Có mặt trong bữa ăn hàng ngày của người Việt, nước mắm là món “quốc hồn quốc túy”, là ‘sứ giả’ văn hóa ẩm thực dân tộc. Thế nhưng, chuyện chọn mắm truyền thống hay mắm công nghiệp là vấn đề khiến không ít bà nội trợ phân vân và không ít chuyện bi hài đã diễn ra.

Tập cho con dâu ăn nước mắm ta

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng Lý Minh Hà (Lò Đúc – Hai Bà Trưng) rất tự tin về khả năng nội trợ của mình khi về nhà chồng. Thế nhưng, bất ngờ đã diễn ra khiến Minh Hà từ khó xử đến khó ở mất gần nửa năm quanh bát nước mắm.

Từ lâu, Minh Hà đã quen chấm và nấu nướng với loại nước mắm đóng chai có thương hiệu. Hàng nhãn và màu đẹp, nhiều vị chấm và nấu chế sẵn lại không có mùi khi xào nấu. Thế nhưng, nhà chồng dân miền Trung, quen ăn mặn và chỉ độc dùng nước mắm nguyên chất đậm mùi.

Minh Hà kể, bữa ăn nào cũng bát mắm nguyên chất ớt cắt lát, tỏi giã. Ăn gì cũng chấm và nêm thêm. Vốn không quen với nước mắm có mùi, quá mặn lại phải cắt ớt, giã tỏi nên Hà mua chai nước mắm tỏi ớt ở siêu thị cho tiện.

{keywords}

Không ít người chọn mua nước mắm công nghiệp vì nhầm tưởng là nước mắm truyền thống

Những tưởng sáng kiến tốn tiền được cả nhà hưởng ứng, nào ngờ đến bữa rót ra chả ai đụng tới mà cứ hỏi bát mắm nguyên chất làm Hà ngại ngùng. “Mâm cơm hai bát nước mắm nhưng không ai đụng đến hàng hiệu mua ở siêu thị để nguyên trước mặt mình. Chai mắm mua về để chỏng chơ cho đến khi mình kín đáo vứt đi”, Hà kể.

Hà phải mất một thời gian để quen với cách chấm mắm nguyên chất mà theo cô là quá mặn và gắt mùi. Nhưng hai năm qua, giờ Hà lại quen đến mức không thể thiếu món mắm truyền thống trong bữa ăn. Mỗi lần về quê chồng, món quà mang ra cho bố mẹ và anh em bên ngoại lại chính là những can mắm nguyên chất truyền thống.

Hoàng Linh Lan (Hoàng Cầu – Đống Đa) về nhà chồng khi đã có bầu, ốm nghén. Vốn không quen với nước mắm nặng mùi, Lan như ngột thở mỗi khi cùng mẹ chồng xào nấu với nước mắm truyền thống dậy mùi.

Lan đã nghĩ cách để tránh nhưng cũng không ít lần phải lao vào toilet để nôn. Rất may, mẹ chồng hiểu nên dù chiều theo sở thích gia đình nhưng bà cũng tránh cho Lan tiếp xúc với mùi mắm, xào nấu trong giai đoạn đầu. Rồi cũng nhờ mẹ chồng tập dần mà mấy tháng sau Lan cũng quen với cái mùi nồng nặc mỗi lúc nấu ăn, quen với việc rót thêm bát mắm khi dọn cơm và không còn ngại ám mùi đầy mình mỗi lần nhà tổ chức ăn uống liên hoan.

Thực tế, nhiều bà nội trợ vẫn cho rằng nên chọn mắm truyền thống mùi vị đặc trưng… song không ít bà nội trợ lại thích nước mắm chế biến không mùi.

Chị Lê Thị Thanh Huyền (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Mắm công nghiệp có nhiều loại, khá tiện khi sử dụng nhưng gia đình tôi vẫn chọn loại mắm truyền thống để chấm cũng như làm gia vị tẩm ướp các món ăn. Ăm mắm không có mùi mất cả ngon”.

Theo chị Huyền, mắm truyền thống có thể đắt hơn mắm công nghiệp nhưng chất lượng thì hơn hẳn. Mắm ăn có vị thơm ngon, độ đạm cao, không chất bảo quản, khi chiên xào dùng mắm truyền thống có thể giữ được vị. Còn với mắm công nghiệp, xào nấu lên đều không còn thấy mùi thơm, vị đậm của mắm nữa. “Thị trường hiện tại có quá nhiều loại nước mắm, cái nào cũng quảng cáo là ngon nhưng chỉ cần kho cá thì biết chất lượng thế nào. Mắm đóng chai công nghiệp kho cá chưa bao giờ ông xã ưng ý”, chị Huyền nói.

Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều bà nội trợ cũng cho biết họ muốn chọn mắm truyền thống thay cho các loại mắm công nghiệp nhạt vị, mùi nhưng việc mua được mắm ngon không hề dễ. Sợ nhất là mua phải hàng pha chế không nguồn gốc, dùng chất bảo quản.

Ngược lại, theo chị Trần Thảo Nguyên, ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, HN) thì mắm truyền thống hay mắm công nghiệp đâu có gì quan trọng, mua về ăn thấy vừa miệng, hợp với khẩu vị của gia đình là được.

Nhiều người có cùng quan điểm với Thảo Nguyên cho rằng, mắm đóng chai công nghiệp dễ sử dụng vì được pha chế theo công thức, không mùi nên tiện nấu nướng. Vì thế, nhiều gia đình trẻ đã gắn bó với những thương hiệu nổi tiếng trên thị trường cho yên tâm và dễ mua bán.

Chọn mua mắm ngon không dễ

Một giám đốc trong ngành sản xuất nước mắm thừa nhận, không ít người tiêu dùng Việt Nam đang nhầm tưởng nước mắm công nghiệp là nước mắm truyền thống đóng chai.

“Người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là nước mắm truyền thống và đâu nước mắm công nghiệp. Thậm chí có nhiều người đinh ninh đã là nước mắm là từ cá nên khi thấy nước mắm xuất hiện trên thị trường, họ cho đó là nước truyền thống được sản xuất từ cá chứ không nghĩ đó là nước mắm công nghiệp đã được pha chế”, vị giám đốc này cho hay.

{keywords}

Các loại nước mắm công nghiệp được bán tràn lan trên thị trường

Theo số liệu thống kê mới đây do một nhà sản xuất nước mắm khảo sát cho thấy, quy mô thị trường của nước mắm công nghiệp hiện đã lên đến hơn 200 triệu lít/năm. Mặc dù xuất hiện sau nhưng dòng sản phẩm nước mắm pha chế công nghiệp đang chiếm từ 60-70% thị phần trong nước.

Tại các siêu thị, chợ hiện nay đến hàng trăm loại nước mắm công nghiệp với đủ các thương hiệu lớn nhỏ khác nhau với giá thành chỉ từ 15.000- 30.000 đồng/chai.

Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành, nước mắm công nghiệp hay còn gọi là nước mắm pha chế (nước chấm) thực chất đã có sự can thiệp của các chất phụ gia như hương liệu, chất tạo màu, chất bảo quản, chất điều vị... với công nghệ sản xuất kiểu mới. Thậm chí, để tiện dụng, một số nhà sản xuất còn cho ra đời loại nước mắm pha với nhiều gia vị sẵn, chỉ cần mua về là có thể dùng luôn mà không phải nêm nếm thêm bất cứ thứ gì.

Vì thế, nhiều người tiêu dùng cho rằng họ như đang lạc vào “ma trận nước mắm” bởi họ không thể xác định được đâu là nước mắm truyền thống đóng chai, đâu là nước mắm công nghiệp khi đa phần trên nhãn mác chỉ ghi nước mắm.

Bảo Hân