- Ra tòa, nhiều người mới biết đến mối quan hệ thân tình giữa bầu Kiên và đại gia Trần Đình Long. Song, cũng ở đây, người ta thấy hai người bạn quen nhau đã hơn 10 năm ấy “đá nhau” chan chát, và thấy được nỗi khổ mà họ đổ lên đầu nhau.

Song rồng “đá” nhau tại tòa

Trong ngày xét xử thứ 2 (ngày 21/5), một trong những trọng điểm được HĐXX làm rõ là về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó bị can là bầu Kiên và 2 nhân vật cấp dưới và bên bị hại là Tập đoàn Hòa Phát mà đại diện là chủ tịch Trần Đình Long, người giàu thứ 3 trên TTCK và là người bạn thân thiết của bầu Kiên hơn 10 năm qua.

{keywords}
Bầu Long, bầu Kiên, hai người bạn cùng sở thích bóng đá.

Cả ông Long và ông Kiên đều khẳng định đã quen biết nhau từ đầu những năm 2000 do cùng đam mê bóng đá và ăn cơm với nhau hàng ngày. Quan hệ rất thân thiết và do vậy, theo ông Kiên, là không thể lừa nhau, không thể không nói chuyện về số cổ phiếu mà công ty của ông định bán cho Hòa Phát là vẫn đang trong tình trạng thế chấp (tại Ngân hàng ACB).

Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên khi mà chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) nhiều lần được hỏi cho rằng, ông không biết về tình trạng bị thế chấp của 20 triệu cổ phiếu, tương đương 10% cổ phần của Công ty Thép Hòa Phát (một công ty con của HPG) mà HPG chi 264 tỷ đồng để mua lại từ CTCP Đầu tư Hà Nội ACB (ACBI) của bầu Kiên.

“Nếu biết số cổ phiếu này đã bị thế chấp thì tôi đã không mua” - ông Long khẳng định.

Ở chiều ngược lại, bầu Kiên phản bác cho rằng, cấp dưới của ông đã thông báo điều này và tiếp tục khẳng định, ông Long và ông Dương (TGĐ Hòa Phát) là bạn bè thân thiết lâu năm, đã hợp tác với nhau nhiều dự án. Và cũng vì là chỗ bạn bè nên mới đồng ý bán lại số cổ phần nói trên.

Hành vi của bầu Kiên và 2 nhân vật cấp dưới đang được tòa án xem xét. Khoản nợ trên thực tế đã được giải quyết và Hòa Phát đã ghi nhận khoản nợ thu được trong năm 2013. Nhưng qua đây, giới đầu tư rất ấn tượng về tình bạn 10 năm gắn bó giữa hai ông bầu, hai đại gia quyền lực, gắn liền với khoản nợ và việc đòi nợ không mong muốn.

{keywords}
Cả hai ông đều nổi tiếng trên thương trường

Tình bạn 10 năm và món nợ nhớ đời

Không nói đến món nợ và phiên tòa mà ông Kiên đang là bị cáo còn ông Long là bên bị hại, có thể thấy, 2 ông bầu này có rất nhiều điểm chung, từ sở thích bóng đá, cùng liên quan tới một con vật linh thiêng trong đời sống tinh thần của văn hóa Việt Nam là con rồng và cùng là những người nghĩ lớn, làm lớn.

Nhưng thật trớ trêu, 2 người bạn gặp trong một tình thế chắc hẳn chẳng ai mong muốn là trên tòa, ở hai chiến tuyến, phản bác nhau dữ dội.

Sau khi bầu Kiên gặp “vận hạn” trong năm tuổi 2012, ông Trần Đình Long cũng khổ sở với câu chuyện đòi món nợ 264 tỷ đồng đã chuyển để mua cổ phiếu từ DN của ông Kiên. Hòa Phát chầy chật, bị vạ lây, cổ phiếu lên xuống theo diễn biến vụ án.

Gần nhất, trong 2 phiên tái xét xử đầu vụ bầu Kiên, tài sản của ông Trần Đình Long lại "đội nón ra đi" cho dù TTCK ổn định trong lần xét xử lần này và các chỉ số chứng khoán đều tăng điểm trong 4-5 phiên gần đây. Cổ phiếu HPG giảm 0,8% trong phiên 20/5 và giảm thêm 0,4% trong phiên 21/5 khi mà chủ tịch Long, người bận trăm công nghìn việc, phải hầu tòa đối chất với người bạn thân tình của mình.

{keywords}
Bầu Kiên vẫn tươi rói tại tòa

Trước đó, cổ phiếu HPG cũng nhiều lần trồi sụt rất mạnh trước các thông tin liên quan tới bầu Kiên và vụ nợ, như thời điểm giới đầu tư đồn đoán về “một cú lừa ngoạn của bầu Kiên đối với Hòa Phát”, thời điểm thông tin qua lại về vụ việc và thời điểm ra thông tin “đòi” được nợ từ bầu Kiên... Không ít lần, tập đoàn thép hàng đầu Việt Nam Hòa Phát phải thông tin, giải thích tới các NĐT về khoản nợ, về quan hệ với bầu Kiên.

Những biến động giá cổ phiếu HPG nhiều khi ngược chiều thị trường cho dù trên thực tế Hòa Phát có kết quả kinh doanh khá tốt và là một trong số ít các DN vượt qua sóng gió năm Tỵ, thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền lãi, xác lập vị thế mới và ghi dấu ấn trên thương trường.

Với ông Long, cái khó cái khổ từ vụ mua cổ phiếu chưa giải chấp có lẽ sắp qua đi, tiền đã thu được về và vụ án sắp khép lại. Ông Long vẫn là người giàu thứ 3 trên TTCK với hơn 5.600 tỷ đồng giá trị tiền quy từ hơn 100 triệu cổ phiếu HPG đang nắm giữ. Vợ ông cũng nằm trong tốp 10 với hơn 1.700 tỷ đồng.

HPG vẫn đang phát triển theo chiều đi lên, doanh thu tăng dần, lên gần 1 tỷ USD/năm; lợi nhuận cũng tăng khá mạnh; còn ông Long có lẽ vẫn là rồng, vi vu trên chiếc trực thăng riêng loại 12 chỗ (thay cho chiếc 6 chỗ mua hồi năm 2010) trị giá 7 triệu USD với chi phí nuôi máy bay được cho là lên tới 2 tỷ đồng mỗi tháng.

Huấn Tú