cầu của các tín đồ hàng hiệu nên dịch vụ này nhanh chóng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng đam mê thời trang.
Dịch vụ làm sạch làm mới đồ hiệu ra đời phát triển theo đúng nhu cầu của thị trường. Ảnh minh họa |
Mai Anh (Ba Đình, Hà Nội), một người rất sành đồ hiệu chia sẻ rằng nhiều hãng hàng hiệu đã có cửa hàng tại Việt Nam, để chắc chắn, khách có thể mang đồ đến đó để đề nghị được làm sạch, làm mới. Tuy nhiên, mức phí của các hãng khá cao, thời gian chờ đợi lâu do phải chuyển hàng tới nước khác bảo dưỡng. Thông thường, hãng phải mất 3 – 5 tuần để spa xong cho 1 chiếc túi trong khi đó, nếu nhờ đến các dịch vụ bên ngoài và chỉ muốn làm sạch túi đơn thuần thì trong vòng 3 - 5 ngày là khách đã có thể nhận lại được túi, còn những túi phải thay sửa hoặc nhuộm thì cao nhất tầm 15 ngày là xong. Chờ đợi, giá thành cao, đó là lý do khiến nhiều khách hàng chọn việc sử dụng dịch vụ spa ngoài chứ không làm spa tại hãng bất chấp nguy cơ món đồ có thể bị mất giá trị do được bảo dưỡng không đúng cách.
Theo khảo sát của PV, quá trình spa hàng hiệu của mỗi cửa hàng có dịch vụ này được quảng cáo khác nhau, hàng thì nhấn mạnh đến việc làm sạch, phục hồi, hàng là chống gỉ mốc, hàng là đánh bóng da, hàng là nhuộm lại màu… Tùy từng tình trạng của món đồ giá cả sẽ có sự chênh lệch. Tuy nhiên, phí làm sạch túi xách dao động từ 200.000 - 1.000.000 đồng; giầy dép đánh xi làm mới giá 1.000.000 - 130.000 đồng; ví, thắt lưng đánh xi làm mới giá 100.000 – 400.000 đồng…. Để thu hút khách, một số cửa hàng còn chấp nhận tới tận nơi khách ở để lấy hàng và đem trả tận nhà cho những khách trong phạm vi bán kính 2 km. Với những khách ở xa, khách sẽ chịu chi phí giao hàng.
Chỉ nên làm sạch, làm mới đồ hiệu thông qua hãng hoặc các địa chỉ uy tín. Ảnh minh họa |
Chị Diệp, chủ cửa hàng đồ hiệu cũ Diệp Linh San cho biết, bán đồ hiệu được 2 năm thì chị nhận thấy nhu cầu spa bảo dưỡng cho hàng hiệu của khách rất lớn. Đó là lý do sau đấy chị mở thêm luôn dịch vụ này. Các dịch vụ cửa hàng cung cấp như làm sạch đơn thuần, mạ lại lớp mạ, sửa chữa những chi tiết không liên quan đến da, sửa vết rách, hỏng hoặc nhuộm lại màu. Mức giá dao động từ 150.000 – 250.000 đồng cho làm sạch túi đơn thuần, nếu mạ lại bằng vàng 10k giá từ 600.000 - 700.000 đồng, còn nhuộm túi thì tầm từ 1 – 5 triệu, thay sửa chi tiết thì tùy từng loại túi sẽ có báo giá khác nhau. Các chi tiết để thay thế thường được lấy từ những chiếc túi auth cũ hỏng mà trước đó cửa hàng đã mua được với giá rất rẻ.
Việc đem đồ hiệu đi làm sạch, làm mới là nhu cầu rất chính đáng, tuy nhiên, giữa “ma trận” giá cả, chất lượng của hàng loạt các cửa hàng kinh doanh dịch vụ này thì việc tinh tế khi lựa chọn cửa hàng để “chọn mặt gửi vàng”, cẩn thận khi giao dịch là yếu tố rất quan trọng. Bởi thực tế, đã có không ít trường hợp đem túi, giày đi spa rồi bỗng nhiên bị thất lạc hoặc bị trả lại sản phẩm “chẳng phải của mình”. Đen đủi hơn, nếu làm spa ở những nơi thiếu uy tín, món hàng hiệu được làm sạch, làm mới với keo, xi, khóa, sơn kém chất lượng thì giá trị thật của sản phẩm cũng sẽ “đi tong” kèm theo nỗi bức xúc khó nói thành lời của chủ nhân.
“Khi đem đồ đi spa, mọi người nên yêu cầu chủ cửa hàng viết giấy bảo đảm, chụp lại ảnh mọi ngóc ngách món đồ thật kỹ càng để tránh trường hợp bị tráo đồ. Tốt nhất, chỉ nên làm spa hàng hiệu ở hãng hoặc những địa chỉ uy tín mà mình tin tưởng”, Mai Anh mách nước.
(Theo VietQ)