Hiện có tình trạng những người nuôi bệnh thuê lợi dụng lúc người bệnh trở nặng đã nâng giá, "chặt chém" thân nhân người bệnh.

Trong vai người muốn thuê ôsin chăm sóc ông đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi được cô bán trà đá ở cổng viện sốt sắng giới thiệu. Chừng 10 phút sau có hai phụ nữ quê Thanh Hóa là “ôsin bệnh viện” có thâm niên bảy năm ra gặp. Về lương, một chị tên Hằng bảo: “Ở đây có mức hết cả rồi, những người có thâm niên trong nghề như bọn chị, chăm sóc cụ cả ngày lẫn đêm là 300.000 đồng/ngày, sau năm ngày trả lương một lần”.

Tham khảo thêm một số người khác, chúng tôi được biết mức thù lao 150.000 - 200.000 đồng/ngày cho người mới vào nghề và 250.000 - 300.000 đồng/ngày cho người có kinh nghiệm. Giá tiền còn phụ thuộc vào bệnh tật của bệnh nhân. Với những bệnh hiểm nghèo có thể lây nhiễm như Lao, HIV thì tiền công sẽ cao gấp 2 - 3 lần so với bình thường. Mỗi ôsin lâu năm có thể kiếm 6 – 12 triệu đồng/tháng với nghề này.

Những ôsin không có bằng cấp chuyên môn, nhưng rất lành nghề vì “trăm hay không bằng tay quen”, người này học hỏi người kia. Đây là nghề không phải nhẹ nhàng và phải thường xuyên sống trong môi trường bệnh viện. Nhiều người làm vì mưu sinh và vì sự cảm thông, sẻ chia với người không may mắn bị bệnh tật, nhưng thực tế cũng có không ít người chạy theo đồng tiền một cách bất nhẫn.

{keywords}
Ảnh minh họa

Anh Hoàng Quốc Việt, thuê ôsin chăm sóc mẹ mình bị bệnh tiểu đường ở Viện Lão khoa kể lại: “Tôi có thuê một cô giúp việc với giá 300.000 đồng/ngày. Mới đầu vào thì cô này tháo vát, nhanh nhẹn chăm sóc bà cụ chu đáo. Nhưng kể từ khi bà cụ nguy kịch phải nằm sang phòng cấp cứu thì cô ta thay đổi thái độ, nói ở nhà có việc riêng, chồng bảo phải về quê, nhưng cốt là để đòi thêm tiền. Tôi đã phải bấm bụng trả đến 700.000 đồng/1 ngày cô này mới chịu ở lại chăm sóc mẹ tôi”.

Bà Phan Thị Hợp, 42 tuổi, quê Thanh Hóa, ra Hà Nội làm ôsin đã được bảy năm giãi bày: “Nhiều người như cô, giúp việc lấy tiền nhưng thấy bệnh nhân ốm đau khổ sở nên vừa làm thuê vừa giúp họ, chỉ tính giá trung bình. Tuy nhiên, cũng có không ít người chạy theo đồng tiền. Ban đầu họ nhận chăm sóc bệnh nhân 200.000 đồng/ngày nhưng khi bệnh nhân biến chứng ốm nặng thì họ hét giá đến cả triệu đồng, làm mấy ngày nhận tiền rồi đi kiếm người thuê mới”.

Một ôsin giấu tên kể: “Có hẳn đội chuyên tạo khan hiếm ôsin giả. Nghĩa là khi có người ốm nặng thì tăng giá cao ngất ngưởng, người nhà đi thuê người khác thì được “phím” trước nên không ai nhận lời, ai cũng bảo bận, nên buộc phải thuê lại ôsin cũ với giá cao. Sau đó chia chác với nhau”.

Hiện chưa có quy định nào về quản lý ô sin bệnh viện, họ làm việc chủ yếu theo thỏa thuận với gia đình người bệnh và chỉ hợp đồng miệng, nên gần như không có ràng buộc pháp lý nào. Từ câu chuyện này, thiết nghĩ, cần có sự quản lý để giải quyết hài hòa quan hệ đôi bên.

(Theo PLO)