- Hầu hết ngân hàng thương mại (NHTM) đang dư thừa cả trăm nghìn tỷ đồng. Có nhiều dấu hiệu cho thấy vốn rẻ đã được nhiều ngân hàng chi thoáng hơn trong những tháng đầu năm.
Thừa tiền nên thoáng chi
Lý giải tình trạng tiền thừa nhiều tại các ngân hàng, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí hiếu nói: "Hiện tại chẳng ai có đủ niềm tin để rót vốn vào vàng, bất động sản, trong khi kênh chứng khoán rõ ràng là đang phục hồi nhưng không phải ai cũng có thể tham gia. Như vậy bảo toàn vốn hay đầu tư an toàn vẫn là ghim tiền vào ngân hàng. Đó cũng là nguyên nhân vì sao hiện nay các nhà băng không phải chạy đôn chạy đáo đi huy động tiền gửi mà thanh khoản vẫn rất dồi dào".
Lãi suất cho vay của các ngân hàng phụ thuộc vào giá vốn đầu vào, chiến lược lợi nhuận cũng như chiến lược kinh doanh của từng ngân hàng. Vì vậy trong bối cảnh nguồn vốn dư dả, các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho phù hợp. Thậm chí nhiều ngân hàng còn cho vay thấp hơn cả huy động.
Các ngân hàng đang dư thừa lượng tiền mặt (ảnh minh họa) |
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% năm 2014 của ngành ngân hàng có thêm điều kiện “cần” để đạt được khi lãi suất có xu hướng giảm thêm 1-2%. Dòng vốn tín dụng vẫn tiếp tục ưu tiên cho sản xuất kinh doanh những mặt hàng chủ lực và có thế mạnh. Vốn rẻ đã được nhiều ngân hàng chi thoáng hơn trong những tháng đầu năm 2014.
Cụ thể, trong hội nghị sơ kết chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng 2013 diễn ra tại TP.HCM mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình kêu gọi các ngân hàng trong hệ thống xem xét giảm tiếp lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, lãnh đạo một số ngân hàng khẳng định lãi suất cho vay đã giảm so với trước Tết và lãi suất huy động cũng đã giảm nhẹ.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, vào thời điểm đầu năm, khi doanh nghiệp bắt đầu vay để phục vụ nhu cầu sản xuất cả năm thì ngân hàng hạ lãi suất là để đón đầu nhu cầu này. Thêm vào đó, hiện vốn huy động của các ngân hàng khá dồi dào nên cho vay vẫn có lợi hơn, không bị ứ vốn ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, lãi suất cho vay từ sau Tết đã giảm thêm 0,5 điểm phần trăm. Hiện tại ở OCB, lãi suất vay ngắn hạn ở mức 9,5-11%/năm, trong khi trung, dài hạn từ 11-12%/năm, áp dụng tùy theo loại hình và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trong khi đó, lãnh đạo Sacombank cũng tiết lộ lãi suất cho vay trung dài hạn của ngân hàng này chỉ còn khoảng 11-12%/năm và ngắn hạn khoảng 9-10%, giảm nhẹ so với trước Tết.
Trầy trật cho vay
Câu chuyện doanh nghiệp thờ ơ với vốn rẻ không còn mới nhưng lần đầu tiên các ngân hàng lại bối rối với lượng tiền dư. Những doanh nghiệp đạt điều kiện để vay vốn lãi suất 6% lại không có nhu cầu vay vì khả năng hấp thụ vốn đang kém. Các doanh nghiệp cần vốn thì lại chưa qua được vòng “sơ tuyển”. Vì thế đợt chào hàng vốn rẻ đầu năm của các tổ chức tín dụng có nguy cơ ế.
Những DN có phương án kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì ngân hàng nên cho vay với lãi suất thấp để họ có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo khả năng trả nợ cũ. |
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM: “Một nghịch lý là doanh nghiệp cần vốn thì không đủ điều kiện vay, còn doanh nghiệp đủ điều kiện thì lại không muốn vay. Hiện doanh nghiệp đang tập trung vào phát triển về chiều sâu, phương thức kinh doanh hơn là mở rộng quy mô đầu tư. Rõ ràng không phải là không thấy vốn rẻ mà thị trường hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng chưa cần thiết vay vốn để đầu tư mở rộng”.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cho hay: “Để tiếp cận được vốn sẽ phải đáp ứng nhiều điều kiện, như phải để ngân hàng ‘quản’ mọi nguồn tiền ra vào của doanh nghiệp. Đó là lý do hợp lý để đảm bảo nguồn vốn vay được trả đúng hạn. Từ đây, sẽ “phát sinh” thêm nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ của ngân hàng như dịch vụ thẻ, quản lý ngoại tệ, mở L/C, dịch vụ thanh toán... Như vậy thật nhiều phiền toái.”
Thực tế, nhiều DN cũng thừa nhận lãi suất không phải là vấn đề chính trong việc vay vốn mà là tổng cầu, khả năng hấp thụ vốn và nợ xấu mới là những rào cản tín dụng. Một số NHTM đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức 5-8,5%/năm, áp dụng đối với các đối tượng khách hàng có hồ sơ tài chính và tình hình hoạt động lành mạnh với triển vọng tốt.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay chỉ tập trung ở một số đối tượng khách hàng đặc thù và tiềm năng, có điều kiện tốt. Như vậy động thái giảm lãi suất này có thể sẽ không tạo ra chuyển biến tức thì trong việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế.
CTCK Vietcombank nhận định, mặt bằng lãi suất như hiện tại đã khá hợp lý và không phải là yếu tố cản trở đầu ra. Ngân hàng gặp khó trong việc mở rộng tín dụng chủ yếu là do các vấn đề liên quan đến nợ xấu cũng như khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu trong bối cảnh sức cầu phục hồi chưa mạnh
Quan trọng hơn, để giải ngân một hồ sơ vay vốn, các nhân viên tín dụng phải thẩm tra rất kỹ nhằm giảm thiểu tối đa nợ xấu mới phát sinh. Đây chính là rào cản lớn đối với khả năng tiếp cận vốn của DN, đặc biệt là những DN đang có nợ xấu tại các ngân hàng và không có tài sản thế chấp.
Để giải quyết tình trạng này, theo nhiều chuyên gia, các ngân hàng không nên nặng nề về vấn đề tài sản thế chấp. Với những DN có phương án kinh doanh tốt, có khả năng trả nợ thì cũng nên cho vay với lãi suất thấp để họ có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo khả năng trả nợ cũ. Thêm vào đó, cơ quan quản lý nên đứng ra bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khó khăn, các ngân hàng nhờ đó cũng khơi thông được dòng vốn.
Nam Phong