Thông tư của Bộ Công thương vừa ban hành về quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân là một văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, đối với trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 7% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN sẽ phải trình Bộ Công thương xem xét, chấp thuận phương án điều chỉnh giá bán điện.
Với mức điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành hoặc ngoài phạm vi khung giá quy định, EVN phải báo cáo Bộ Công thương và Bộ Công thương (sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính) sẽ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, với phạm vi điều chỉnh tăng từ dưới 7%, EVN được quyền tự thực hiện điều chỉnh giá bán điện và phải công bố công khai thông tin điều chỉnh giá điện.
Dự kiến giá điện tăng |
Theo các chuyên gia kinh tế, với những quy định này, cùng với việc từ ngày 1/1/2014, giá than cho điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường với mức tăng từ 4-10%, thì việc tăng giá điện là khó tránh khỏi trong 1- 2 tháng tới.
Theo kế hoạch năm 2014, EVN đặt mục tiêu Tập đoàn sản xuất kinh doanh điện có lãi và giá bán điện bình quân tăng lên 1.533,09 đồng/kWh, tức tăng ít nhất 34 đồng/kWh so với mức giá hiện hành. Mức tăng giá điện mà EVN dự kiến cũng nằm trong khung giá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tạ Quyết định 2165/2013/ QĐ – TTg cho phéo khung giá bán lẻ điện nawem 2013 – 2015 tăng lên mức 1.835 đồng/kWh.
Khi giá điện – đầu vào của mọi ngành sản xuất tăng sẽ có tác động lớn đến CPI của nền kinh tế. Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã dự báo, nếu năm 2014, giá điện tăng khoảng 11% như bình quân mức tăng giá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì chỉ số CPI toàn nền kinh tế khoảng trên 0,3%.
(Theo GTVT)