Một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã khiến không ít người giật mình.

Đó là, tỷ lệ thành công khi thuê “xã hội đen” thu hồi nợ cao đến 90% và thời gian chỉ từ 15 đến 30 ngày, trong khi đó nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa và cơ quan thi hành án, thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới... 400 ngày.

Kết quả khảo sát trên được ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI đưa ra tại cuộc hội thảo “Luật Thi hành án dân sự - Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Bộ Tư pháp và VCCI tổ chức tại Hà Nội sáng 26/2.

Theo ông Đức, khi sử dụng phương án khởi kiện tại tòa án và cơ quan thi hành án, chủ nợ phải bỏ ra khoản chi phí bằng 20 - 30% khoản nợ, nhưng chưa kể tiền lót tay và các khoản chi phí không chính thức khác.

Còn nếu sử dụng “xã hội đen”, chi phí bỏ ra khoảng chiếm 40 - 70% khoản nợ, và không có chi phí phụ nào.

Còn với một phương án thu nợ khác là thuê các dịch vụ thu nợ hợp pháp, thì thời gian trung bình khoảng 60 - 90 ngày, tỷ lệ thành công 70 - 80%.

{keywords}

Một vụ đòi nợ bằng cách tạt sơn vào nhà để khủng bố tinh thần con nợ. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thắng kiện tại tòa án nhưng bản án thi hành mãi không được, họ lại phải nhờ “xã hội đen”.

Cũng chính VCCI khi làm cuộc khảo sát nhanh với câu hỏi về sự lựa chọn 1 trong 3 phương án thu hồi nợ trên, phương án khởi kiện ra tòa án và sử dụng cơ quan thi hành án chỉ thu được gần 30% lựa chọn.

Ông Nguyễn Minh Đức cũng phải giật mình khi ghi nhận được quá nhiều cái lắc đầu của doanh nghiệp khi làm khảo sát. Ông dẫn chứng: “Khi chúng tôi hỏi về thi hành án, ông Bùi Trường Sơn, Công ty Phục Hưng Holding đã thốt lên: “Lúc đầu tôi nghĩ có bản án của tòa là có thể đòi được tiền rồi, thế mà vẫn gặp khó khăn khi thi hành án, vậy bản án của tòa còn có giá trị gì nữa?”.

Một lãnh đạo doanh nghiệp xin giấu tên lắc đầu: “Ôi, thi hành án à? Thi hành án thì chán lắm!”.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội nói: “Tôi có 15 năm công tác trong cơ quan thi hành án nên tôi hiểu rất rõ, việc thi hành án kém hiệu quả khiến doanh nghiệp mất niềm tin, tình trạng tìm đến “xã hội đen” với chi phí lớn để bảo đảm quyền lợi không ít”.

Cũng theo luật sư Tiền, khi phải dùng đến con đường khởi kiện để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp đồng nghĩa với việc mâu thuẫn đã rất gay gắt, không thể ngồi lại với nhau. Đến giai đoạn thi hành án, vấn đề hòa giải gần như không được đặt ra bởi sự đối lập về lợi ích của các doanh nghiệp mang nặng tính thắng thua, danh dự.

Khi niềm tin với công tác thi hành án bị lung lay thì doanh nghiệp sẽ tìm đến các công cụ đòi nợ khác như dịch vụ thu hồi nợ hợp pháp hoặc “xã hội đen”. Nhiều trường hợp doanh nghiệp thắng kiện tại tòa án nhưng bản án thi hành mãi không được, họ lại phải nhờ “xã hội đen”...

Ông Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp cho rằng, một trong những nguyên nhân căn bản của chất lượng thi hành án còn kém hiệu quả là do hệ thống pháp luật còn thiếu chặt chẽ, nhiều chế tài mơ hồ, rườm rà. Còn ông Nguyễn Đức Thường, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội thì chỉ ra: “Khuyết điểm lớn nhất của Luật Thi hành án là nhiều thủ tục không có thời hạn xác định...”.

Ông Nguyễn Văn Luyện, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cũng cho rằng, việc vi phạm thời hạn luật định trong công tác thi hành án diễn ra rất phổ biến nhưng lại thiếu chế tài xử lý. Chính điều này đã làm cho không ít doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do thu hồi nợ chậm và phát sinh nhiều chi phí phụ.

Sự rườm rà trong Luật Thi hành án dân sự còn được các đại biểu dẫn chứng, với quy định tòa án ra các quyết định liên quan trực tiếp đến khởi động việc thi hành án, làm dừng và thay đổi nội dung bản án, quyết định của tòa án thì riêng tòa án phải ra 12 loại văn bản, trong đó có tới 17 quyết định về thi hành án dân sự.

Một quy định khác về thi hành án dân sự đang làm khó doanh nghiệp là việc bên được thi hành án phải xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nhất là việc xác minh tại các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tín dụng... và cung cấp cho cơ quan thi hành án. Đây là điều khó vì việc xác minh điều kiện thi hành án của một doanh nghiệp hiện nay là điều dường như không thể hoặc phải tốn rất nhiều chi phí “mua tin”.

Về việc này ông Lê Anh Tuấn cho biết, dự thảo hiện nay sửa đổi quy định nêu trên theo hướng người được thi hành án có quyền cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành nếu có mà không bắt buộc phải xác minh. Sau khi ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, người được thi hành án không phải chịu chi phí xác minh.

TS. Lê Đăng Doanh phát biểu: “Để công tác thi hành án được đảm bảo thì vấn đề bảo đảm thực thi của hợp đồng cũng như trách nhiệm của tòa án, nơi đưa ra các phán quyết phải thực sự công minh. Nếu như tư pháp không thể bảo đảm được việc xét xử minh bạch, công bằng thì hậu quả gây ra sẽ rất gay go”.

Nhiều ý kiến đồng tình với TS. Lê Đăng Doanh và cho rằng muốn thi hành án hiệu quả, thì tòa án phải dựa vào pháp luật để xét xử, nếu không thì không thể cải thiện được môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh...

Theo VnEconomy