- Hàng thùng xưa nay vẫn có một vị trí nhất định với không ít tín đồ thời trang nhờ thỏa mãn ba yếu tố: đẹp, độc, rẻ. Không chỉ săn lùng quần áo, túi xách, giày dép thông thường mà mặt hàng đồ lót đã qua sử dụng (hàng siđa) cũng được chị em yêu thích.

Ham của rẻ

Trái với suy nghĩ của nhiều người, quần áo bên ngoài còn có thể mặc lại được chứ đồ lót thì nhất định phải mua mới, tại những khu chợ đồ cũ có những gian hàng chuyên bán đồ bơi và đồ lót “sida” lúc nào cũng đông khách. Hóa ra, đồ lót đã qua sử dụng vẫn có một phân khúc khách hàng riêng.

Ghi nhận tại các chợ hàng thùng như Đông Tác, Kim Liên, vỉa hè Nghĩa Tân, khách hàng chủ yếu là sinh viên, công nhân và các bà nội trợ. Sở dĩ, họ tìm đến với hàng đã qua sử dụng là vì kiểu dáng phong phú, giá cả phải chăng.

Thu Thủy - một sinh viên 20 tuổi đang lúi húi chọn đồ trên vỉa hè Nghĩa Tân, nhận xét hàng ở đây tuy rẻ, nhưng nếu chịu khó bới thì chọn được những món đồ rất ưng ý. “Tuần nào em cũng lượn lờ vài vòng quanh các hàng đồ cũ trên phố này, mua được cả mớ đồ mà chả tốn kém là bao. Cả tủ quần áo của em từ đồ mặc đi học, đi chơi, ở nhà đến đồ chip đều là hàng second hand”.

{keywords}

Không chỉ săn lùng quần áo, túi xách, giày dép thông thường mà mặt hàng đồ lót đã qua sử dụng cũng được chị em yêu thích.

Khi được hỏi tại sao lại dùng cả đồ lót đã qua sử dụng, Thủy vừa cười vừa ướm chiếc áo ngực lên người rồi bảo: “Chị nhìn xem, có khác gì đồ mới đâu. Loại này vào cửa hàng phải vài trăm mà ở đây giá chỉ bằng một phần tư, đồ mặc bên trong tốn kém làm gì.”

Còn tại chợ Đông Tác, dù chưa đến mùa hè nhưng các hàng chuyên đồ bơi vẫn tấp nập khách ra vào. Một khách hàng tỏ ra sành sỏi cho hay, mua đồ hàng thùng cũng có quy luật riêng của nó, mùa đông săn hàng hè và ngược lại vì hàng hóa chuyển từ “bển” về đến Việt Nam bao giờ cũng chậm một mùa, mình mua trước rồi đến hè lại săn hàng cho mùa đông năm sau. “Tôi đang chọn đồ bơi để tháng 6 này đi biển, mua từ bây giờ vừa rẻ mà lại được đồ đẹp chứ đợi đến lúc nóng lên thì hàng đẹp người ta chọn trước rồi”, chị nói thêm.

Hỏi về chất lượng đồ bơi cũ và liệu có sợ bị lây bệnh da liễu không, vị khách này trả lời năm nào chị cũng sắm mới vài bộ cho mình và con gái, chưa bao giờ thấy ngứa ngáy hay dị ứng gì. “Cả năm diện có một hai lần, nếu có không sạch sẽ một chút thì cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe ngay được đâu, quan trọng là đẹp lại vừa túi tiền”.

Thích đồ độc

Không ham rẻ nhưng lại thích độc đáo và sành điệu, không ít tín đồ thời trang đã trở thành fan cuồng của hàng thùng.

Linh, nhân viên văn phòng của một công ty có trụ sở ở Lĩnh Nam kể, hồi trước Linh cũng toàn mua đồ mới, nhưng rất hay bị “đụng hàng” với mấy chị ở cơ quan nên bây giờ thích săn hàng thùng hơn, đảm bảo một mình một kiểu.

{keywords}

Trước khi sử dụng quần áo hàng thùng nhất định phải khử trùng cẩn thận để tránh bệnh tật (ảnh minh họa)

Từ ngày chuyển qua “xài” hàng second hand, Linh sành điệu hơn trông thấy. Linh bảo, bước vào thế giới hàng thùng cô cảm nhận được rất nhiều điều thú vị, nó đem lại cho cô những phong cách mà nếu chỉ chăm chăm mua hàng mới thì không bao giờ có được. “Cả phòng em giờ ai cũng biết em là tín đồ của hàng second hand, nhưng ai cũng phải công nhận sau 2 năm săn hàng thùng giờ em là người có gu ăn mặc nhất cơ quan”, Linh khoe.

Có lần cả công ty đi nghỉ mát, thấy Linh mỗi ngày thay một bộ đồ tắm, ai cũng trầm trồ khen cô sành điệu. Linh rỉ tai các chị: “Toàn đồ second hand cả đấy”. Thế là cái biệt danh “nữ hoàng sida” của cô cũng ra đời từ đó.

Tuy nhiên, Linh cho biết, chơi hàng thùng cũng lắm gian truân. Từ hồi nghiện hàng thùng, số tiền cô giành ra để mua sắm quần áo tốn gấp 2-3 lần hồi còn mua đồ mới. “Muốn mua được hàng độc thì phải bỏ công tìm kiếm rất mất thời gian, chưa kể hàng đẹp thì giá cũng không hề rẻ. Cá biệt trong mấy bộ đồ bơi của em có bộ gần 2 triệu đồng”, Linh bật mí.

Cũng giống như những đồ hàng thùng khác, đồ lót cũ cũng được chia thành nhiều loại: nước đầu, nước hai, nước ba... Hàng nước hai, nước ba được bán với giá khoảng 50.000 đến 100.000 đồng/bộ, còn hàng nước đầu giá “vô cùng”, từ 200.000 đến 400.000 đồng, có bộ lên tới vài triệu đồng.

Dễ gặp của ôi và bệnh tật

Người tiêu dùng đồ hàng thùng nói chung và đồ lót hàng thùng nói riêng dường như chỉ đến hình dáng, chất liệu, còn chuyện chủ nhân trước của những món đồ này là ai, mắc bệnh gì, đồ để lâu ngày có sinh nẩm mốc không thì chẳng mấy ai để ý. Chị em sính hàng second hand không nhận thức được rằng mình đang phải đối mặt với nhiều bệnh tật nguy hiểm.

Các chuyên gia y tế cho rằng, những đồ đã qua sử dụng có thể có chất lạ bám vào trong quá trình vận chuyển gây ra nguy cơ mắc một số bệnh ngoài da như: ghẻ, nấm và viêm da tiếp xúc. Quần áo hàng thùng, đặc biệt là đồ bơi, áo tắm đã qua sử dụng và không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe.

Do vậy, trước khi sử dụng quần áo hàng thùng nhất định phải khử trùng cẩn thận để đảm bảo không có nấm, vi khuẩn gây bệnh. Hơn nữa, chỉ nên mặc quần áo bên ngoài, tuyệt đối không nên mặc đồ lót, áo tắm hàng thùng. Bởi những ký sinh có trong quần áo lót, áo tắm hàng thùng có thể gây các biến chứng nguy hiểm cho chị em như viêm loét da, viêm vùng kín,... thậm chí là vô sinh.

N.A