Họ là những đại gia đi xe hơi. Họ cầm cố tài sản, vay tiền tỉ ở ngân hàng đầu tư chuồng trại nuôi gà, nuôi heo, thậm chí là cá tra nhưng không được làm chủ mà chỉ là người nuôi gia công cho các công ty nước ngoài.
Không được… “cầm cán”, họ bị thua thiệt, bị ép đủ đường, phải phá sản và hậu quả là có nguy cơ trở thành con nợ khổng lồ…
Phận tỉ phú… làm thuê!
Gần ba tháng nay, bà Vũ Thị Nhung, ở Bà Rịa – Vũng Tàu đứng ngồi không yên vì bị công ty TNHH thực phẩm CJ Vina không tiếp tục thả gà như hợp đồng. Tháng 8.2013, do có sẵn trong tay bảy chuồng gà lạnh công suất hơn 100.000 con, bà Nhung ký hợp đồng với công ty CJ theo hình thức nuôi gia công: công ty đầu tư con giống, thức ăn, kỹ thuật, sau đó thu lại gà rồi trả công nuôi cho bà Nhung.
Chăn nuôi lứa đầu tiến triển thuận lợi. Ngoài nhận tiền gia công, bà Nhung còn lãnh thưởng 35 triệu đồng nhờ hiệu quả xuất sắc. Thế nhưng, đến lứa thứ hai mặc dù đàn gà đã quá lứa 11 ngày nhưng CJ lại tìm đủ thứ lý do để trì hoãn việc bắt gà khiến bà Nhung lâm vào thế khó. “Sau nhiều ngày đàm phán không thành, CJ đã đơn phương không tiếp tục thả gà nữa, mặc dù hợp đồng vẫn còn hiệu lực đến tháng 8.2014”, bà Nhung bức xúc.
Để có bảy chuồng gà đầu tư bài bản như vậy, bà Nhung phải cầm cố sổ đỏ 5ha đất và nhiều tài sản khác vay ngân hàng 30 tỉ đồng. Nay, công việc nuôi gà bị gián đoạn, bà không chỉ mất thu nhập mà còn có nguy cơ bị ngân hàng siết nợ, trở nên trắng tay.
Tương tự, sau khi cầm hết tài sản giá trị để vay ngân hàng hơn chục tỉ đồng đầu tư vào bốn trại gà hiện đại, chủ trại gà Trung Thùy ở xã Sông Xoài, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng bị công ty CJ cắt ngang hợp đồng nuôi gà gia công. Giữa năm ngoái, anh Đặng Văn Khánh ở Trảng Bom (Đồng Nai) cũng phải một phen lao đao vì bị công ty công ty TNHH Japfa VN không tiếp tục hợp tác thả gà như hợp đồng.
“Họ nói với tôi là đang thu hẹp sản xuất nên không tiếp tục thả gà. Như vậy là làm khó cho người dân vì đầu tư xây chuồng trại như thế phải 7 – 8 năm mới hết khấu hao nhưng bây giờ nghỉ ngang thì nông dân chỉ có nước ôm nợ ngân hàng”, anh Khánh rầu rĩ.
Trường hợp của anh Khánh, bà Nhung hay chủ trại Trung Thùy không phải là duy nhất trong nghề chăn nuôi gia công gà, heo, thậm chí là cá tra. Thời gian qua, có rất nhiều đại gia sau khi vay tiền tỉ ở ngân hàng, đầu tư chuồng trại với mong muốn trở thành đối tác làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài đã phải vỡ mộng.
Các đại gia nuôi gà vay ngân hàng tiền tỷ đầu tư vào trại gà nhưng không được làm ông chủ mà chỉ làm thuê bằng hình thức nuôi gia công, họ đang chịu rủi ro quá lớn. |
Trước khi quyết định đầu tư, họ được các ông chủ nước ngoài “vẽ” cho dự án chăn nuôi lý tưởng, đảm bảo có lợi nhuận cao, thời gian khấu hao nhanh.
Nhưng, sau thời gian nuôi gia công, doanh nghiệp nước ngoài đột ngột ngưng hợp đồng với đủ lý do mà người chăn nuôi không thể nào “cải” được.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm miền Đông, cho biết chỉ tính riêng khu vực này hiện có tới 1.500 trại gà lạnh được đầu tư tới 3.000 tỉ đồng. Vốn vay chủ yếu từ ngân hàng.
Tuy vậy, dù ở hình thức hợp tác nào đi nữa, thì người chăn nuôi cũng thường bị rủi ro, thiệt thòi. Bởi theo ông, một khi đưa ra quyết định “trở mặt”, công ty sẽ có rất nhiều lý do mà họ cho là do khách quan, bất khả kháng như giá gà quá thấp, bị thua lỗ nên phải ngưng nuôi hoặc giãn thời gian thả giống, ngưng vì dịch bệnh, ngưng vì chủ trại để gà chết quá nhiều, ngưng vì nuôi không đạt hiệu quả như cam kết….
“Một trại gà quy mô hơn 10.000 con, đầu tư ít nhất mất 2 tỉ đồng. Tiền thuê mỗi tháng 50 triệu cũng mất bảy tám năm mới thu hồi lại vốn. Nếu bị cắt ngang hợp đồng thì người nuôi chỉ có nước phá sản, “ôm” cục nợ khổng lồ” – ông Ngọc phân tích thêm.
Rủi ro lớn nhất thuộc về người chăn nuôi
Mới đây, trả lời các cơ quan báo chí về việc ngưng hợp đồng nuôi gà gia công với nhiều chủ trại, ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc Japfa, cho biết công ty này đang thực hiện kế hoạch giảm quy mô chăn nuôi do liên tục hai năm trở lại đây giá bán gà luôn thấp hơn giá thành khiến công ty bị thua lỗ.
Japfa, cùng với bốn công ty có vốn đầu tư nước ngoài đang nắm giữ gần như 100% thị phần gà công nghiệp tại Việt Nam khi đầu tư vào Việt Nam, các đại gia này không trực tiếp xây chuồng trại nuôi mà hợp tác với người dân theo hai hình thức nuôi gia công (công ty cung cấp thức ăn, con giống và thuốc thú y, người dân đầu tư chuồng trại, chăm sóc và nhận tiền công nuôi) hoặc thuê chuồng trại mà người dân đã đầu tư xây dựng.
Bằng hình thức hợp đồng liên kết này, doanh nghiệp nước ngoài hầu như không phải lo nghĩ gì đến các thủ tục đầu tư như: mua, thuê đất, xin giấy phép chăn nuôi, vấn đề xử lý môi trường…, đặc biệt mối quan hệ với chính quyền địa phương, vốn lâu nay vẫn được coi là rất khó tiếp cận đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
Họ vào Việt Nam làm ăn, nhưng khoản đầu tư lớn nhất vào chuồng trại, thiết bị, đất đai, các thủ tục giấy tờ lại do người chăn nuôi trong nước bỏ ra. Vì vậy mới xảy ra tình trạng: lời thì họ làm, lỗ thì họ rút, để lại rủi ro rất lớn cho người dân tự gánh.
(Theo TGTT)