Tại các chợ ở Việt Nam, không ít lần cơ quan chức năng phát hiện mực, gà, cá... là hàng thải loại Trung Quốc được nhập về bán cho người Việt.
Sáng sớm 15/4, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (công an quận Ba Đình, Hà Nội) bất ngờ kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản trong chợ Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình). Tại kho G2, cảnh sát bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, ở Ân Thi, Hưng Yên) là nhân viên khu thủy sản đang đổ hàng chục kg mực ôi, bốc mùi nhập lậu từ Trung Quốc vào các thùng phuy cỡ lớn chứa hóa chất công nghiệp để tẩy rửa, bán ra thị trường. |
Mực kém chất lượng đổ buôn giá chỉ 12.000 đồng/kg tại chợ Long Biên. Sau khi sơ chế, chủ hàng bán ra thị trường giá 50.000-60.000 đồng/kg. |
Dịp Tết Nguyên đán 2014, Công an Hà Nội phát hiện xe ô tô tải 500 kg - loại thùng kín - chở khoảng 300 kg cá tầm, đựng trong các túi nylon to bơm oxy. Lái xe khai, cá tầm đang vận chuyển có nguồn gốc từ Trung Quốc, thu mua trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ. |
Cá tầm được nuôi nhiều ở các tỉnh phía Bắc (Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Bắc Giang), gần khu vực biên giới với Trung Quốc. Lợi dụng việc này, dân buôn cá tầm Trung Quốc bắt tay với chủ các trang trại nuôi cá trong nước. Sau khi nhập cá “bẩn” về, thương lái sẽ thả nhờ xuống hồ nuôi 1-2 ngày, tìm cách hợp thức hóa thành hàng Việt. |
Tháng 12/2013, tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an kiểm tra xe ô tô tải BKS: 98C - 013.46, do lái xe Hoàng Trọng Sơn (34 tuổi, trú tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) điều khiển. Cơ quan chức năng phát hiện lượng lớn thuốc kích thích tăng trưởng cho giá đỗ. |
Theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, đây là các ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật. Loại này có tác dụng kích, thúc sự nảy mầm và sinh trưởng của cây trồng (dùng nhiều trong giá đỗ và cây su su…), để kìm hãm sự phát triển của rễ, thúc đẩy hình thành mầm hoa và nở hoa, quá trình tạo quả và sinh trưởng của quả. Chúng không nằm trong danh mục các hóa chất được phép sử dụng trong thực phẩm, do Bộ Y tế quy định và cũng không có trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. |
Trước đó, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng kiểm tra 2 kho hàng chứa thực phẩm đông lạnh số lượng lớn trong ngõ 491 Đê La Thành (Hà Nội). Lực lượng chức năng phát hiện nhiều thùng xốp chứa dung dịch ngâm chân gà bốc mùi, trắng nõn. |
Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng chưa xuất trình được bất cứ giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng. |
Mì chính Trung Quốc không kiểm định chất lượng, không hạn sử dụng, nhập lậu đang được làm giả các sản phẩm nổi tiếng. |
Các loại mì chính trôi nổi, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được bán tự do. Nhiều người mua về chia nhỏ, đóng gói vào các túi nylon giả làm bột ngọt thương hiệu lớn rồi đem bán lại. |
Nhiều năm nay, gà thải loại Trung Quốc vẫn đều đặn tuồn về Việt Nam. Gà Trung Quốc tồn dư các loại chất kháng sinh bị cấm sử dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng không được ngăn chặn triệt để. Một tiểu thương tại chợ Long Biên cho biết, gà thải loại sau khi được nhập về chợ sẽ hợp thức hóa thành gà phá đàn (loại gà đẻ nuôi lâu cho năng suất trứng thấp) và bán với giá đắt hơn gà công nghiệp |
Lợi nhuận từ buôn bán gà thải loại Trung Quốc rất lớn, các đầu nậu bán gà luôn tìm cách chống trả lực lượng làm nhiệm vụ. Cảnh sát có lần đã phải nổ súng trước việc dân buôn gà liều lĩnh đâm xe vào cảnh sát. |