- Thời còn hoành tráng, Nguyễn Đức Kiên - bầu Kiên đã từng là tâm điểm của nhiều điểm nóng. Những lĩnh vực mà ông trùm dính tay vào như ngân hàng, vàng, chứng khoán, bóng đá... đã có nhiều biến động sau hai năm bầu Kiên vào tù.

Trung tâm của các điểm nóng

Năm 2011, làng bóng đá nổi sóng với kỷ lục chuyển nhượng gắn với Công Vinh. Tiền đạo người xứ Nghệ nhận khoản tiền "lót tay" cả chục tỷ đồng nhưng người thực sự được dư luận quan tâm và tìm hiểu nhiều hơn chính là bầu Kiên. Một doanh nhân uy quyền và kín tiếng bỏ tiền vào làm bóng đá nhưng dường như không màng tới danh hiệu.

Mặc dù không đổ tiền ồ ạt nhưng mỗi lần tung tiền hay phát ngôn, hành động của bầu Kiên đều thực sự gây sốc.

Danh tiếng của ông nổi như cồn sau Hội nghị tổng kết mùa giải 2011 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với vụ làm "khách không mời" "cướp diễn đàn", phát biểu vỗ mặt, nhằm vào những tiêu cực, yếu kém của giải bóng đá và trách nhiệm VFF. Vụ việc được báo chí đưa rầm rộ cả tháng trời.

Sau đó là cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình mà bầu Kiên cũng là tâm điểm với những tuyên bố và hành động gây sốc.

Nổi với bóng đá, vượt cả những ông bầu nổi tiếng như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển, bầu Thụy, bầu Thọ... nhưng đây không phải là sở trường của đại gia này. Quyền lực của bầu Kiên nằm ở lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

{keywords}

Những lĩnh vực mà ông trùm này dính tay vào như ngân hàng, vàng, chứng khoán, bóng đá... đã có nhiều biến động sau 2 năm

Tại buổi tổng kết của VFF, chính bầu Kiên đã nhấn mạnh tầm ảnh hưởng đối với NH Eximbank: "Với tư cách là cổ đông chính của Eximbank, tôi đề nghị Eximbank yêu cầu Liên đoán bóng đá Việt Nam xem xét, chấn chỉnh giải bóng đá vô địch quốc gia... ".

Không ai biết bầu Kiên nắm bao nhiêu cổ phiếu tại các NH, chỉ biết rằng, giới tài chính nói về doanh nhân này với vẻ e dè và truyền tai nhau như một ông trùm trong ngành NH. Những lời đồn đại khi đó cho rằng, bầu Kiên nắm giữ cổ phiếu và có ảnh hưởng lớn ở cả ACB, Eximbank, Sacombank, VietBank, Kiên Long, Đại Á, Techcombank.

Tại ACB, bầu Kiên nằm trong Hội đồng sáng lập và cùng với những người có liên quan nắm giữ gần 10% cổ phần, trong đó riêng ông Kiên và vợ Đặng Ngọc Lan nắm giữ gần 8%.

Trong lúc hệ thống NH chao đảo vì thanh khoản thì ACB lại dư thừa tiền do người dân gửi quá nhiều. Ông Kiên khi đó tiếp tục là trung tâm của điểm nóng này với chỉ đạo giữ tiền, không để giảm tài sản của ACB - một quyết định mà sau này đã dẫn tới hậu quả mất hàng trăm tỷ đồng, đưa một loạt các lãnh đạo đối mặt với vòng lao lý.

Bầu Kiên cũng đã nhúng tay vào rất nhiều lĩnh vực khác như du lịch, may mặc, bất động sản... với nhiều "ghế nóng" tại Du lịch Chợ Lớn, Du lịch Thiên Minh (sở hữu chuỗi khách sạn Victoria), Caltex, Liên doanh KFC Việt Nam...

Những gì còn lại

TTCK ngày 21/8/2012 chứng kiến một kịch bản đen tối nhất trong lịch sử.

VN-Index đóng cửa giảm hơn 20 điểm (-4,67%) mà nguyên nhân chính được cho là do "ông Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo ngân hàng ACB bị bắt". Nhóm cổ phiếu NH giảm sàn đồng loạt. ACB, EIB và STB là ba cổ phiếu NH liên quan tới bầu Kiên đều có dư bán sàn hàng triệu cổ phiếu.

Trong 3 phiên, TTCK đã bốc hơi gần 4 tỷ USD - một hậu quả mà ít người hình dung được khi mà nguyên nhân chỉ là do một doanh nhân không có một cái ghế chính danh nào trong hệ thống NH bị bắt giữ.

{keywords}

Liên quan đến vụ bầu Kiên, hàng loạt lãnh đạo bị khởi tố

Cũng sau khi bầu Kiên bị bắt, tháng 11/2012 Công ty cổ phần thể thao ACB, đơn vị sở hữu CLB bóng đá Hà Nội (V-League) và CLB bóng đá trẻ Hà Nội (hạng nhất), tuyên bố hai CLB của bầu Kiên không tham dự mùa giải 2013 và bị giải tán vì không có kinh phí.

Liên minh VPF - tổ chức do các ông bầu bóng đá sáng lập mà công đầu thuộc về cú "cướp diễn đàn" của bầu Kiên cũng mờ nhạt dần dần.

Trên thị trường vàng, sau khi bầu Kiên bị bắt, chênh lệch giá vàng Việt Nam và thế giới tăng chóng mặt cho dù NHNN tuyên bố có đủ vàng để cung cấp ra ngoài.

Một câu hỏi đã được đặt ra là tại sao bầu Kiên chỉ "nói miệng chỉ tay" mà gây ra khủng hoảng lớn đến như vậy trên thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán và vàng?

Theo Cáo trạng của VKSNDTC, ông Nguyễn Đức Kiên bị truy tố 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, hàng loạt lãnh đạo khác cũng bị khởi tố bao gồm: ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, đều nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên TGĐ ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên là thành viên thường trực HĐQT ACB.

Thông tin ban đầu cho thấy, các bị can đã gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng xảy ra tại ACB. Bầu Kiên tham gia vào hàng loạt các sai phạm, từ kinh doanh vàng qua tài khoản cho tới ủy thác tiền gửi gây ra thiệt hại lớn do mắc phải bẫy của "siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như.

Hơn 1 năm rưỡi sau khi bầu Kiên bị bắt, hầu hết các thị trường đã ổn định trở lại. TTCK thậm chí còn tăng tới 37% so với thời điểm đó. Thị trường vàng không còn tình trạng "lực lượng vô hình" mua vào và chênh lệch giá trong nước với quốc tế giảm xuống còn khá thấp.

NH là nhóm duy nhất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá cổ phiếu phục hồi nhưng không nhiều, quá trình tái cơ cấu vẫn còn nhiều việc phải làm.

Một vấn đề vẫn khiến nhiều người trăn trở là về khả năng "làm mưa làm gió" của bầu Kiên và hậu quả lớn đối với hệ thống NH. Không ít người lo ngại, những "con sâu" sẽ dần bị loại bỏ, sẽ dần phải ra đi nhưng có cái luôn ở lại đó là các khoản nợ...

Mạnh Hà