Tuần qua, câu chuyện được quan tâm hơn hết là tình trạng hàng ngàn chiếc xe tải dưa hấu nối đuôi nhau dài hàng trăm kilomet, nằm chờ xuất cảnh.
Dưa hấu tắc ở cửa khẩu
Tại khu vực ven đường QL1A - Lạng Sơn, ước tính có tới 2.000 xe tải chở dưa hấu, đang ùn ứ xếp hàng dài 100 km chờ thông quan. Không những thế, khi may mắn qua được bên kia biên giới thì thương lái Trung Quốc lại chê bai đủ điều khiến các chủ xe phải bán đổ bán tháo.
Ước tính có tới 2000 xe tải chở dưa hấu, đang ùn ứ xếp hàng dài 100 km chờ được thông quan |
Tình trạng này đã tác động xấu đến giá dưa ở Việt Nam. Tại các tỉnh Tây như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang Phú Yên, giá dưa thấp thảm hại. Người trồng dưa còn thuê xe dưa ra tập kết dọc các tuyến QL 1A, QL 19 các tỉnh lộ ven đường để bán lẻ với mức giá “bán rẻ hơn cho” từ 8.00-1.000 đồng/kg. Thậm chí, dưa hấu bán tại ruộng giá bán cũng vỏn vẹn 500 đồng/kg…
Mì chính Tàu: Mua bao nhiêu cũng có
Tính riêng 2 tháng đầu năm 2014, gần 5.000 tấn mì chính, bột ngọt Trung Quốc đã nhập vào Việt Nam với mức giá rẻ bất thường. Tại thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) -“thủ phủ” của hàng rởm, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mì chính Trung Quốc được bày bán la liệt, giá rẻ chỉ bằng một nửa so với hàng công ty sản xuất.
Loại mỳ chính Tàu này, chất lượng chỉ kém hàng công ty sản xuất chút xíu chứ ăn thì chẳng sao cả |
Theo người bán hàng, mì chính hàng công ty giá trên 1,1 triệu đồng một bao 25kg, chia ra khoảng 45.000 đồng/kg. Còn mì chính Tàu có giá 30.000 đồng/kg. Hơn thế nữa, nếu khách hàng có nhu cầu thì hàng chục tấn họ cũng có thể cung cấp được.
Ngoài ra, người bán hàng còn quảng cáo hàng này được đổ cho các mối đánh hàng đi tỉnh hay mối nhập hàng cho quán ăn, nhà hàng. Mỗi lần họ lấy vài tấn. Loại mỳ chính Tàu này, chất lượng chỉ kém hàng công ty sản xuất chút xíu chứ ăn thì chẳng sao cả. Bán được thì lời gấp cả 3-4 lần bán hàng công ty.
Trồng rau từ đồ đồng nát
Nhiều bà nội trợ đã tận dụng những vật dụng vứt đi như: chai như, dép, chảo, vải... để biến chúng thành những vườn trồng rau sạch mà ít ai nghĩ tới.
Chai nhựa được cắt bớt 1/3 phần phía trên của miệng chai, phần còn lại đục lỗ ở dưới đáy chai để thoát nước, tiếp đó cho đất vào trong rồi dùng dây treo lên tường, mái hiên, cửa sổ. Ngoài ra, đối với loại chai nhựa cỡ lớn có 4 cạnh, có thể cắt một cạnh dọc theo thân chai để trên sân thượng và chỗ trống.
Hơn thế nữa, dùng dép nhựa còn đơn giản hơn dùng chai nhựa bởi dép nhựa có lỗ sẵn, đóng chúng lên tường, bỏ đất vào trong dép rồi có thể trồng các loại rau cho gia đình, nhất là các loại rau gia vị như: hành, mùi tàu, xà lách....
Sữa ngô ngon, bổ nhờ hóa chất
Sữa ngô được đựng trong vỏ chai nước lọc, dung tích 500ml và không có nhãn mác. Dung dịch sữa ngô có màu trắng đục, dậy mùi thơm đặc trưng của sữa và ngô, đặc biệt là có vị ngọt đậm. Mỗi lít sữa ngô được bán với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng. Còn công thức chế biến sữa ngô thì nằm ở chợ Đồng Xuân, Hà Nội – khu chợ được ví với chợ độc dược Kim Biên tại TP.HCM.
Để chế biến ra sữa ngô “siêu lợi nhuận” chỉ cần hai nguyên liệu chính là tinh dầu sữa và tinh dầu ngô. |
Để chế biến ra sữa ngô “siêu lợi nhuận” chỉ cần hai nguyên liệu chính là tinh dầu sữa và tinh dầu ngô. Chúng được đóng trong chai nhựa có dung tích khoảng 0,5 lít. Chỉ với 90.000 đồng cho 2 chai tinh dầu sữa và tinh dầu ngô là có thể dùng chế biến cho khoảng 100 lít sữa ngô.
Trong khi đó, để làm 100 lít sữa ngô thông thường sẽ chi phí khoảng 900.000 đồng cho khoảng 30 lít sữa tươi trong quá trình chế biến. Như vậy, nếu không tính các nguyên liệu chính như ngô, đường và sữa đặc phụ thêm thì chêng lệch chi phí ở sữa tươi đã là 10 lần.
Chợ côn trùng biên giới
Tại An Giang, có một nơi bán rất nhiều các loại “hàng độc” như mối chúa, rết, bò cạp, tắc kè, nhện hùm… đó là chợ biên giới Tịnh Biên.
Tại đây, bọ cạp được bán với giá 4.000-5.000 đồng/con tùy theo lớn nhỏ, bửa củi sống giá từ 1.500 -2.000 đồng/con, tắc kè bay có giá 10.000 -15.000 đồng/con. Có giá cao hơn, rết, nhện hùm và tắc kè được bán với giá lần lượt là 30.000; 35.000; 40.000 đồng/con. Ngoài ra, người ta còn có thể tìm thấy các loại như bọ rầy, bìm bịp, rắn trun tại khu chợ này.
Đặc biệt, côn trùng ở đây được bán dưới nhiều hình thức, tươi sống, ngâm rượu, chế biến thành món ăn… Và món nào cũng kèm theo lời rao: Bổ thận, cường dương, khôi phục bản lĩnh đàn ông...
Hói đầu… vì viên dưỡng tóc
Được quảng cáo có công dụng đặc trị cho tóc hư tổn, bán với bán từ 2.000 đồng – 3.000 đồng/viên, nhưng viên dưỡng tóc Serum đã khiến không ít chị em rụng tóc như trút sau khi sử dụng.
Các Viên dưỡng tóc này được đựng trong các túi nhỏ, sau khi chia từ hộp nhựa 500 viên. Trong những túi nilon chỉ có túi chống ẩm, không có hướng dẫn sử dụng hay bất kỳ một thông tin nào về sản phẩm.
Đa số người tiêu dùng đều cho rằng, ngay sau khi sử dụng sản phẩm, tóc trở nên mềm mượt trông thấy.
Tuy nhiên, chỉ sau vài lần sử dụng, họ phát hiện tóc dễ bị đứt gẫy, da đầu xuất hiện mụn, tóc rụng…
Mặc dù vậy, việc mua bán loại dưỡng tóc này vẫn diễn ra hết sức sôi động, đặc biệt là trên mạng xã hội FB.
N.A. (tổng hợp)