Chỉ trong 5 ngày, số tiền 10 đại gia Việt bị mất đủ mua 22 chiếc máy bay của bầu Đức.
Tuần qua là chuỗi ngày mất mát nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm tới nay. Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam hao hụt nhiều nhất vì họ sở hữu lượng cổ phiếu khổng lồ. Chỉ sau 5 phiên giao dịch, 10 đại gia Việt đã mất gần 3.396 tỷ đồng, tương đương hơn 154 triệu USD.
Với số tiền hao hụt này, 10 đại gia có thể mua được 22 chiếc máy bay của đầu Đức. Năm 2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Lai tậu chiếc máy bay 12 chỗ mang tên Beechcraft King Air 350, số seri FL-417 do hãng Raytheon Aircraft (Mỹ) sản xuất. Giá bán được tiết lộ là khoảng 7 triệu USD.
Tuy nhiên, đây chỉ là giả sử vì hiện tại không có gì thay đổi được sự thực là gần 3.396 tỷ đồng đã “bốc hơi” khỏi tài khoản của những đại gia hàng đầu Việt Nam như ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), ông Trần Đình Long, ông Hà Văn Thắm, ông Đặng Thành Tâm,...
Chiếc máy bay trị giá 7 triệu USD của bầu Đức |
Cụ thể, trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bầu Đức chịu thiệt hại khá nặng khi cổ phiếu HAG giảm 1.900 đồng/CP xuống 26.300 đồng/CP. Sự sụt giảm này của HAG đã lấy đi của đầu Đức 592 tỷ đồng. Tài sản trên thị trường chứng khoán của bầu Đức “chỉ” còn 8.195,22 tỷ đồng. Bầu Đức vẫn vững vàng ở vị trí thứ 2.
Mặc dù vị trí thứ 3 chưa có dấu hiệu bị lay chuyển nhưng tuần qua, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát cũng chịu mất mát lớn khi HPG giảm mạnh, giảm 4.000 đồng/CP. HPG khiến giá trị cổ phiếu ông Long nắm giữ “bốc hơi” 404,24 tỷ. Khoản thiệt hại của ông Long càng lớn nếu tính cả số cổ phiếu mà bà Vũ Thị Hiền, vợ ông nắm giữ. Tuần qua, bà Hiền mất 123,81 tỷ đồng.
MSN là blue-chip có tốc độ giảm mạnh nhất tuần khi mất tới 8.500 đồng/CP. MSN đóng cửa tuần ở mức 89.500 đồng/CP. Tuy nhiên, do số lượng cổ phiếu sở hữu khiêm tốn hơn so với bầu Đức hay ông Long nên các sếp lớn của Masan “chỉ” mất hơn 100 tỷ đồng.
Cụ thể, bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Ma San mất 185,13 tỷ đồng. Ông Hồ Hùng Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Tập đoàn Ma San mất 134,03 tỷ đồng. Hai sếp lớn Masan phải chứng kiến 319,16 tỷ đồng.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Dương cùng chung xu hướng mất mát với nhiều đại gia Việt khi cổ phiếu OGC giảm 2.000 đồng/CP xuống 10.900 đồng/CP. Sự sụt giảm này của OGC đã hô biến 272,86 tỷ đồng bay khỏi túi ông Thắm.
Trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc nắm giữ nhiều loại cổ phiếu nhất. Nhưng quan điểm “không bỏ trứng vào 1 giỏ” không giúp ông Tâm tránh khỏi rủi ro khi tất cả các cổ phiếu ông nắm giữ đều đi xuống.
Sau 1 tuần giao dịch, KBC giảm 1.900 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP. KBC khiến giá trị cổ phiếu KBC mà ông Tâm sở hữu giảm tới 192,38 tỷ đồng. Ông Tâm còn thiệt hại lớn hơn khi ITA “móc túi” ông 25,48 tỷ đồng sau khi giảm 1.400 đồng/CP. Thiệt hại của ông Tâm còn tăng lên vài tỷ nếu tính cả sự đi xuống của SGT, cổ phiếu mà ông nắm giữ hơn 17,5 triệu đơn vị.
3 đại gia họ Phạm mất tới 1.465,92 tỷ khi cổ phiếu họ nắm giữ giảm 4.000 đồng/CP. Có thể thấy, đây là tuần mất mát rất lớn của các đại gia trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần qua, ACB lại nóng lên khi vụ án bầu Kiên bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán của nhà đầu tư, ACB không “lao dốc” mà chỉ giảm rất nhẹ. Sau 5 phiên giao dịch, ACB chỉ giảm 200 đồng/CP xuống 16.700 đồng/CP. Trong tuần, ACB có tới 2 phiên tăng giá, 2 phiên giảm và 1 phiên đứng giá.
Sự mất mát nhẹ của ACB chỉ khiến khối tài sản đã bị phong tỏa của bầu Kiên hao hụt chút ít. Cụ thể, giá trị ACB của vợ chồng bầu Kiên mất 14,74 tỷ đồng.
(Theo VTC)