Vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hoạt động phi pháp trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang gây ra căng thẳng cho quan hệ hai nước. Cùng với việc một số khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam treo bảng không đón tiếp khách hàng là người Trung Quốc, thì việc biểu lộ lòng yêu nước bằng các hành vi quá khích là những hành động không nên và không đáng có. Vì sao?
Tháng 9-2012, khi tàu Trung Quốc ngang nhiên tiến vào vùng tranh chấp với Nhật Bản (mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư, còn Nhật Bản gọi là Senkaku) thì tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa hai cường quốc này khiến cho thế giới tưởng rằng chiến tranh đã đến nơi. Nhật Bản lúc bấy giờ đã có động thái quân sự dứt khoát. Hàng loạt tàu Nhật đã rượt đuổi tàu Trung Quốc chạy té khói.
Khi những hình ảnh đó được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, lập tức dân Trung Quốc kéo nhau xuống phố, biểu tình chống Nhật. Những ẩn ức từ cuộc chiến trong quá khứ được đánh thức và thời sự hóa, người Trung Quốc dâng trào nộ khí, hăng hái đập phá các cửa hiệu Nhật Bản trên đất nước mình. Nhiều nhà máy, công xưởng Nhật trên đất Trung Quốc đã phải đóng cửa. Xe hơi do Nhật sản xuất bị đốt cháy. Và man rợ hơn, đoàn người quá khích còn tiến vào các cửa hàng sách, băng, đĩa để kéo khỏi kệ những sản phẩm văn hóa của các tác giả Nhật Bản, do Nhật Bản sản xuất.
Giàn khoan HD 981. |
Một mặt, Chính phủ Trung Quốc liên tục kéo tàu đi gây gỗ không chỉ với Nhật, mà còn với Việt Nam và Philippines, liên tục bị “bẽ mặt” trước dư luận quốc tế bởi những ứng xử đối ngoại tệ lậu tự vẽ nhọ lên mặt mình; mặt khác, trong nước thì cố kích hoạt chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi để dân chúng tẩy chay, thù hận những nước mà mình có tranh chấp. Và thật nực cười, đã có lúc tại Bắc Kinh xảy ra một chuyện ứng xử nhỏ nhen không thể tưởng: một nhà hàng đã treo bảng từ chối phục vụ người Nhật, Việt Nam, Philippines và... chó. Dĩ nhiên, trước cách hành xử tệ lậu theo kiểu chính trị hóa như vậy, khách hàng từ các quốc gia kia không chấp thì đã đành, mà đối tượng sau cùng trong danh sách bị từ chối phục vụ cũng đã không buồn đếm xỉa gì.
Còn nhớ, khi vòi rồng của các tàu Nhật Bản đuổi tàu Trung Quốc chạy dài trên biển Hoa Đông vào tháng 9-2012, thì sách của nhà văn Nhật bán chạy toàn cầu là Haruki Murakami đã bị người Trung Quốc lùa khỏi những giá sách. Rất bình thản và điềm đạm, Haruki Murakami có một tiểu luận trên tờ Asahi Shimbun (ngày 29-9-2012) với nhan đề Đừng say bằng thứ rượu rẻ tiền. Trong bài viết, ông ngầm ý chỉ trích các chính trị gia luôn mượn thứ “rượu rẻ tiền” có tên dân tộc chủ nghĩa, chuốc say dân chúng để phục vụ cho ý đồ chính trị phi pháp của mình. Trong nộ khí cao độ của chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị kích hoạt, những người dân “say bằng thứ rượu rẻ tiền” sẽ mất khả năng tự chủ, có hành vi bạo lực, ngôn ngữ khó nghe và thể hiện cảm xúc một cách xốc nổi mù quáng... Và sau những cơn say hung hăng đó, bao giờ cơ thể cũng mệt mỏi, mất sức kéo dài.
Chẳng biết những người Trung Quốc hung hăng có đọc bài báo đó hay không và họ được thức tỉnh ở mức độ nào. Nhưng một điều mà chúng ta dễ dàng thấy, đó là sau khi đoạt giải Nobel Văn học 2012, nhà văn Mạc Ngôn của Trung Quốc được dân Nhật đọc nhiều hơn. Trong khi đó, cứ hễ mỗi lần có đụng độ với Nhật trên biển, là y như rằng tại Trung Quốc sách Haruki Murakami và những tác giả Nhật Bản khác lại bị đám đông quá khích gạt bỏ khỏi quầy.
Không nên quy kết những ứng xử nhỏ nhen đó cho tâm tính hay căn tính dân tộc. Bởi như thế ta sẽ vô tình dễ bị tư duy dân tộc chủ nghĩa đánh lừa. Đó sẽ là một môi trường dung dưỡng sự kỳ thị mù quáng, thiếu tính nhân loại; dễ trở thành cái lò nung của bạo lực và chiến tranh.
Trở lại câu chuyện các nhà hàng, khách sạn tại Việt Nam đang bày tỏ thái độ yêu nước bằng cách tẩy chay người Trung Quốc hay một số công nhân quá khích phá hoại tài sản của doanh nghiệp... có thể nói ngay, đó là một lối hành xử không nên và không đáng có tại Việt Nam.
Đừng chống Trung Quốc theo “kiểu Trung Quốc”, theo thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà chính những người Trung Quốc “say rượu rẻ tiền” vẫn thường làm!
(Theo TBKTSG)