Mỗi ngày, hàng trăm chuyến xe khách chạy xuyên phố nội đôvào trung tâm thì ở cửa ngõ thành phố - Bến xe phía Nam Đà Nẵng đang bỏ hoang. Thực tế này tồn tại hai năm qua đã khiến giao thông đô thị Đà Nẵng gánh chịu nhiều búc xúc, thiệt hại kinh tế, xã hội cho người dân, DN.
Dồn áp lực vào nội đô
Vào giờ cao điểm, nhất là 16 – 18 giờ hàng ngày, các tuyến đường nội đô Đà Nẵng như: Nguyễn Đình Tứ, Tôn Đản người tham gia giao thông và cư dân bên đường lại đối mặt với những chuyến xe khách lớn nhỏ chạy dày đặc. Hằng trăm xe khách, nhiều xe chạy đường dài 40 - 50 chỗ ngồi đổ dồn vào những còn phố nhỏ chỉ rộng 7,5 mét, xuyên qua những khu dân cư, đô thị đông đúc đã gây ra nhiều bức xúc.
Những chiếc xe khách lớn đã chiếm phần lớn lòng đường, lúc xe qua ngã ba, ngã tư hay chỉ cần hai chiếc xe tranh nhau đã gây ra ùn tắc và rất nhiều tình huống nguy hiểm. Những tuyến đường nội đô vốn không được thiết kế dành cho xe khách đường dài nên việc phải gánh hàng trăm chuyến xe qua lại mỗi ngày khiến lòng đường hẹp càng thêm hẹp, giao thông phức tạp càng phức tạp hơn.
Cảnh hàng ngày trên các tuyến nội đô mở cho xe khách liên tỉnh chạy. |
Trên suốt các phố dài 5 – 6 km này có nhiều chợ, trường học đông đúc, nhiều ngã ba- tư giao cắt hạn chế tầm nhìn. Vì thế, mỗi khi trẻ em tan trường, người đi làm tan sở thì lưu thông trên các tuyến đường này đã trở thành nỗi lo sợ thực sự.
Theo nhiều người dân, thời gian qua, trên tuyến đường này đã xảy ra không ít va chạm, tai nạn giao thông đáng tiếc còn chuyện ùn tắc thì xảy ra như cơm bữa. Không những thế, hoạt động của các chuyến xe khách còn gây ra nhiều hệ lụy khi thường xuyên dừng đón trả khách, nhiều bến cóc mới đã xuất hiện ngay trong nội đô. Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khói bụi, tiếng ồn là điều khó tránh khỏi.
Việc cho các tuyến xe khách đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên vào Bến xe trung tâm Đà Nẵng qua phố nội đô là phương án được khi Đà Nẵng ngăn đường để thi công nút giao thông ngã ba Huế. Thời gian thi công nút ngã ba Huế ít nhất cũng đến cuối 2015 mới hoàn thành. Có nghĩa, người dân vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Được biết, khi chuẩn bị xây dựng nút ngã ba Huế, đã có đề xuất phân tuyến xe khách để đảm bảo toàn cho giao thông. Theo đó, các xe đi các tỉnh thành phía Nam: đón trả khách tại bến xe phía Nam (bến xe Đức Long). Xe chạy tuyến Bắc – Nam: đi theo phương án tuyến 1c (đường tránh nam hầm Hải Vân), đón trả khách tại bến xe phía Nam (bến xe Đức Long). Đồng thời, cho phép mở thêm các tuyến xe buýt, xe khách nhỏ từ bến xe Đức Long về trung tâm thành phố.
Nhiều điểm nguy hiểm phải bó trí lực lượng đảm bảo an toàn. |
Nếu thực hiện theo đề xuất này, thì một lượng rất lớn xe khách sẽ không đi vào nội đô và tất nhiên những búc xúc và nguy hiểm trên đây đã không xảy ra. Tuy nhiên, điều này đã bị bỏ qua.
Thậm chí, về lâu dài, khi hoàn thành nút ngã ba Huế mà vẫn tiếp tục đổ dồn xe khách về nội độ sẽ tiếp tục gây ra áp lực cho điểm đen giao thông - Ngã ba Huế. Bên cạnh đó, không thể không tính đến yếu tố, Bến xe trung tâm lại nằm ngay dưới chân cầu vượt Ngã ba Huế với cả ngàn ô tô, hàng chục ngàn lượt khách và các phương tiện khác ra vào hàng ngày.
Bỏ phí nơi cửa ngõ
Cách trung tâm thành phố khoảng 10 km, Bến xe phía Nam Đà Nẵng (nằm trên trục đường quốc lộ 1A thuộc thôn Quá Giáng, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) là bến xe loại 1 theo đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động từ 6/2012. Đến nay, đây là một bến xe có hạ tầng khang trang, hiện đại với đầy đủ các hạng mục công trình… thế nhưng tất cả lại đang bỏ hoang.
Trong khi hàng trăm chuyến xe khách đi phía Nam và Tây Nguyên đổ dồn vào trung tâm thì một bến xe ở cửa ngõ phía Nam vốn được quy hoạch để đón xe khách phía Nam và Tây Nguyên lại bỏ hoang quả là một điều lãng phí và khó hiểu.
Ông Phan Xuân Viên, Giám đốc Bến xe phía Nam Đà Nẵng cho biết: Bến xe đi vào hoạt động gần hai năm. Tại đây mọi hạ tầng dịch vụ đã được hoạt tất để đón xe và khách. Để hỗ trợ và thu hút xe về bến, đơn vị đã có nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá cho nhà xe, tổ chức trung chuyển khách từ trung tâm ra… Tuy nhiên, tất cả xe vẫn đổ về trung tâm, gây nên sự quá tải và mất an toàn giao thông còn bến xe phía Nam vẫn bị lãng quên.
Bến xe phía Nam xây xong đang bị bỏ hoang. |
Theo ông Viên, khó khăn nhất hiện nay là do bến xe quá xa trung tâm, không có tuyến buýt trung chuyển. Đặc biệt, bến xe chưa được phân luồng, tuyến đúng mức nên chưa có DN vận tải nào đăng ký đậu và xuất bến tại đây. Đây là vấn đề mấu chốt dù bến xe này đã được quy hoạch dành cho xe khách đi phía Nam và Tây Nguyên khi đến Đà Nẵng. Chính vì thế, đã mấy năm trôi qua mà một bến xe loại 1, rộng hơn 30.000 m2 đã hoàn thành tổng đầu tư gần 130 tỷ đồng đang bị bỏ phí.
Ông Viên nói: “đổ tiền đầu tư theo định hướng và cam kết của thành phố, chúng tôi không ngờ có một ngày lâm vào tình trạng này. Ở Lâm Đồng, Gia Lai hai bến xe do chúng tôi xây dựng hoạt động rất tốt, còn ở đây thì tê liệt. Toàn bộ hoạt động giao thông vận chuyển khách hiện nay của thành phố đều tập trung hết về trung tâm, trong khi bến xe phía Nam chịu nhiều bất lợi và đang bị bỏ rơi”.
Cùng thành phố, khi khu vục trung tâm đang có những bức xúc thì ở phía Nam, một hạ tầng giao thông quan trọng theo quy hoạch và hoàn có khả năng đóng góp cho giao thông thành phố lại bị bỏ hoang. Cảnh bức xúc và lãng phí này thật khó tin lại đang tồn tại hai năm qua ở Đà Nẵng..
Hoàng Sơn