- Ông chủ hãng taxi Mai Linh, ông trùm đồ gỗ Võ Trường Thành hay các thương hiệu lớn như Sông Đà, Viglacera, Cienco... đều đang nợ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội của người lao động.
Điểm mặt các đại gia chây ì
Cập nhật mới đây của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, hiện có hơn 500 doanh nghiệp đang nợ đọng tiền bảo hiểm bắt buộc từ 12 tháng trở lên, với quy mô trên 1 tỷ đồng/đơn vị. Tổng số nợ của các doanh nghiệp này là 1.700 tỷ đồng.
Phần lớn các khoản “nợ xấu” này đều thuộc những ngành một thời vàng son, hưng thịnh như bất động sản, xây dựng, gạch ngói, sắt thép, xây lắp, ô tô hàng hải, đóng tàu...
Trong lĩnh vực vận tải, Tập đoàn Mai Linh gần như đứng đầu. Một chuyên viên của bảo hiểm xã hội nhẩm tính, nếu cộng tất cả các đơn vị của Mai Linh trên toàn quốc thì ước số tiền này cũng lên tới gần 100 tỷ đồng.
Số tiền mà các DN trốn đóng bảo hiểm xã hội lên tới 1.700 tỷ đồng (ảnh minh họa) |
Tại TP.HCM, riêng công ty CP Mai Linh Miền Nam đã nợ bảo hiểm xã hội lên hơn 33 tỷ đồng, với 21 tháng nợ; công ty CP Mai Linh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc tỉnh Khánh Hòa nợ 13 tỷ đồng; công ty CP VTTH Mai Linh (Mai Linh Express) nợ 2,4 tỷ đồng với 12 tháng.
Các hãng taxi và vận tải nổi tiếng khác ở đây cũng nợ bảo hiểm hàng chục tỷ đồng, như taxi Chợ Lớn nợ 14 tỷ với 28 tháng, Duluxe taxi cũng nợ 12,3 tỷ trong 19 tháng, Công ty TMDV Vận tải Sài Gòn Bình Minh nợ tới 14 tỷ trong 28 tháng.
Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều ông chủ quen thuộc cũng dính “án” nợ bảo hiểm. Chẳng hạn như ở Hà Nội, Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng đã nợ 23 tháng, với số tiền 7 tỷ đồng; tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà Đất (Housing Group) đang nợ 1,3 tỷ trong 23 tháng, công ty CP Đầu tư xây dựng bất động sản Landmark đang nợ 1 tỷ với 16 tháng...
Đáng chú ý, các chi nhánh con của nhiều “ông lớn” Nhà nước như Lilama, Sông Đà, Licogi, Viglacera cũng nợ nần kéo dài, như Lilama 3 nợ 12 tỷ đồng, Viglacera Từ Liêm nợ 3,6 tỷ trong 17 tháng, cơ khí và xây dựng Viglacera nợ 3,6 tỷ với 23 tháng, Công ty CP Sông Đà nợ 3,7 tỷ, Sông Đà Thăng Long, Sông Đà Đông Đô, Sông Đà Việt Hà... nợ trung bình trên 1 tỷ.
Cơ quan BHXH cũng không tránh khỏi những công ty “chúa chổm” của Nhà nước, như Vinahsin tại Hải Phòng nợ tới 83 tỷ đồng trong 44 tháng, các đơn vị thành viên như đóng tàu Phà Rừng còn nợ 30 tỷ đồng, đóng tàu Bạch Đằng nợ 26 tỷ, đóng tàu Hạ Long nợ 38 tỷ đồng, công ty vận tải biển Vinalines 3 nợ 12 tỷ đồng...
Ở các lĩnh vực khác, nhiều đại gia Việt tưởng chừng giàu có, đình đám trên truyền thông cũng không thể hoàn thành nghĩa vụ của mình với người lao động. Chẳng hạn như Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương) của ông trùm gỗ Võ Trường Thành nợ tới 28 tỷ đồng, các chi nhánh như công ty chế biến gỗ Trường Thành nợ 7,9 tỷ với 21 tháng, Công ty Công nghiệp Trường Thành nợ 5,5 tỷ đồng...
Thương hiệu thời trang nổi tiếng là Nem cũng góp mặt khi nợ tới 4,2 tỷ đồng tiền bảo hiểm, Công ty TNHH Đất Xanh nợ 27 tháng với 1,2 tỷ đồng. Ở nhóm ngành ôtô, đại gia Xuân Huyên, chủ của công ty ôtô Xuân Kiên Vinaxuki cũng đang nợ tới 7,9 tỷ đồng của 36 tháng bảo hiểm.
Theo danh sách trên, ngoại trừ Vinashin thì số nợ bảo hiểm khủng nhất là Mai Linh, và công ty có thời gian nợ dài nhất là 89 tháng của công ty đóng tàu Hà Đức ở TP.HCM.
Cần trao quyền thanh tra cho BHXH
Trao đổi với báo chí, ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay, việc thu hồi nợ đọng tiền bảo hiểm của các đơn vị trên gần như bế tắc.
Những năm qua, khi cơ quan bảo hiểm các cấp phát hiện có vi phạm trốn đóng, nợ chây ì... thì chỉ được phép lập biên bản và... kiến nghị sở LĐ-TB&XH thanh tra, xử phạt hành chính. Song, thông thường cơ quan này cũng chưa xử lý ngay mà phải chờ thời gian nghiên cứu, xác minh thêm nên việc xử lý vi phạm rất chậm. Kết quả là, vừa qua, BHXH Việt Nam kiến nghị xử phạt hành chính khoảng 6.000 đơn vị, nhưng chỉ có 900 đơn vị bị phạt, tỷ lệ 15%.
Tại nhiều quốc gia như Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore,... cơ quan BHXH đều có quyền thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng... Tổ chức này tại các quốc gia thậm chí còn có quyền yêu cầu tòa án cưỡng chế, khởi tố hình sự đối với các ông chủ có vi phạm, yêu cầu các tổ chức liên quan kiểm tóan, tịch thu, bán tài sản của doanh nghiệp, hoặc thu hồi giấy phép linh doanh của doanh nghiệp...
Trong khi đó, ở Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ là đơn vị sự nghiệp có thu với nhiệm vụ tổ chức thực hiện thu và chi tiền bảo hiểm xã hội mà chưa được coi là một cơ quan quản lý nhà nước.
“Các cơ quan bảo hiểm xã hội cần được trao quyền thanh tra và xử phạt và cần xác định lại, cơ quan này có chức năng quản lý chế độ chính sách bảo hiểm xã hội. Khi đó, tình trạng nợ chây ì tiền bảo hiểm mới có hướng khắc phục được”, ông Liệu kiến nghị.
Phạm Huyền