Vào tù 4 lần, gia sản mất trắng, nợ như chúa chổm nhưng đại gia đất cảng một thời vẫn sôi sục ý chí làm giàu với những sáng kiến đầy táo bạo.
Đây là lần thứ hai tôi gặp Bùi Xuân Hải (Hải đồ cổ). Lần đầu vào năm 2002, khi ông bị Công an TP Hải Phòng bắt giam trong một vụ án vi phạm về quản lý đất đai và lãnh 14 tháng tù. Sau hơn 10 năm mới gặp lại, ông vẫn giữ được dáng vẻ nho nhã, lịch lãm ngày nào.
Thầy giáo nghèo đổi đời từ bình cổ
Câu chuyện đổi đời của ông bắt đầu từ chiếc bình cổ. Năm 1965, ông tốt nghiệp đại học, về dạy học ở Hưng Yên. Khoảng thời gian này, ông được 1 học trò tặng cho chiếc bình để cắm hoa. Hơn 5 năm sau đó, khi chuyển về Hải Phòng, ông vẫn đem theo chiếc bình trưng trong nhà làm kỷ niệm. Một hôm, có anh bạn từ Hà Nội đến chơi đã phát hiện chiếc bình này là bình bát tiên, thuộc loại tối cổ, đời Tống nên nằng nặc đòi mua với giá 2 cây vàng. Dù bán bình cổ mua được mấy ngôi nhà ở quê nhưng ông Hải không bán. Mấy hôm sau, anh bạn cùng vài người nữa quay lại ngã giá chiếc bình cổ 7 cây vàng. Với số tiền khổng lồ đó, ông Hải đã gật đầu.
Trong chốc lát, chiếc bình cổ biến ông giáo nghèo thành người giàu có. Từ đó, ông lao vào săn tìm, thu mua bình lọ và tất cả những thứ cũ kỹ khác. Thời bấy giờ, người dân chưa biết giá trị của đồ cũ nên có người hỏi mua là “bán tống bán tháo”. Nhờ vậy, ông Hải thu mua được khá nhiều, bán lại cho giới chơi đồ cổ, thu về khối gia sản kếch xù. Đến năm 1980, ông đã có trong tay khoảng 3 tấn vàng. Những toa tàu chở đồ cổ từ TP HCM ra Hà Nội, rồi đi các nước đem về cho ông không biết bao nhiêu vàng bạc, đô la. Đồ cổ chất ngập trong ngôi biệt thự ở 14 Phạm Bá Trực, TP Hải Phòng. Từ Bắc vào Nam, ông Hải có tổng cộng 200 điểm cất giữ đồ cổ. Cái tên Hải đồ cổ bắt đầu nổi danh khắp nước.
Ông Hải đồ cổ bên các tác phẩm đồ sứ dát vàng |
4 lần xộ khám
Vừa buôn đồ cổ vừa buôn đồ cũ từ nước ngoài về, ông Hải trở thành một đại gia của cả nước, sở hữu tài sản lên đến nhiều triệu USD. Thế nhưng, đại gia này cũng liên tục vướng vào vòng lao lý.
Năm 1981, mang theo 1,7 kg vàng, ông Hải vào huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mua đồng đen. Khi chủ nhà đưa ra cục đồng hun đen, công an ập vào thu sạch cả “đồng đen” lẫn vàng. Ông Hải phải ngồi trại 2 tháng vì buôn hàng “quốc cấm”.
Ra tù, một lần nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thị Bình về Hải Phòng, bà đã được Bí thư Thành ủy Hải Phòng giới thiệu Bùi Xuân Hải. Ông Hải đề xuất thành lập Công ty Thiết bị giáo dục, huy động học sinh thu gom phế liệu bán cho nhà trường, nhà trường chuyển lên công ty để tái chế. Nhưng khi nhà máy chế biến phế liệu vừa xây xong, năm 1986, ông lại bị bắt vì tội đầu cơ đồ cổ. Phải mất 21 tháng trong trại tạm giam, khi vụ án được đưa ra xét xử, tòa án luận tội “đầu cơ nhưng không trục lợi” và kèm theo bản án 20 tháng tù.
Được thả ngay sau phiên tòa, 4 giờ sau, ông đã có mặt ở nhà Bí thư TP Hải Phòng xin lập xí nghiệp tư doanh. Dồn hết vốn liếng lập Công ty Havico chuyên sản xuất đồ gốm sứ và đồ giả cổ, chỉ sau 2 năm, công ty đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá 8 triệu USD. Thời đỉnh cao, công ty có 5 doanh nghiệp trực thuộc và 4.000 công nhân.
Ngày 19-1-1994, Công an Hà Nội bắt ông Hải vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa do nợ của một công ty xuất nhập khẩu 400.000 USD. Ra tòa lần 3, Hải đồ cổ tự bào chữa, chứng minh mình là chủ nợ chứ không phải con nợ. Không thành án, ngày 31-5-1995, ông Hải được trả tự do nhưng sản nghiệp đã mất hết.
Khi đó, chính quyền Hải Phòng đưa ra quyết định thu hồi các nhà máy bên đường 5 để mở rộng 2 làn đường. Ba lò đốt hiện đại cùng máy móc, nhà xưởng bị tịch thu chỉ được bồi thường 1%.
Không dừng lại ở đó, 7 năm sau, ông Hải lại bị bắt giam vì vi phạm Luật Đất đai và bị ngồi tù 14 tháng.
Sáng tạo phương pháp vẽ vàng ròng trên đồ sứ
Ngồi tù lần thứ 4 khi đã xấp xỉ tuổi 60, ông vẫn miệt mài nghiên cứu và hoàn thành công nghệ vẽ vàng ròng lên đồ sứ trước khi đem nung. Ra tù, trắng tay nhưng ông Hải không còn thời gian để buồn nản. Ông nhanh chóng lập xưởng sứ cao cấp vẽ vàng ở khu đất rộng 1 ha phía chân đê, trên đường từ TP Hải Phòng đi Đồ Sơn cũ. Đây cũng là trung tâm đào tạo nghề cho các học viên đủ thành phần, lứa tuổi, đến từ nhiều vùng miền. Ông Hải kể có thời điểm số học viên, công nhân học và làm tại xưởng lên tới 4.000 người. Đến nay, hơn 50 người câm điếc, tàn tật đã được ông đào tạo thành nghề, nhiều người thành nghệ nhân.
Giờ đây đã hơn 70 tuổi, Hải đồ cổ vẫn miệt mài với công nghệ kỹ thuật cao - vẽ vàng lên sứ. Những bộ sản phẩm của ông được làm bằng tay cực kỳ tinh xảo mà người Trung Quốc cũng phải bái phục. Trong hội chợ quốc tế về gốm sứ vừa qua tại Hà Nội, ông đã ký được vài hợp đồng làm ăn để tạm qua cơn “bĩ cực”. Ông cho biết đang có khát vọng biến Hải Phòng thành “vương quốc gốm sứ” của thế giới, đặc biệt là công nghệ vẽ vàng lên gốm sứ sẽ đánh bại nền gốm sứ nổi tiếng cả ngàn năm nay của Trung Quốc. Nhưng để công ty mình có thể thành một “đại gia” về gốm sứ cũng cần đến hàng ngàn tỉ đồng.
Hy vọng của ông khó thành hiện thực khi mà ngày ngày, Hải đồ cổ phải lo từng đồng để trả lương cho công nhân, tiền mua vật liệu cũng chỉ được mua cầm chừng. Thậm chí, cuộc trò chuyện giữa tôi và “đại tỉ phú” một thời này liên tục bị ngắt quãng bởi người đến đòi thanh toán tiền cơm cho công nhân, người đến đòi tiền nguyên vật liệu… “Không có gì là không thể thành hiện thực, từ tay trắng, tôi đã có đến 3 tấn vàng ròng nhưng lại trắng tay. Ý chí, hoài bão luôn sôi sục nhưng chỉ tiếc thời gian của tôi không còn nhiều” - ông Hải chia sẻ.
“Cách đây 30 năm, tôi là đại tỉ phú. Giờ đây, tôi là chúa chổm, đi vay nặng lãi khắp nơi chỉ để duy trì cái xưởng gốm sứ với gần 100 con người này. Có lẽ ở Việt Nam chẳng có ai như tôi, vừa làm giám đốc vừa làm kế toán kiêm thủ quỹ và luôn cả thầy dạy nghề!” - ông Hải nói. |
(Theo NLĐ)