- Sau giai đoạn một với 9 ngân hàng yếu kém đã cơ bản hoàn tất, việc tái cơ cấu ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Thông tin từ NHNN cho biết sẽ có 6 -7 NH nữa sáp nhập, hợp nhất. Qua hai đợt tái cơ cấu sẽ có khoảng 15 ngân hàng bị loại khỏi hệ thống. Kéo theo đó, chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn về vị thế của các đại gia NH.
Các âm mưu mới
Thị trường tài chính Việt Nam một tháng gần đây lại nổi sóng với hàng loạt các thông tin liên quan tới việc mua bán sáp nhập NH được giữ kín đồng loạt công bố.
Thông tin Southern Bank bất ngờ có kế hoạch sáp nhập vào Sacombank thay vì Eximbank sáp nhập với Sacombank như đã từng xới lên trước đó, chưa kịp lắng xuống thì giới đầu tư đón nhận thêm thông tin 3 thương vụ nữa có thể diễn ra.
Đầu tuần trước, thông tin Maritime Bank sẽ trình cổ đông thông qua sáp nhập một tổ chức tín dụng. Thông tin chưa công bố chính thức nhưng hé lộ ban đầu cho biết đó là Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDBbank). Hiện Maritime Bank đang là cổ đông lớn nhất tại MDBank với hơn 10%.
Sau đó, thông tin Vietcombank (VCB) có thể sẽ đón nhận một NH khác về với mình cũng đã lan tỏa và góp phần vào làn sóng mới trong lĩnh vực này. Vietcombank sẽ xin ý kiến cổ đông về vấn đề này trong đại hội vào ngày 23/4 tới. Danh tính của “đối tác” cũng chưa được tiết lộ.
Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) nhiều khả năng sẽ “về với” VietinBank với khoảng 99% cổ phiếu PGBank sẽ được hoán đổi sang VietinBank.
Có nhiều ngân hàng sẽ sáp nhập với nhau |
Ngân hàng Quân đội (MBB) mới đây cũng cho biết sẽ trình cổ đông kế hoạch tận dụng các cơ hội để thâu tóm, sáp nhập một NH.
Thông tin về các vụ sáp nhập được đồng loạt tung ra trong bối cảnh các NH bước vào kỳ đại hội năm 2014. Đây là thời điểm để các đơn vị xin ý kiến cổ đông cho các vấn đề lớn, trong đó có tái cấu trúc vốn.
Làn sóng sáp nhập mới đang nổi lên chính vòng 2 của cơn bão mua bán sáp nhập trong lĩnh vực NH sau một số thương vụ trong các năm trước và được coi như vòng 1 của quá trình tái cấu trúc như: SHB-Habubank; 3 ngân hàng SCB - Đệ Nhất - Việt Nam Tín Nghĩa hợp thành SCB; Western Bank với PVFC thành PVcombank (2013).
Cho đến thời điểm này, thông qua hoạt động của các HN đã hợp nhất, sáp nhập trong đợt đầu có thể thấy nhiều đơn vị thay đổi theo hướng ngày càng tích cực. Những cái tên SHB hay Pvcombank… là những kết quả tốt đẹp.
Trong những ngày cuối cùng năm 2013, Ngân hàng Đại Á (DaiA Bank) đã chốt danh sách cổ đông để hoán đổi cổ phiếu DaiABank thành cổ phiếu Hdbank hoàn tất thut tục của việc sáp nhập.
Điểm mới của vòng 2
Có thể thấy, trong “vòng 2” lần này, các thông tin phát ra cho thấy, đã bắt đầu xuất hiện những cái tên lớn tham gia vào quá trình M&A như Vietcombank, VietinBank và Sacombank. Đây có lẽ là đặc điểm khác với vòng trước đó và nó hứa hẹn giúp thị trường có được các NHTM có quy mô và trình độ tương đương với các NH trong khu vực, chứ không chỉ còn nhăm nhăm tới mục tiêu giảm nợ xấu, cải thiện thanh khoản, tránh đổ vỡ như trước đó.
Trên thực tế, sáp nhập các NH lại với nhau nằm trong Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 3/2012. Theo đó, mục tiêu là nhằm cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng trạnh canh lớn hơn và dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị NH tiên tiến phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Nhiều NĐT kỳ vọng làn sóng M&A trong lĩnh vực NH lần này sẽ có nhiều biến đổi về chất. Tuy nhiên, không ít người cho rằng nhiều NH vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề yếu kém nên gộp lại với nhau chưa hẳn đã mạnh lên mà có khi còn phải dắt díu nhau vượt khó trong một thời gian dài.
Nhiều NĐT kỳ vọng làn sóng M&A trong lĩnh vực NH lần này sẽ có nhiều biến đổi về chất |
Hồi đầu tháng 4/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, hệ thống NH vẫn đang đối mặt với tỷ lệ nợ xấu cao, vẫn ở mức khoảng 7% và sẽ “xử lý” từ 6-7 NH thông qua sáp nhập. Trong những cái tên bị sáp nhập vừa được công bố, vẫn còn có NH được đánh giá yếu kém.
Có một điểm có lẽ là chung ở 2 đợt tái cấu trúc lần này là khi một vụ sáp nhập được công bố ra bên ngoài thì các công việc chính đều đã được chuẩn bị trước. Và sau khi được công bố, việc sáp nhập sẽ được thực hiện rất nhanh sau đó.
Một số chuyên gia NH gần đây cho rằng, việc sáp nhập các NH càng nhanh càng tốt bởi hệ thống NH Việt Nam hiện quá đông và việc xử lý nợ xấu cũng cần phải làm dứt điểm, không kéo dài. Số lượng NH có thể giảm hơn một nửa xuống còn khoảng 15 đơn vị vào cuối 2017.
Kế hoạch là vậy nhưng nhiều người lo ngại liệu các NH được coi là lành mạnh có gánh được các NH yếu với khối nợ xấu đầy trên mình hay không? Vốn tập trung hơn thì khả năng cho vay DN lớn là dễ dàng và nếu rủi ro thì món nợ đối với các DN đó so với quy mô vốn lớn sẽ không nguy hiểm hay không?
Có thể thấy, xử lý nợ xấu là một việc cần làm ngay, cái ung nhọt cần được cắt bỏ. Tuy nhiên, việc cắt bỏ như thế nào và đánh giá hiệu quả của việc làm đó cũng quan trọng. Sự gượng ép hoặc làm theo chỉ đạo, theo chủ trương có thể phản tác dụng. Sự thay đổi về vị thế của các ông chủ trong các NH yếu kém có lẽ sẽ phải diễn ra mạnh mẽ hơn.
Mạnh Hà