Chỉ lắng xuống vài ngày sau thông tin nữ trang xi mạ Trung Quốc rẻ tiền, nhiễm chất cực độc được công bố, các chợ và cửa hàng ở TP.HCM lại bày bán sôi động mặt hàng này.

Tại các chợ đêm dành cho công nhân và sinh viên, giá loại trang sức này rẻ đến không ngờ. Ở chợ đêm Bắc Ninh, quận Thủ Đức, nữ trang chỉ từ 5.000 đồng/món, đắt nhất cũng không quá 100.000 đồng/món.

Được xem là một trong những nơi tiêu thụ lớn của mặt hàng trang sức xi mạ, chợ đêm làng Đại học luôn diễn ra cảnh mua bán sôi nổi ở những sạp hàng bán nữ trang. Sinh viên vốn không đủ điều kiện để mua sắm những nữ trang cao cấp, bởi vậy mà mặt hàng nữ trang xi mạ Trung Quốc nhiều mẫu mã và giá cả bình dân trở thành lựa chọn của đa số sinh viên nơi đây.

{keywords}
Những sạp hàng trang sức xi mạ tại các chợ sinh viên, công nhân luôn thu hút đông khách xem và mua.

Tại chợ Bình Tây (quận 6), hàng chục sạp hàng với hàng nghìn các loại dây chuyền, nhẫn, bông tai xi mạ làm giả các chất liệu vàng trắng, vàng 24k và 18k, với giá chỉ từ 20.000 đến 200.000 đồng bày ngang dọc các lối đi. Các chủ hàng ở đây liên tục nhận điện thoại và ghi chép số lượng đặt hàng từ các bạn hàng tỉnh. Thấy có khách lẻ đến hỏi mua hàng, một tiểu thương vồn vã mời chào hàng. Khi khách hàng đặt hỏi: “Hàng này có phải của Trung Quốc không?” thì nhận được câu trả lời: “Đi khắp các chợ cũng không kiếm ra được hàng nào khác ngoài Trung Quốc đâu. Hàng vừa rẻ, đẹp, đeo hợp mốt một thời gian rồi lại đổi sang kiểu khác chứ có đeo cả đời đâu mà sợ”.

{keywords}
Theo tiết lộ của người kinh doanh, trang sức xi mạ được mua cân ký từ Trung Quốc, với giá chỉ 50.000 đồng/kg.

Không chỉ tập trung tại các chợ hay các cửa hàng bán đồ trang sức, quà lưu niệm, nữ trang xi mạ không rõ nguồn gốc còn thi nhau xuống lòng đường. Các tuyến đường 3 Tháng 2, Lê Đại Hành, Nguyễn Trãi…. là nơi tập trung nhiều điểm bán loại hàng này. Người bán chỉ cần một tấm nilon trải ven đường, các món nữ trang xi mạ lập tức thu hút chị em.

Chọn một chiếc dây chuyền xi mạ giả vàng 24k, chị Nguyễn Thị Tú, công nhân dệt may nói với người bạn đi cùng: “Nhìn giống y như thật, mua lấy một chiếc đeo đi đám cưới đứa bạn thân sắp tới, chắc chẳng ai nhận ra đâu?”. Thế là chỉ hơn 100.000 đồng, cô gái trẻ đã chọn được cho mình bộ nữ trang long lánh diện đám cưới mà không hề băn khoăn về chất lượng.

{keywords}
Ẩn dưới những mẫu mã đa dạng và thiết kế đẹp mắt, những loại trang sức xi mạ này chứa nhiều chất cực độc.

Tiết lộ về giá cả của mặt hàng này, chị Lan Anh (quận Thủ Đức), chuyên kinh doanh nữ trang xi mạ tại một chợ đầu mối, cho biết hầu hết những trang sức này đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chị phải lấy hàng qua các thương lái và lấy theo cân ký, với giá chừng 50.000 đồng/kg. Cũng theo chị Lan Anh, nếu chủ hàng có mối mua ở biên giới thì giá sẽ còn rẻ hơn nữa và lãi cũng nhiều hơn.

Trước đó, ngày 14/3, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã công bố kết quả kiểm nghiệm số lượng lớn đồ trang sức gồm dây chuyền, lắc đeo tay, nhẫn, hoa tai… xi mạ giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc không có chứng từ hợp lệ được thu hồi tại chợ An Đông (quận 5). Kết quả cho thấy tất cả các mẫu đều có chứa hàm lượng chì (Pb) và hàm lượng Cadimi (Cd), 2 kim loại có thể gây ngộ độc, suy thận và ung thư cho người sử dụng. Thế nhưng, đến thời điểm này, nhiều sạp hàng trên khu vực lầu 2 chợ An Đông lại tiếp tục buôn bán một cách công khai. Những dây chuyền, lắc tay được nhái đủ các nhãn hiệu nổi tiếng như SBJ, Prima, Gold, Louis Vution… với giá trên dưới 100.000 đồng/chiếc.

{keywords}
Trang sức xi mạ xuất xứ Trung Quốc bị đội Quản lý thị trường 5B thu giữ.

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, sau một thời gian tạm lắng xuống, thị trường bắt đầu tái xuất những mặt hàng này. Do đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và gửi mẫu đi kiểm nghiệm. Hiện tại mới chỉ có 3 mẫu đại diện cho hàng ngàn trang sức xi mạ Trung Quốc được thu giữ tại 3 cửa hàng quận 5 và chợ An Đông, nhưng đã có kết quả chứa những độc tố cực độc. Đó là những chất cực độc, được liệt vào danh sách cấm sử dụng trong các loại đồ chơi và nữ trang tại Trung Quốc.

Theo Zing