Nếu tín dụng tăng trưởng dựa vào trái phiếu Chính phủ, phần lớn cho DNNN thì sẽ chèn lần doanh nghiệp tư nhân, nền kinh tế khó phục hồi. Đó là lo ngại của nhiều chuyên gia kinh tế sau bức tranh tổng quan thị trường tài chính vừa được Ủy ban giám sát tài chính quốc gia công bố.

Vốn chảy đi đâu?

Tín dụng đã thoát tăng trưởng âm, nhưng vẫn chậm chạp. Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tính đến ngày 22/4 chỉ tăng 0,62%. Trước đó, 2 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng trưởng âm.

Tại lễ công bố Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2013, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá, tín dụng tăng trưởng thấp là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hạn chế.

Nếu như từ năm 2010 trở về trước, tín dụng luôn tăng trưởng trên 30%, đỉnh cao nhất là năm 2007, tăng tới 48,9% thì 3 năm gần đây, tín dụng tăng trưởng chỉ trên dưới 10%. Sau nhiều nỗ lực của ngành ngân hàng, tín dụng năm 2013 tăng 12,5%.

{keywords}
Vốn không chảy nhiều vào sản xuất (ảnh mang tính minh họa)

TS  Nguyễn Đình Cung, Quyền Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận: “Phải làm rõ, tín dụng cho ai, đi đâu? Tín dụng tăng là nhờ trái phiếu Chính phủ, là cho DNNN hay doanh nghiệp tư nhân.

“Nếu ngân hàng là một đơn vị kinh doanh, tiền cho Chính phủ vay cũng như cho người khác vay. Nhưng xét về hiệu quả cho nền kinh tế thì không phải thế, tiền cho Chính phủ vay có hiệu quả không, có chèn lấn tư nhân không?”, ông Cung nói.

Ông bày tỏ, nếu vốn cho Chính phủ vay mà lại sử dụng kém hiệu quả, chèn lấn tư nhân thì tiềm năng tăng trưởng kinh tế thu hẹp, có thể giải quyết vấn đề năm nay nhưng những năm sau sẽ phát sinh.

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế cũng cho rằng, tín dụng tăng được như vậy là một dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, nhưng cũng phải xem kỹ xem nguồn tín dụng đó chảy vào đâu là nhiều?.

Phân bổ méo mó

Lo ngại của các vị chuyên gia kinh tế là có cơ sở. Ngân hàng Nhà nước cho hay tín dụng tháng 3 tăng dương trở lại ở mức 1,35%. Tuy nhiên, lại có tới 1,09% là vốn dành cho trái phiếu Chính phủ.  

{keywords}
Vốn huy động tăng gấp 5 lần tăng trưởng tín dụng

Tính đến 28/3, tổng lượng trái phiếu Chính phủ đã phát hành là 81.600 tỷ đồng và các nhà băng đã mua tới 83% lượng trái phiếu này. Số dư trái phiếu Chính phủ các ngân hàng mua tăng thêm trong 3 tháng đầu năm khoảng 43.000 tỷ.

Khi đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ cũng là một sự linh hoạt, vừa đem lại hiệu quả đầu tư của nguồn vốn huy động phải trả lãi, đồng thời tăng dự trữ thanh khoản, phù hợp trong điều kiện tín dụng đang tăng trưởng thấp. Hơn nữa, theo quy luật, đầu năm tín dụng thường tăng thấp, cuối năm mới tăng cao.

Tuy nhiên, nhìn vào bảng biểu cơ cấu tín dụng quý I, có thể thấy, hầu hết các nhóm ngành ưu tiên đều không tăng đáng kể. Dự nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm. Tín dụng cho nông thôn chỉ tăng có 1,5%, cho công nghẹ cao chỉ tăng 0,41%, cho công nghiệp hỗ trợ tăng 1,73% và cho xuất khẩu cũng chỉ tăng 1,28%.

Báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia vừa công bố cũng không tách rõ số liệu về cơ cấu tín dụng. TS Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Ở đây liệu có mối liên hệ gì giữa thị trường bất động sản và thị trường tài chính?. Chính phủ huy động nhiều quá thì vốn vào kinh tế tư nhân ít. Tiếp nữa, số vốn tín dụng vào doanh nghiệp thì DN tư nhân thực sự được bao nhiêu?”

Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng, việc phát hành trái phiếu vừa qua của Chính phủ là nằm trong kế hoạch. Đến hến hết quý I, đã phát hành khoảng 100.000 tỷ đồng là trong kế hoạch, không có gì là đột xuất. Chúng ta đang cố gắng chia đều mức độ giải ngân trái phiếu Chính phủ trong các quý để nền kinh tế tránh được tình trạng giật cục như các năm trước, lúc đó quý I quý II thường giải ngân ít mà dồn dập giải ngân từ quý III đến quý IV.

“Vốn đưa qua trái phiếu không phải là dành riêng cho DNNN như nhiều người suy luận. Bởi vốn trái phiếu dành cho đường Hồ Chí Minh hay Quốc Lộ 1 A, nhà thầu những công trình này không phải DNNN”, ông Kiên nói.

Trước những lo ngại của các chuyên gia kinh tế, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, hiện nay ta đang rơi vào tình thế tín dụng không ra được, nên Chính phủ phải điều tiết nền kinh tế bằng tăng đầu tư của DNNN lên. Nhìn góc độ khác, việc Chính phủ tăng phát hành trái phiếu điều tiết là hệ quả tình trạng nền kinh tế hiện nay.

Theo ông, vấn đề chính là cầu tín dụng thấp. DN tiêu thụ được hàng hóa mới vay. Nhiều DN chỉ sản xuất dưới công suất, không có nhu cầu mở rộng nên không vay vốn. Tín dụng tăng trưởng sẽ song hành với tín hiệu phục hồi nền kinh tế.

“Tuy nhiên, vừa rồi, tín dụng DN tư nhân còn ít, Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia có quan tâm, khảo sát số liệu thì thấy, tín dụng năm qua tập trung tập đoàn, Tổng công ty nhiều quá. Nhưng đó mới là cảm nhận, số liệu tổng hợp được chưa đầy đủ, chưa rõ nét xu hướng nên chưa giám nhận định”, ông Ngoạn cho hay.

Tuy nhiên, TS Cung cho rằng, tín dụng không ra được không hẳn vì hấp thụ thấp, mà vì nghẽn ngay trong dòng của nó, có chỗ hấp thụ được thì vốn lại không đến. Việc phân bố tín dụng có thể có vấn đề, thị trường méo mó, có thể không dẫn được hoặc dẫn đến chỗ không phù hợp với nền kinh tế.

Phạm Huyền