- Trong suốt thời gian qua, ông chủ trẻ tuổi của Chứng khoán Kim Long là nhân vật được chú ý và gây nhiều tranh cãi trong làng chứng khoán.

Những cú gây sốc

Đại hội cổ đông 2014 của Chứng khoán Kim Long vừa diễn ra có thể xem là hình ảnh hiếm hoi của làng chứng khoán năm nay. Rất nhiều chuyên gia quan sát sự kiện này với tâm lý khá lo ngại đã bất ngờ khi toàn bộ 10 tờ trình của HĐQT với nhiều tranh cãi đã được thông qua như: việc đưa ra kế hoạch lợi nhuận khá thấp so với quy mô vốn; tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 65% trong trường hợp luật pháp cho phép…

Ông Hà Hoài Nam trên vị trí chủ trì năm nay là hình ảnh khác với câu chuyện “không tôn trọng cổ đông” được báo chí nêu lên và việc đòi lập ban giám sát, ban Kiểm soát trong năm trước.

Thị trường chứng khoán chưa thể quên những quyết định gây sốc của ông Nam trong thời gian qua như: rút mạnh khỏi môi giới, giữ cả nghìn tỷ đồng tiền mặt hoặc mang đi gửi ngân hàng, mua hàng chục triệu cổ phiếu quỹ…

Những quyết định nói trên đã thực sự khiến giới đầu tư lo ngại. Họ lo khi KLS chuyển sang mô hình công ty đầu tư nhờ vào một quyết định rất nhanh của ông Nam thì sẽ ra sao trong bối cảnh các CTCK khác vẫn ngày ngày nỗ lực chạy đua giành thị phần môi giới.

{keywords}

Ông chủ trẻ tuổi của Chứng khoán Kim Long là nhân vật được chú ý và gây nhiều tranh cãi trong làng chứng khoán.

Khoản tiền khổng lồ lên tới vài nghìn tỷ đồng mà KLS đã huy động từ hàng vạn cổ đông trước đó sẽ như thế nào? Không làm nghiệp vụ chứng khoán thì làm gì khi mà TTCK ảm đạm, giá cổ phiếu liên tục đi xuống? Thậm chí có người khi đó sợ rằng, khoản tiền đó có thể bị “ôm” đi mất hoặc sử dụng sai mục đích.

Nếu mang cả nghìn tỷ đồng tiền mặt đi gửi ngân hàng thì KLS có còn là CTCK không khi mà chỉ thực hiện một nghiệp vụ đầu tư tài chính không hơn gì với những người dân bình thường?

Suốt một thời gian dài, ông Nam là đề tài mà giới đầu tư bàn luận, đồn đoán…

Giỏi tính hay gặp thời?

Giải thích cho đề xuất khá bất ngờ nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên 65% (trong trường hợp pháp luật cho phép) cho dù tỷ lệ vốn ngoại của KLS chưa bao giờ vượt quá 10%, ông Nam cho biết, là để tìm kiếm đối tác ngoại, để đi đàm phán thuận lợi hơn. Quy trình xin phép của UBCK và Bộ Tài chính còn rất phức tạp. Đây là một cách mở đường, đảm bảo cho công ty phát triển lâu dài.

Trên thực tế, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu đối với khối ngoại tại các CTCK chỉ được phép tối đa là 49% hoặc hẳn 100%, không có 50-51-52%. KLS xin lên mức 65% có thể là một chiêu đi tắt đón đầu, để khi TTCK thuận lợi, đối tác nước ngoài hào hứng thì “bán 1 gói cho đối tác” như ông Nam chia sẻ.

{keywords}

Giải thích trước cổ đông về những quyết định của mình, ông Nam cho rằng, không ai cầm tiền đầu tư chứng khoán biết cuối năm có được bao nhiêu tiền, bởi nó phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố bên ngoài. Rất nhiều CTCK xây dựng kế hoạch dựa trên kịch bản của thị trường. Nhưng thị trường luôn có kịch bản nọ kia, phụ thuộc vào sóng nhiều hơn. Nếu kịch bản là 650 mà đi thẳng thì khác, nếu tụt xuống 590 như hiện tại rồi về 500 trước khi trở lại 600 thì lại khác nữa.

Vị doanh nhân vốn từng là chuyên viên Ban Quản lý kinh doanh chứng khoán thuộc UBCKNN và chuyên viên Ban Thị trường vốn NHNN, cho biết, nguyên tắc là đảm bảo an toàn vốn.

Có lẽ, giới đầu tư cho tới giờ đều đã hiểu rõ rằng đầu tư tài chính không phải là một nghề dễ ăn. Cũng có thể, các cổ đông của KLS của một năm trước đó đã thay đổi rất nhiều so với bây giờ.

Thực tế này cũng được ông Nam nhận biết và chia sẻ. Ông cho biết, chỉ trong vòng khoảng một tháng, từ hôm chốt danh sách cổ đông cho tới hôm họp đại hội, một nửa số cổ đông đã thay đổi, có tới 80-90 triệu cổ phiếu KLS đã được chuyển nhượng trong thời gian đó.

Theo đó, có những người tham dự họp nhưng thực chất đã bán rồi. NĐT chứng khoán thường theo giá nhiều hơn. Cổ phiếu KLS đã tăng gần 40% trong một tháng qua và tăng khoảng 65% trong 3 tháng đầu năm. Rất có thể đây là lý do khiến cho đại hội diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ thống nhất cao. Bên cạnh đó, ông Nam dù chỉ nắm giữ 17,7 triệu cổ phiếu (8,9%) nhưng lại là người được ủy quyền bỏ phiếu tổng cộng hơn 63 triệu đơn vị, tương đương gần 1/3 cổ phần của DN.

Dù gì đi nữa, cái mà nhiều NĐT nhỏ lẻ cần là lợi nhuận ngắn hạn. Cổ phiếu tăng giá ngắn hạn là quan trọng nhất, về lâu dài nếu DN có báo cáo lợi nhuận tăng đột biến thì càng tốt. Trong khi đó, với các cổ đông lớn, họ khó lòng lướt sóng. Điều họ quan tâm có lẽ là kế hoạch sinh lời một cách dài hơi hơn kế hoạch “một cục” như đã từng được đề cập.

Mạnh Hà