Tập đoàn dầu mỏ BP của Anh đang phải đối mặt với áp lực từ phía các cổ đông, khi sở hữu một lượng lớn cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Crimea.

Không những thế, theo Guardian, vấn đề với ban quản trị BP không chỉ nằm ở việc sở hữu cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga mà còn là về mối đe dọa pháp lý mà hãng phải đối mặt sau sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico.

Cuộc họp cổ đông của BP dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 10.4 tới tại trung tâm ExCel ở thủ đô London.

Nhiều chuyên gia dự báo BP sẽ phải chịu nhiều áp lực tại đại hội cổ đông thường niên này trong việc giải thích quyết định mua lại 20% cổ phần của công ty dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga. Hiện nay mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang lâm vào tình trạng bế tắc do sự sáp nhập Crimea vào Nga.

{keywords}

Chủ tịch BP Bob Dudley (trái) và tổng thống Nga Putin. Hiện BP đang phải đối mặt với các chỉ trích do sở hữu cổ phần trong tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga. Ảnh: AFP

Theo nhà phân tích độc lập Louise Cooper, có một nguy cơ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ chiếm đoạt tài sản của các công ty phương Tây, trong đó bao gồm BP. Cổ phần của BP hiện nay chiếm một phần ba khối lượng sản xuất của Rosneft và cho phép BP tiếp cận với quyền được thăm dò dầu mỏ ở khu vực Bắc Cực vốn là phạm vi truyền thống của Nga.

Ngoài vấn đề với Rosneft, BP hiện còn đang phải đối mặt với các mối đe dọa pháp lý trong vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico hồi năm 2010. Mặc dù đã phải chi hàng tỉ USD bồi thường, tuy nhiên BP vẫn có thể phải đối mặt với hình phạt lên tới 20 tỉ USD nếu Bộ Tư pháp Mỹ tìm thấy bằng chứng cho thấy sự cẩu thả và tắc trách của BP trong thảm họa này.

Tuy vậy, theo nhận định của hai nhà phân tích thuộc ngân hàng HSBC thì: “Trong trường hợp BP bị phán quyết là cẩu thả và tắc trách thì bảng cân đối tài chính của họ trông vẫn đủ mạnh để thỏa mãn các dự toán của chúng tôi, đồng thời chúng tôi mong chờ sẽ một tiến trình kháng cáo kéo dài nhiều năm và nó có nghĩa là tác động tài chính trong ngắn hạn sẽ bị hạn chế”.

Cũng theo hai nhà phân tích, chiến lược phát triển được công bố hồi đầu tháng 3 của BP đã “làm tốt việc chuyển trọng tâm chiến lược từ thảm họa ở Vịnh Mexico sang việc phục hồi tiềm năng tăng trưởng dài hạn”.

Hiện giá cổ phiếu của BP vẫn dao động xung quanh mức 809 USD, thấp hơn nhiều so với mức 1.077 USD trước khi xảy ra thảm họa ở Vịnh Mexico.

(Theo Guardian/Một thế giới)