Thuyền thúng tre của lão ngư Phan Liêm (68 tuổi, tổ 22A, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã xuất ngoại qua Nhật, Úc, Philippines, Tây Ban Nha…

Công phu làm thuyền thúng

Gần 70 tuổi nhưng ông Phan Liêm (tổ 22A, phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) đã gắn bó với nghề làm thuyền thúng hơn 30 năm. Ông bảo, trước đây, thuyền thúng có chức năng đánh bắt gần bờ, khoảng 2-3km, hoặc thường được mang theo tàu lớn. Gần đây, thuyền thúng được sử dụng làm phương tiện phục vụ du lịch để khách câu mực đêm.

Hơn 50 năm trước, làng biển này có tới 4-5 hộ làm thuyền thúng mà mỗi hộ cũng cả chục người. Cứ 3 giờ sáng, đèn các nhà nghề sáng trưng, lục đục gót, chẻ, đan… vui như hội. Mới đó mà cả làng giờ chỉ còn 2 hộ làm thúng vì đám thanh niên nói nghề này vừa đau lưng vừa thu nhập thấp.

Nhà ông Liêm có bốn đời làm nghề và cháu nội ông hiện mới 15 tuổi cũng nhất định theo cha học nghề. Nhưng ông bảo, để làm được thuyền thúng không đơn giản. “Nhìn chiếc thuyền thúng giản đơn như thế nhưng công đoạn làm thuyền không hề dễ dàng đâu. Những ngày đầu tôi chỉ gọt tinh tre (vỏ xanh bên ngoài) cho tay quen với dụng cụ, sau đó mới học ra tre, chẻ nan, vót nan, đan, lận thúng cho tròn…Phải có tay nghề giỏi mới làm được công đoạn lận thúng vì nếu không thúng sẽ không được tròn. Và phải cần người có sức khỏe để dùng kít kéo sát vành thúng và các nan đan lại vào nhau. Đến giờ mà tôi còn nhớ như in đôi cánh tay trần của cha bóng nhẫy mồ hôi, căng lên để siết cước cho chặt đấy” - ông Liêm chia sẻ.

Để thuyền thúng có thể xuống nước không bị vào nước phải trét phân bò đều đặn lên thuyền. Phân bò phải pha với nước theo tỷ lệ hợp lý để không quá khô, không quá nhão. Phân bò khô khi xuống nước sẽ nở ra, trám hết các lỗ hở giữa các nan tre. Nếu không có phân bò thì nước sẽ ngấm vào trong, dù có dùng keo gì thay thế cũng không được. Ông bảo: “Ngày xưa đi xin thứ này dễ lắm, giờ phải về tận quê đặt mới có. Bây giờ kiếm đâu ra giữa đất thành phố văn minh này, mà đến nông thôn bây giờ cũng ít nhà nuôi bò”. Sau khi trét phân bò thì đem phơi khô, rồi quét dầu rái 2-3 lần cả mặt trong và mặt ngoài thúng, sau đó phơi nắng.

{keywords}

Dù đã gần 70 tuổi nhưng ông Liêm vẫn miệt mài làm thuyền thúng để xuất ngoại.

Khâu chọn mua tre cũng phải kỹ càng, chọn tre miền núi để có độ dẻo sai cao, và tuổi đời của tre phải từ 1,5 năm trở lên. Mỗi chiếc thuyền nhỏ đường kính 1,4m có giá 1,6 triệu đồng nhưng phải cần tới 10 cây tre.

Thuyền thúng sang các nước

Bình quân, mỗi tháng gia đình ông đan khoảng 15 cái thuyền, loại lớn đường kính 2,2m có giá 2,5 triệu đồng/chiếc. “Tính ra, mỗi ngày công, một người thợ thu được 200 ngàn đồng, chỉ lấy công làm lời”- ông Liêm nói.

Ông nói, tuổi đời của thuyền thúng tre xưa kia chỉ 5-7 năm nhưng nay nhờ sơn hóa học đã kéo dài được 15 năm. Tuy vậy khi gặp sự cố, thúng bị thủng thì việc vá còn khó hơn làm một chiếc thúng mới. Bởi thế, ngư dân Việt giờ không còn ưa thích dùng thuyền thúng truyền thống mà chuyển qua dùng thuyền nhựa.

Ông kể, năm 2000, có một đoàn khách du lịch ở Úc đi dạo, vô tình thấy cha con ông làm thuyền thúng và họ đưa ra ý định mang thuyền thúng Việt Nam về nước làm du lịch. Người phiên dịch nói với ông rằng: “Họ muốn tạo nên “một góc Việt trong lòng nước Úc”. Ông bảo, thế thì hay quá, người Việt mình đi xa quê, nhìn chiếc thuyền thúng này cho bớt nhớ quê. Hồi ấy, người Úc đặt mười mấy chiếc thuyền, xong rồi cả nhà đóng thùng cho họ mang về nước.

Đó là mẻ xuất ngoại đầu tiên của thuyền thúng Việt. Sau đoàn khách du lịch Úc, ông tiếp tục làm cho khách Philippines (30 chiếc), Nhật Bản (20 chiếc)...

Vén chiếc áo xanh đã bạc màu nắng lau mồ hôi, ông Liêm nói “Tui không dám nghĩ là họ thích thuyền thúng đến thế. Bởi như Nhật hay các nước khác, người ta có công nghệ hiện đại thì cần gì đến thuyền thúng đơn sơ của mình. Ấy vậy mà họ mê lắm. Nghề này cũng như nhiều nghề khác, không có gì thú vị cả, chỉ là công việc mưu sinh hàng ngày nhưng tôi thấy vui vì sản phẩm của mình được xuất ngoại” - ông Liêm chia sẻ.

Theo Dân Việt