- Ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất có thể, tuy nhiên, tín dụng có ra được hay không lại tùy thuộc vào những vẫn đề ngoài khả năng của họ.

Bước đi nhiều toan tính

Hành động liên tục điều chỉnh giảm dần trần lãi suất huy động VND, USD từ năm tháng 11/2011 đến nay cho thấy cả hành trình chủ động liên tục của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với tổng cộng 8 lần điều chỉnh, trần lãi suất bắt đầu từ 14% giảm xuống các mức 13%; 12%; 11%; 9%; 8%, 7,5%; 7% và từ ngày 18/3 xuống còn 6% với kỳ hạn huy động dưới 6 tháng.

Có thời điểm như tháng 7/2012, tháng 12/2012 rồi tháng 1/2013 khi NHNN chủ động điều chỉnh giảm mạnh trần lãi suất huy động, không ít khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế, và một số chuyên gia cho rằng NHNN cần cân nhắc kỹ do lạm phát vẫn có nguy cơ quay trở lại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhìn lại những quyết định chủ động đi trước, dẫn dắt thị trường mới những toan tính của cơ quan quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

{keywords}

Biểu đồ thay đổi các mức lãi suất

Trong từng nhịp điều chỉnh, NHNN đã giảm dần việc can thiệp hành chính vào lãi suất của thị trường, thể hiện từ việc quy định trần cho các loại lãi suất tiền gửi từ 12 tháng xuống 6 tháng và nay chỉ còn loại huy động ngắn hạn dưới 6 tháng. Xu hướng lãi suất giám nhanh cũng làm cho kết cấu huy động của ngân hàng thương mại (NHTM) thay đổi, nguồn vốn huy động dài hạn từ 12 tháng trên của các NHTM được gia tăng hơn. Lãi suất huy động kỳ hạn dài chênh lệch kỳ hạn ngắn từ 1,8%-2,5%/năm, đường cong lãi suất trở về đúng với bản chất vốn có của nó.

Xem xét mối quan hệ giữa lãi suất VND và lãi suất huy động ngoại tệ (USD) luôn được NHNN tính toán cân nhắc. Với lần thay đổi ngày 18/3 vừa qua, lãi suất huy động ngoại tệ bằng USD chỉ còn 1%/năm, nhẩm tính sơ bộ cũng thấy ngay kỳ hạn ngắn của VND cũng đã hơn lãi suất huy động USD 5%/năm, nếu tương đương về kỳ hạn 1 năm thì mức chênh lệch lên cao ở mức từ 6,5-6,8%/năm.

Cùng với thông điệp ngay từ đầu năm của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tỷ giá cũng sẽ tăng không quá 2%, điều này cho thấy nắm giữ VND sẽ vẫn là có lợi nhất. Cái đích nhắm về chống đô la hóa của Chính phủ và NHNN lại càng hiện hữu trên thực tế. Hai tháng qua đi của năm 2014, NHNN mua lượng ngoại tệ trên 4 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối.

Bên cạnh duy trì trần lãi suất huy động ngắn hạn dưới 6 tháng, NHNN tiếp tục duy trì trần lãi suất cho vay vào 5 lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; công nghệ cao. Sự kết hợp đồng bộ nhuần nhuyễn giữ chính sách ưu tiên và công cụ chính sách thực hiện sự ưu tiên của NHNN được thực hiện qua công cụ giảm dự trữ bắt buộc với NHTM có tỷ trọng dư nợ cho vay lớn 40% tổng dư nợ vào nông nghiệp nông thôn, giảm lãi suất tái cáp vốn lãi suất thấp đối với nhu cầu vốn giải ngân vào lĩnh vực ưu tiên... được nhiều chuyên gia khẳng định là cách làm hay, đúng nguyên tắc thị trường cũng như cam kết của Việt Nam khi đã gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế và cũng là cách hướng dòng vốn khu vực kinh tế thực, tạo ra sự chuyển đổi về chất của nền kinh tế.

{keywords}

Ngành ngân hàng không thể chạy một mình mà chặng đường đang cần đồng bộ các giải pháp từ bộ ngành khác.

Lãi suất giảm, tín dụng có tăng?

Một số ý kiến khẳng định, lãi suất tuy có giảm nhưng không thể kỳ vọng tín dụng tăng ngay được. Các nghiên cứu của Basel và nhiều chuyên gia chỉ ra rằng cầu tín dụng không nhạy cảm với lãi suất. Thực tế Việt Nam chứng minh rất rõ, ngay giai đoạn 2010-2011, lãi suất cao ngất 25-27%/năm nhưng tín dụng tăng trưởng trên 30% là vì người vay vẫn nhìn thấy cơ hội làm ra tiền để trả nợ.

Còn nay, nhìn toàn cục cho thấy, tổng cầu nền kinh tế vẫn yếu, 2 tháng có cả Tết Nguyên đán mà sau khi trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ chỉ tăng trên 6%, nhích hơn năm 2013 một chút.

Nhìn vào khu vực khách hàng cho thấy: các ông lớn DNNN đang trong quá trình loay hoay tái cơ cấu, cổ phần hóa. Hai ngành ngốn khá nhiều vốn vay là sản xuất thép và xi măng điều chỉnh giảm công suất và sản lượng do cầu trong nước giảm thì cơ tăng tín dụng chưa nhiều. Khối doanh nghiệp tư nhân thì với sự “ra đi” của hơn 60 ngàn doanh nghiệp, cơ hội tăng tín dụng vào đây cũng trở nên xa vời. Khối doanh nghiệp FDI là khả dĩ nhất, làm ăn có hiệu quả nhưng họ chủ động hoàn toàn về vốn từ công ty mẹ ở nước ngoài hoặc vay chủ yếu ngoại tệ ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Con đường an toàn là vốn đang dư thừa lại được đưa vào trái phiếu Chính phủ. Số dư trái phiếu Chính phủ và chính quyền địa phương đã không ngừng tăng lên trong thời gian qua, riêng từ đầu năm đến nay tiền của TCTD đổ vào trái phiếu đã lên đến gần 60 ngàn tỷ.

Nhìn tổng quát cho thấy, để tín dụng tăng trưởng cũng như bảo đảm chất lượng tín dụng là vấn đề không phải một sớm một chiều. Mặc dù ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt đưa mặt bằng lãi suất về mức thấp nhất có thể, mang lợi ích cho tổng thể nền kinh tế, nhưng tín dụng có ra được hay không lại tùy thuộc vào những vấn đề ngoài khả năng của họ. Đó là: tăng tổng cầu; cơ cấu lại DNNN một cách có hiệu quả; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vừa; hay việc quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất của người nông dân tăng hiệu quả sản xuất đó mới giải pháp tổng thể tạo ra địa chỉ tin cậy để đồng vốn tín dụng tăng lên đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Nói cách khác, ngành ngân hàng không thể chạy một mình mà chặng đường đang cần đồng bộ các giải pháp từ bộ ngành khác.

Phạm Xuân Sơn